(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, thành phố Thanh Hóa đã to, rộng và phát triển hơn nhiều. Nhưng với nhiều người thì thành phố vẫn rất thân quen với tên gọi Hạc Thành và những địa danh vàng son một thưở.

Dọc ngang Thành Hạc

Sau khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, thành phố Thanh Hóa đã to, rộng và phát triển hơn nhiều. Nhưng với nhiều người thì thành phố vẫn rất thân quen với tên gọi Hạc Thành và những địa danh vàng son một thưở.

Dọc ngang Thành Hạc

Những dấu tích còn lại ở làng cổ Đông Sơn trên đất Hàm Rồng. (Nguồn: Internet)

Thành Hạc là tên mà nhiều người thường dùng để gọi Hạc Thành - một tòa thành theo kể lại được khởi phát từ đất làng Hạc (thuộc phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa hiện nay) bằng sự suy tưởng về những cánh hạc thanh cao với khát vọng bay lên trời xanh. Một thành phố ở thời Pháp thuộc, rồi lại trở về tên gọi thị xã trong giai đoạn kháng chiến, tồn tại đến năm 1994, rồi lại trở lại thành phố một cách đầy đủ và đúng nghĩa.

Giờ thì thành phố chẳng còn trẻ, nhưng cũng chưa phải là “thành phố già”, dẫu rằng lịch sử của nó là rất dài, hơn 2 thế kỷ, kể từ năm Gia Long thứ 3 (1804), triều Nguyễn, tỉnh lỵ Thanh Hóa được dời từ vùng đất Dương Xá (Thiệu Dương, Thiệu Hóa cũ) về làng Thọ Hạc (thuộc huyện Đông Sơn cũ), gọi là Hạc Thành.

Một Hạc Thành đã đi vào rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, thế nhưng nó đều là những thứ rất định tính, có những sự vẽ vời, tán dương nhất định. Bảo Hạc Thành với những định lượng cụ thể thì thật khó để lượng hóa.

Bạn tôi nghe về Hạc Thành và trong chuyến ra Thanh đã đòi đưa đi để tường tận tòa thành gắn với tên một thứ chim thanh cao đến độ có thể xem là linh vật ấy, xem như thế nào. Chúng tôi đã làm khách bộ hành hết cửa Tiền, rồi cửa Hậu, cửa Tả, cửa Hữu - những cái tên gợi nhớ đến một tòa thành nội trung tâm hành chính với 4 cửa nhìn về tứ hướng, thành cao, hào sâu bao bọc, bên ngoài trên bến dưới thuyền với những phố buôn, những trang, ấp với những làng nghề nức tiếng xứ Thanh...

Chiều lòng bạn, tôi đưa đi dù biết tất cả điều đó giờ chỉ còn là quá khứ vàng son một thưở.

Anh bạn cứ lặng lẽ, tôi biết anh tiếc nuối, nhưng không thể khác được. Cái gì thuộc về lịch sử thì sẽ mãi mãi là quá khứ. Có tới cỡ nào thì lịch sử cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Lịch sử ấy đã làm nên vùng đất, con người, để cái tên Hạc Thành vang danh khắp nước.

Miên man, lang thang, chúng tôi xuôi xuống Bến Ngự - cái tên gợi nhớ rất nhiều điều xưa cũ. Nơi ấy là một con sông, giờ thì nó không còn đủ sâu, đủ rộng bởi sự xâm lấn của cư dân dù đã được nạo vét cải tạo bởi một dự án triển khai trong nhiều năm qua.

Nơi ấy, theo kể lại từng là trên bên dưới thuyền, nhà vua thân chinh ngự giá bằng đường thủy khi vào Thanh Hóa.

Ở một con phố vinh dự được đặt tên là Bến Ngự, giờ thành địa điểm cho những người thích quà vặt đến để thưởng thức và còn có một điểm đến tâm linh. Chùa Thanh Hà không chỉ có tiếng linh thiêng, cổ kính, mà còn là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Từ đây có thể nhìn lên Ngã Ba Bia với tấm bia cổ ghi dấu khoa thi gắn với trường thi thời Nguyễn - giờ cũng chính là tên đường phố dài xuống tận cầu Sâng: Phố Trường Thi.

Nơi này cũng chính là điểm đến mà nhiều người phương xa thích thú muốn dừng chân, không hẳn chỉ bởi giá trị di tích, mà ở đó còn có khuôn viên đẹp, cạnh đó là Bảo tàng tỉnh - một kho cổ tích của xứ Thanh.

Cũng từ con phố Bến Ngự này, xuôi xuống Lò Chum qua kênh Vinh, sang Đông Hương với làng nghề làm bún, miến, nem chua truyền thống, đến giờ vẫn tấp nập, mỗi ngày sản xuất ra hàng tấn sản phẩm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn.

Dọc ngang Thành Hạc

Dấu tích còn lại của Lò Chum một thời giờ chỉ còn lại những bức tường sành cũ kỹ.

Địa danh Lò Chum từng nức tiếng một thời gắn với nghề truyền thống đúc nung sành, sứ. Những sản phẩm ở đây từng một thời theo thương lái ra Bắc, vào Nam, sánh ngang với sành sứ của làng nghề Hương Canh, Bát Tràng. Thế nhưng giờ chỉ còn là ánh hào quang quá khứ, để người già nhấm nháp, và tiếc nuối. Những lò gốm ở đây đã lần lượt khai tử cùng với sự ra đi của nền kinh tế tập trung bao cấp. Trên con phố Lò Chum giờ chỉ còn nhìn thấy những sản phẩm sành sứ được tiểu thương nhập về từ tỉnh khác. Việc kinh doanh sành sứ cũng là một cách để người dân ở đây nhớ về nghề xưa bên cạnh việc thu nhập.

Phố Lò Chum hun hút với những ngõ dài, trên những bờ tường còn sót lại dấu vết của những mảnh vỡ của sành sứ ghi dấu một làng nghề. Một làng nghề nức tiếng trong lịch sử, giờ thì chẳng còn gì.

Hạc Thành khó có thể nhìn ngắm thỏa thuê đúng nghĩa từ phía Bắc, nơi chúng tôi đang đứng. Làng Hạc xưa, theo lời kể, còn dài xuống phía Nam, nối với Mật Sơn, ra phía Đông nối với Phủ Cốc, có nghĩa là thành phố Thanh Hóa xưa không chỉ bó hẹp trong mấy bức tường thành, mà cư dân của thành phố, đất đai của thành phố còn rộng, dài lắm, với một không gian văn hóa.

Ở phía Đông còn một số di tích như Phủ Vặng, đền Đông Hải… mà tôi đã từng đến. Đó là những trung tâm tín ngưỡng của cư dân ở phía Đông thành trước kia, cũng là những công trình kiến trúc đã được xếp hạng, việc bảo vệ, phát huy giá trị đang được chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa làm tốt.

Còn chùa Đại Bi - Núi Kỳ Lân ở phía Nam trên địa phận đất làng Mật. Làng Mật dựa vào núi Kỳ Lân nên quen gọi là làng Mật Sơn, chùa ở trên vách núi, nên cũng thường được gọi là chùa Mật Sơn. Một không gian tín ngưỡng linh thiêng, một điểm đến sinh hoạt văn hóa đang thu hút nhiều người. Làng Mật Sơn dù đang phải căng mình trong sự trỗi dậy mạnh mẽ của đô thị hóa, nhưng vẫn giữ được nhiều nét rất làng, khó diễn tả. Làng nằm bên kênh nhà Lê, một bên là núi, bên sông, hữu tình và dễ tạo thi hứng. Người dân trong làng vẫn duy trì được nghề làm hàng mã và trở nên đắt khách hơn khi nhu cầu hàng mã của người dân bây giờ tăng cao.

Dọc ngang Thành Hạc

Chùa Đại Bi, điểm đến tín ngưỡng của nhiều người dân TP Thanh Hóa. (Nguồn: Internet)

Đến làng nghe những tiếng chuông chùa thỉnh vào thinh không, trong mùi trầm hương, dễ mường tượng ra những nét tịch liêu, những thứ rất xưa, gắn với điều gì đó khó lý giải, chí ít cũng làm cho chúng tôi thấy tự tại, để thả lòng mình vào sự lắng đọng của “Mái chùa che chở hồn dân tộc”...

Cũng trên địa phận phường Đông Vệ còn có những ngôi làng nổi tiếng, là làng Tạnh, làng Quảng. Làng Tạnh giờ không còn nhiều đất bởi sự ra đời của những khu đô thị mới, nhưng hình ảnh về những vườn rau xanh mướt ở đây gắn với những người nông dân thuần phác xưa cũ, thì chắc còn lâu lắm mới phai mờ. Làng Quảng được biết đến với thứ rượu trứ danh. Nghề nấu rượu ở đây tưởng thất truyền vì những lý do khác nhau, nhưng mấy năm gần đây người dân địa phương đã làm sống lại, giờ có hẳn một doanh nghiệp đứng ra sản xuất, kinh doanh gắn liền với tên tuổi rượu làng Quảng. Làng Quảng còn được biết đến là quê nội của nhà thơ Nguyễn Duy nổi tiếng với câu thơ “Làng ta ở tận làng ta”, có cây cầu Bố được nhiều người nhắc đến bằng câu chuyện khá dí dỏm.

Bố Vệ Miếu được biết đến với tên gọi là Thái miếu nhà Hậu Lê cũng đứng chân trên đất làng Quảng. Một ngôi Thái miếu với rất nhiều hương án, thánh vị cổ ghi danh các vua nhà Lê, do vua Gia Long cho lập năm 1804. Một di tích cấp quốc gia đang được dành nhiều kinh phí tôn tạo, chống xuống cấp hy vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn.

Hạc Thành, vừa đi vừa nghĩ chuyện, cũng ngộ thêm nhiều điều. Một tòa thành cơ học dù không còn, nhiều công trình cũng đã “khuất”, nhưng ở đó vẫn còn rất nhiều trầm tích, là minh chứng, sự kết tinh cho hào quang một thuở.

Bây giờ sau khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, thành phố Thanh Hóa đã to, rộng và phát triển hơn nhiều. Nhưng, với nhiều người thì thành phố vẫn rất thân quen với tên gọi Hạc Thành, với những địa danh vàng son một thưở, dù bây giờ những nơi ấy đã thay đổi, nhường công năng cho sự phát triển thiết thực hơn của một đô thị loại 1.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]