(vhds.baothanhhoa.vn) - Với phương châm “học mà chơi - chơi mà học”, những chuyến du lịch về nguồn ngày càng được nhà trường, phụ huynh chú trọng nhằm tăng cường hoạt động giáo dục truyề thống văn hóa, truyền thống lịch sử cho các em học sinh.

Du lịch về nguồn: Hiệu quả từ hoạt động giáo dục thực tiễn cho học sinh

Với phương châm “học mà chơi - chơi mà học”, những chuyến du lịch về nguồn ngày càng được nhà trường, phụ huynh chú trọng nhằm tăng cường hoạt động giáo dục truyề thống văn hóa, truyền thống lịch sử cho các em học sinh.

Du lịch về nguồn: Hiệu quả từ hoạt động giáo dục thực tiễn cho học sinhHọc sinh Trường THPT Thạch Thành 2 chụp ảnh lưu niệm tại Thành Nhà Hồ.

Dịp cuối tuần, các em học sinh lớp 12 Trường THPT Thạch Thành 2 đã tổ chức chuyến du lịch thăm và khám phá Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc. Đây là lần đầu tiên lớp được đi du lịch nên bạn nào cũng háo hức và mong chờ được nhìn thấy di sản văn hóa thế giới. Với Nguyễn Thị Yến Nhi thì em đã chờ đợi chuyến đi này lâu rồi, là học sinh chuyển từ miền Nam về học tại Trường THPT Thạch Thành 2 đã được 3 năm, em rất hào hứng với chuyến đi tìm hiểu văn hóa, phong tục, đời sống sinh hoạt của người dân miền Bắc nhất là di tích văn hóa nổi tiếng thế giới như Thành Nhà Hồ. Tại đây, Yến Nhi và các bạn tham quan phòng trưng bày gồm nhiều cổ vật như vũ khí, tượng, đồng tiền cổ, đá… Đặc biệt, các em được nghe hướng dẫn viên kể câu chuyện lịch sử về Hồ Quý Ly và triều đại nhà Hồ, khám phá những điều bí ẩn về tòa thành, về kiến trúc độc đáo và duy nhất của tòa thành, những ẩn dấu từ các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, có tấm nặng tới 15 - 20 tấn xếp chồng lên nhau, không cần chất kết dính mà vẫn đảm bảo độ bền vững. Trên đường đến Thành Nhà Hồ, lớp cũng tham quan nhiều di tích văn hóa nổi tiếng khác như: đình Đông Môn, nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tùng, đền Tam Tổng, chùa Giáng…

Không những háo hức trong giờ tham quan mà sau khi chuyến du lịch, Thành Nhà Hồ trở thành chủ đề “hót” được các em học sinh nói đến nhiều nhất, đó là những kỷ niệm, bí ẩn của tòa thành và những câu chuyện lịch sử thú vị. Cô Cao Thị Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết “Tôi không ngờ chuyến du lịch lại ảnh hưởng tích cực đến các em như vậy, sau chuyến đi nhiều em thích học môn Lịch sử hơn, các em đã có những kiến thức nhất định về nhà Hồ và Thành Nhà Hồ, hều hết các em đều tỏ ý muốn được đi tham quan những di tích văn hóa lịch sử như thế này nhiều hơn nữa”.

Vào những ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2-9, Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa… khu di tích cách mạng làng Yên Trường, ngôi nhà của đồng chí Lê Văn Sỹ (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân)… có nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu trong đó có nhiều đoàn khách là các em học sinh trong tỉnh. Đến với những di tích cách mạng này, các em được chứng kiến tận mắt “bằng chứng sống” về một giai đoạn cách mạng quan trọng của tỉnh nhà. Được cảm nhận rõ về hào khí, tinh thần của những chiến sĩ cách mạng trung kiên. Tại ngôi nhà của đồng chí Lê Văn Sỹ vào năm 1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, Hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thọ Xuân được tiến hành với 7 đảng viên tham dự, đồng chí Lê Văn Sỹ được cử làm Bí thư chi bộ. Cũng tại ngôi nhà này, ngày 29-7-1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra và quyết định nhiều chủ trương đối với phong trào cách mạng trong tỉnh.

Du lịch về nguồn: Hiệu quả từ hoạt động giáo dục thực tiễn cho học sinhHọc sinh hào hứng tham quan các di tích lịch sử.

Những kiến thức lịch sử, những dòng sự kiện, nhân vật lịch sử… sẽ trở nên dễ nhớ, dễ hiểu, gây cảm xúc hơn khi học sinh được trải nghiệm thực tế. “Việc tổ chức những chuyến du lịch trải nghiệm thực tế là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn ở thế hệ trẻ. Giáo dục truyền thống và định hướng lý tưởng cho học sinh ở những khu di tích lịch sử, để từ đó, mỗi học sinh tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử của quê hương mình”, cô Cao Thị Tuyết cho biết thêm.

Những chuyến du lịch về nguồn cũng rất được các bậc phụ huynh ủng hộ, chị Phương Anh (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) nêu quan điểm: “Hoạt động “học mà chơi - chơi mà học” qua những trải nghiệm lành mạnh, bổ ích như du lịch về nguồn sẽ giúp các em học sinh dung nạp kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng sống một cách tự nhiên, thoải mái nhất”.

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết: Thời gian qua, trung tâm tăng cường phối hợp với nhà trường tổ chức các tour, chuyến du lịch tham quan cho học sinh. Bên cạnh việc giáo dục kiến thức lịch sử, văn hóa thì các em còn được tham gia hoạt động trải nghiệm thú vị như thưởng thức đặc sản vùng miền, trò chơi dân gian, hoạt động kỹ năng sống… tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh cho các em.

Bài và ảnh: V.A



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]