(vhds.baothanhhoa.vn) - Tết đến, xuân về, như đã từng quen, nhà nhà, người người lại cùng nhau du xuân, trẩy hội. Những di tích, điểm đến tín ngưỡng tâm linh trên khắp mọi miền xứ Thanh thu hút hàng vạn lượt khách về chiêm bái, hành lễ. Mùa Xuân - đất trời - con người như có sự giao hòa. Và cùng cầu chúc cho một năm mới an yên, may mắn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du xuân về miền di tích

Tết đến, xuân về, như đã từng quen, nhà nhà, người người lại cùng nhau du xuân, trẩy hội. Những di tích, điểm đến tín ngưỡng tâm linh trên khắp mọi miền xứ Thanh thu hút hàng vạn lượt khách về chiêm bái, hành lễ. Mùa Xuân - đất trời - con người như có sự giao hòa. Và cùng cầu chúc cho một năm mới an yên, may mắn.

Trong không gian của bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, mùi trầm hương quện lẫn cái se lạnh của ngày đầu xuân tạo nên hương vị đặc trưng chẳng thể lẫn lộn của ngày tết cổ truyền. Người Việt dù đi muôn phương, khắp chốn cũng chỉ thấy lòng bình yên khi ngày xuân được sum vầy bên gia đình nhỏ.

Và, trẩy hội, du xuân, vãn cảnh như đã trở thành một nét văn hóa, nhu cầu tinh thần của đời sống người dân những ngày đầu xuân. Bởi vậy, dễ nhận ra các di tích văn hóa lịch sử, chốn tâm linh sẽ là những địa điểm thu hút đông đảo người dân đến chiêm bái.

Xứ Thanh, có hơn 1.500 di tích, danh thắng. Trong đó, phần nhiều là các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với tín ngưỡng tâm linh. Đó là đền thờ danh tướng, bậc công thần có công với nước, Thành hoàng làng, nơi các bậc thánh thần hiển linh, giáng ngự được người dân tôn thờ... tất cả tạo nên một không gian tâm linh trải khắp các địa phương trong cả tỉnh, nơi gửi gắm niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng dân cư.

Trong đó, có những di tích dường như đã trở thành địa chỉ định vị trong lòng người dân trong, ngoài tỉnh mỗi dịp đầu xuân. Có thể kể đến một đền Cửa Đặt linh thiêng nơi miền núi phía tây; một Phủ Na nức tiếng chốn thượng du; một đền Độc Cước, đền Cô Tiên nhìn ra biển Sầm Sơn dập dềnh sóng vỗ; một chùa Thông - động Hồ Công danh thắng đất Tây Đô. Cùng với đó là nhiều di tích, đình, chùa, đền, miếu, phủ thu hút rất đông du khách đến tham quan, dâng hương, vãn cảnh.

Và chẳng biết tự khi nào, quan niệm lên rừng xuống biển dịp đầu xuân cũng đã trở thành một nét văn hóa, tín ngưỡng riêng. Nhiều người tin rằng, đầu năm du xuân lên rừng xuống biển thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, hanh thông. Cùng sự thành tâm, hướng thiện, khi bước chân đã vượt qua tất cả khó khăn trèo núi, vượt đèo, qua suối thì người ta tin rằng mình sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua mọi thử thách trong năm mới.

Có lẽ bởi vậy mà những di tích nằm ở vị trí trung tâm luôn trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong dịp đầu xuân.

Từ TP Thanh Hóa, ngược ngàn khoảng 70 km với hơn 1h chạy xe về phía tây là không gian núi rừng của đất quế Thường Xuân, có di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đặt (nơi thờ danh tướng Cầm Bá Thước) và bà chúa Thượng Ngàn. Nằm bên sườn núi, soi bóng xuống dòng sông Chu và cách đó không xa trong tầm mắt là hồ thủy điện Cửa Đạt... tất cả tạo nên một không gian với cảnh sắc có lẽ chẳng thể hài hòa hơn. Đây cũng là một trong những điểm tâm linh thu hút lượng khách đông bậc nhất xứ Thanh trong dịp đầu xuân. Chẳng quản đường sá xa xôi, những dòng người đi lễ cùng nhau nối bước về với di tích. Người ta tin rằng khi về đây, với tất cả sự thành tâm sẽ được đấng tối linh phù trợ, giúp đỡ cho chân cứng đá mềm. Và vì là về với mẹ thiên nhiên, bà chúa Thượng ngàn (mẹ rừng) nên cùng với đi lễ, người dân còn không quên mang về những sản vật của núi rừng làm quà cho người thân. Đó có thể chỉ là nắm lá thuốc nam, bó chè xanh, hạt mắc khẻn... do đồng bào các dân tộc tự tay hái mang về... người ta xem đó là lộc của mẹ rừng.

Đền Cửa Đặt linh thiêng nơi miền Tây xứ Thanh.

Rời đền Cửa Đặt và bà chúa Thượng ngàn, thấp dần theo độ cao của cung đường miền núi là trở về với đền thờ danh thắng Phủ Na xã Xuân Du (Như Thanh). Phủ Na được xem là không gian đặc trưng với tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhưng có một điều đặc biệt, là cùng dung hòa trong không gian ấy còn có tín ngưỡng thờ thánh Tản Viên, mẹ Âu Cơ, bà chúa Cửa rừng... tín ngưỡng bản địa của người Mường Hòa Bình về đây sinh sống. Lẩn khuất trong không gian miền thượng du với cây cối và cảnh vật vẫn còn nét hoang sơ, tự nhiên, di tích danh thắng Phủ Na được thiên nhiên ưu ái cho bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Có rừng núi, có thác nước chảy tự muôn đời chưa bao giờ vơi cạn. Trong cảnh sắc ấy là không gian tín ngưỡng tâm linh để con người tỏ lòng ngưỡng vọng trước đấng tối linh, để những ước nguyện, mưu cầu trong năm mới sẽ sớm thành hiện thực. Người ta tin rằng bằng sự chân thành, bằng tâm sáng thì những ước nguyện của mình sẽ được thần linh phù trợ.

Và điểm đến trong chuyến du xuân lên rừng xuống biển sẽ không thể thiếu đền Độc Cước và đền Cô Tiên nằm án ngự trên dải núi Trường Lệ, hướng mình ra bãi biển Sầm Sơn. Hai di tích có truyền thuyết gắn liền với quá trình lập ấp, lập làng, xây dựng đời sống của người dân Sầm Sơn từ thuở sơ khai. Họ tin rằng, để có cuộc sống no đủ, với lộc cá đầy ghe, yên ổn trước sóng cao, bão dữ thì có sự phù trợ của vị nhân thần Độc Cước. Chính thần Độc Cước với tấm lòng quảng đại, anh dũng đã không tiếc xẻ đôi thân mình để bảo vệ lương dân, đánh đuổi quái thú. Mang ơn thần, nhân dân Sầm Sơn đã lập đền thờ thần để con cháu đời đời thành kính tri ân. Về với đền Độc Cước vào dịp đầu xuân, người dân và du khách còn được cùng nhau tham dự lễ hội kỳ phúc đầu xuân, một trong những lễ hội lớn bậc nhất trong năm diễn ra tại đền Độc Cước.

Nhưng xứ Thanh - một miền di sản đâu chỉ có vậy. Bạn đã bao giờ đến với di tích danh thắng chùa Thông - động Hồ Công nơi đất Tây Đô (Vĩnh Lộc) vào dịp đầu xuân. Nếu chưa, vậy thì trong chuyến du xuân, vãn cảnh tết này đây sẽ là một điểm đến đầy gợi mở cho hành trình khám phá vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh. Danh thắng tọa lạc trên đỉnh núi Xuân Đài đã làm đắm lòng bao bậc tao nhân, mặc khách tới đây. Chẳng phải vì vậy mà phiến đá lớn ngay gần cửa động vẫn còn lưu bút tích cổ “Thanh kỳ khả ái”! Cửa động nằm án ngữ trên đỉnh núi, vậy nên đây nhìn xuống, cả không gian bao la với đồng bằng sông Mã bồi đắp, những phố thị của chốn kinh đô xưa đang từng ngày đổi thay.Phải chăng, trong cuộc sống này mỗi người đều phải không ngừng cố gắng. Nhưng biết đủ, biết hài lòng với cuộc sống với cái tâm bớt sân, si đôi khi cũng là hạnh phúc.

Có thể, nhiều người thích quan điểm: tết đến phải đi du lịch thế giới, đến những điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng trong nước và quốc tế... mới là mốt thời thượng của cuộc sống hiện đại. Bạn, tôi, hay bất kỳ ai đều có quyền có quan điểm của riêng mình. Nhưng, chẳng phải chúng ta vẫn nóitết đoàn viên đấy thôi. Còn gì hạnh phúc hơn khi được sum vầy cùng cả gia đình, bên mâm cơm ngày tết, dâng hương gia tiên. Và cùng nhau vãn cảnh đình, chùa... di tích có ở hầu khắp các làng xã xứ Thanh. Nơi ấy có tiếng chuông vang vọng, mái ngói ngả màu rêu phong nhưng thân thương với ta từ thuở thiếu thời. Để đứa trẻ lớn lên với những ký ức bình dị, hiền lương,để người già trở về chốn bình yên sau những mải mê, bon chen. Tết đến xuân về, đi đâu đó cũng tốt, lên rừng xuống biển cũng được. Nhưng nếu chưa thể thì được cùng sum vầy với những người thân mình yêu thương, vậy cũng là hạnh phúc.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]