(vhds.baothanhhoa.vn) - Sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn của đại ngàn, cùng với sắc thái văn hóa bản địa đặc sắc, Thường Xuân đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách muôn phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khám phá du lịch trên đất Châu Thường

Sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn của đại ngàn, cùng với sắc thái văn hóa bản địa đặc sắc, Thường Xuân đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách muôn phương.

Đền Cửa Đặt - điểm đến tâm linh

Trong không khí lễ hội đầu xuân, lên rừng xuống biển cầu may, đền Cửa Đặt, huyện Thường Xuân luôn là điểm đến tâm linh hấp dẫn. Dòng người đổ về đây ngày càng nhiều, nhất là ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán. Mọi người về đây không chỉ được thắp hương, vãn cảnh, cầu may đầu năm mà còn được ngắm cảnh thiên nhiên lòng hồ Cửa Đặt, khám phá rừng Xuân Liên càng thấy thêm nét đẹp của một vùng thắng tích hội tụ.

Đền Cửa Đặt là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn. Tương truyền, bà được sinh ra vào thời Trần, có công cứu nạn dân chúng nên được phong thánh cai quản một vùng. Tại đây còn có đền thờ danh nhân Cầm Bá Thước - người dân tộc Thái, sinh ra ở Vạn Xuân, Châu Thường (Thường Xuân). Ông là một trong những người tích cực tham gia phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19 và hy sinh khi mới 37 tuổi. Để tưởng nhớ công ơn của danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, nhân dân trong vùng đã lập nên 2 ngôi đền cạnh nhau để thường xuyên hương khói.

Điều kỳ diệu ở khu đền này là được tọa lạc ở khu đất cao ráo, dưới chân núi Róc - nơi hợp lưu giữa sông Chu và sông Cửa Đặt. Trước đây đền còn hoang sơ, khi Công trình thủy lợi - thủy điện hồ Cửa Đặt được xây dựng thì khu di tích này đã được các công ty, đơn vị xây dựng công trình đóng góp xây dựng thành một quần thể di tích tương đối hoàn thiện, tạo điểm đến hấp dẫn cho mọi người về dâng hương.

Du khách về đây thường làm công đức cho đền vì họ cho rằng làm từ thiện vừa tỏ lòng thành tâm nơi cửa Phật, vừa lấy may mắn cho cả gia đình đầu năm và còn được mua những giống cây, cành lộc về nhà trồng, làm quà để lấy may. Vì thế, lượng du khách về đây mỗi năm ngày càng nhiều hơn. Ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VH-TT huyện Thường Xuân, cho biết: Năm 2018, huyện đã đón được gần 83.000 lượt khách về tham quan, dâng hương tại khu di tích, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và bản Mạ xã Xuân Cẩm... Để tiếp tục bảo tồn các di tích trên địa bàn, huyện đang tiếp tục lập hồ sơ xếp hạng di tích danh thắng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, quy hoạch trùng tu xây dựng điểm di tích đền thờ Cầm Bá Hiển xã Vạn Xuân, di rời đền Cô lên vị trí mới, quy hoạch khuôn viên nhà sàn truyền thống, lập đề án phát triển du lịch cộng đồng thôn Thanh Xuân (xã Xuân Cẩm), thôn Vịn (xã Bát Mọt), hội thề Lũng Nhai (xã Ngọc Phụng), khảo sát khu vực suối Bống (xã Xuân Lộc) để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư... tạo điểm nhấn cho du lịch Thường Xuân phát triển.

Thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn

Hồ thủy điện Cửa Đặt là một công trình lớn, có thể chứa đến 1,45 tỷ m khối nước và mang trong nó nhiều sứ mệnh cao cả. Để xây dựng được công trình này, người dân ở các xã: Xuân Mỹ, Xuân Khao, Xuân Liên phải di rời đến các khu tái định cư khác. Cách đây hơn 10 năm công trình đã được hoàn thành và đi vào sử dụng, trở thành điểm nhấn cho kinh tế vùng phát triển. Đến đây mọi người mới trực tiếp thấy được những nét đẹp hiền dịu của cả một vùng non nước hữu tình, giữa một màu xanh bạt ngàn của núi rừng.

Về đây du khách không chỉ được đi thuyền trong lòng hồ mà còn được câu cá, thưởng thức các món ăn dân dã, giàu bản sắc của người Thái, Mường, như: Cá lăng nấu măng tươi, cùng những chén rượu sắn, ngô, nồng nàn ấm áp. Theo đó còn được thưởng ngoạn thắng cảnh 2 bên lòng hồ là khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với đa dạng hệ động vật phong phú, gắn liền với sự tồn tại của các kiểu rừng kín, chủ yếu cây lá rộng nhiệt đới, núi thấp và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới. Đây là khu bảo tồn có độ cao từ 800 - 1600m với diện tích 4000ha rừng nguyên sinh núi cao phân bố tập trung và sự hiện diện của nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Voọc xám ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Rừng còn có các đỉnh núi cao với đa dạng kiểu rừng nguyên sinh đặc trưng như: Sến, Táu, Pơ mu - Sa mu cùng với hệ thống các hang động, thác nước hùng vĩ, suối nước thiên nhiên và bãi đá lộ thiên nhiều giá trị, hấp dẫn...

Trải nghiệm nông trại Golden Cow

Trang trại Golden Cow (Con bò vàng) thuộc xã Lương Sơn. Trang trại do gia đình bà Đào Thị Mai - TP Thanh Hóa đầu tư trên diện tích gần 20ha. Mục đích giành cho học sinh trải nghiệm những kinh nghiệm trong cuộc sống. Nơi đây nằm giữa một vùng núi non, thung lũng, cách trung tâm huyện Thường Xuân khoảng 9km. Đường vào trang trại đang được xây dựng, 2 bên là những cánh đồng mía bạt ngàn. Khu trang trại đã được xây dựng thành những khu vườn trồng các loại rau, hoa, khu nhà tròi, nhà sàn, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặc dù đã được xây dựng khoảng 1/2 diện tích nhưng đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, các trường học đến trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm. Điều đặc biệt ở đây là không khí mát mẻ, trong lành, có thể trèo đồi, leo núi, ngồi trong các nhà sàn thưởng thức các món ăn từ nông trại...

Theo bà Đào Thị Mai - chủ nông trại cho biết: "Trang trại đang trong bước hoàn thiện. Để có được trang trại này, gia đình phải đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ một số trang trại học đường ở TP Hà Nội, TP Cần Thơ. Từ khi xây dựng trang trại đến nay, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ và tạo mọi điều kiện của chính quyền từ huyện đến xã, nhất là công tác ANTT luôn được ổn định. Nhiều đoàn tham quan về đây còn được giao lưu hát, múa cùng với các bác nông dân xã Lương Sơn. Chính điều này đã tạo sự gần gũi, thân thiện cho các em học sinh được chứng kiến, trải nghiệm sự lao động vất vả của người dân để có những thành quả trái ngọt, cũng là nét khám phá độc đáo, loại hình du lịch mới mẻ ở xứ Thanh"...

Thanh Thúy


Thanh Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]