(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu dòng người nô nức, háo hức hành hương về Lam Kinh vào những ngày sắc xuân, khí xuân, sức xuân căng tràn, phơi phới để thoả bước chân ưa thích ngao du và trao gửi mong cầu về sức khoẻ, hạnh phúc, thành công… thì Lam Kinh trong chiều thu lại mang một tầng ý nghĩa khác - sâu sắc và linh thiêng.

Lam Kinh chiều thu

Nếu dòng người nô nức, háo hức hành hương về Lam Kinh vào những ngày sắc xuân, khí xuân, sức xuân căng tràn, phơi phới để thoả bước chân ưa thích ngao du và trao gửi mong cầu về sức khoẻ, hạnh phúc, thành công… thì Lam Kinh trong chiều thu lại mang một tầng ý nghĩa khác - sâu sắc và linh thiêng.

Nét cổ kính, linh thiêng thấm đẫm chiều sâu, giá trị lịch sử - văn hoá của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) hoà vào cảnh sắc chiều thu khiến du khách ngỡ như đã chạm đến tận cùng của cái đẹp. Nó giống như cảm giác mê hoặc, đắm chìm khi chiêm ngưỡng “Mùa thu vàng” - một trong những bức tranh phong cảnh nổi tiếng nhất của họa sĩ Levitan.

Lam Kinh chiều thu

Cảnh sắc sông Chu, núi Mục yên bình cửa ngõ vào Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân).

Trong bức tranh ấy, dường như mỗi chúng ta có thể cảm nhận rất rõ ràng chất nhạc, chất thơ sánh quyện, chiều sâu và bề rộng của không gian, thời gian, những vang động khẽ khàng như mạch nguồn chảy mãi tự ngàn xưa vọng về và chuyển động hôm nay… Hơn tất thảy, Lam Kinh trong những ngày thu đượm khiến tâm khảm mỗi người nghĩ sâu hơn, dài rộng hơn về sợi dây liên kết giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và hiện tại, lịch sử và thời đại…

Lam Kinh chiều thu

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh toạ lạc trên mảnh đất Thọ Xuân - nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở thế kỷ XV.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, biến ảo của lịch sử, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh vẫn hiên ngang đứng đó với tất cả niềm tự hào, ngưỡng vọng, trân trọng, gìn giữ bởi không chỉ các thế hệ người dân xứ Thanh mà là lớp lớp “con lạc cháu hồng”. Những điện miếu, sân đình, mái ngói rêu phong cổ kính, nhuốm màu thời gian, từng viên gạch đã hằn in dấu chân tiền nhân, từng thớ đất, cây cổ thụ xanh tươi… vẫn âm thầm kể chuyện lịch sử, ghi đậm dấu ấn vương triều Lê Sơ, minh chứng sinh động, thuyết phục về một giai đoạn thái bình thịnh trị của đất nước.

Chuyện kể rằng: Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Thăng Long - Hà Nội lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm. Năm 1430, sau khi lên ngôi Hoàng đế Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh) để phân biệt với Đông Kinh - Hà Nội. Từ đó, Lam Kinh trở thành vùng đất căn bản của nước Đại Việt thời Lê.

Cũng như các triều đại Lý, Trần để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô to lớn ở đất Lam Sơn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua, Thái hoàng, Thái hậu, nơi cử hành những nghi lễ khi vua lễ bái yết sơn lăng. Lam Kinh trở thành vùng đất căn bản của nước Đại Việt thời Lê Sơ.

Lam Kinh chiều thu

Giếng nước cổ bên trong Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Thành điện Lam Kinh được xây dựng theo thế “tọa sơn hướng thủy”. Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.

Quy mô công trình kiến trúc Lam Kinh được miêu tả chi tiết, tỉ mỉ trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biết, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và các lăng của vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia […] Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi Môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ Công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên tả, hữu, cái nọ, cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp”.

Về vùng đất “quý hương” của nhà Lê, ít ai biết được rằng cho đến những năm đầu thế kỉ XX, những dấu tích, kỷ niệm về một vương triều vẫn còn lẩn khuất trong bờ cây, đám cỏ điêu tàn. Điều đó được ghi lại trong bài ký “Lam Sơn” của tác giả Vị Dung đăng trên Tri Tân tạp chí (số 66, ra ngày 6-10-1942): Những vị khách phương xa với “lòng tràn một niềm thành kính”, “hăm hở của những tín đồ đi vào đất thánh” đã đi qua làng mạc để thấy Lam Sơn đẹp như một bài thơ. Họ đã ghé thăm cánh rừng xưa kia Lê Lợi đấy binh. Cánh rừng thiêng ấy - nơi vẫn còn lưu dấu hình ảnh, bước chân của những con người vĩ đại đã làm “tôn lòng sùng thượng”, “cảm động một cách thấm thía” khiến những vị khách e dè, chẳng ai bảo ai mà đều lặng im trước vẻ trang nghiêm phảng phất. Họ gặp một “tấm bia đá lớn dựng trên lưng một con rùa đá to bằng cánh phản” do Nguyễn Trãi soạn thảo.

Lam Kinh chiều thu

Vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, linh thiêng của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Họ đã tìm thấy lăng vợ vua Lê. “Giữa khoảng rộng, từng bậc, từng bậc cao lên, hai bên có ngựa, voi, đình thần bằng đá đứng chầu. Ở bậc cao nhất là lăng. Chữ “lăng” đây không nên gợi cho trí ta những hình ảnh rực rỡ, tôn nghiêm, hùng tráng… Lăng đây chỉ là một ngôi mộ lớn, xung quanh xây bằng gạch, ở trên đắp đất. Không một chân nhang”.

Trong rừng cây um tùm rập rạp, lau mọc chi chít, những vị khách phương xa ngậm ngùi, có chút gì đó xa xót khi không thể tìm thấy mộ vua Lê Lợi: “Cái bậc có công với đất nước là dường ấy, vị vua khai quốc ấy, ngày nay yên nghỉ nơi nào, hỏi ai là người biết rõ?”.

Gần 6 thế kỷ đã trôi qua, với biết bao nỗ lực, tâm huyết, trăn trở của nhiều thế hệ, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh từng bước được khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị để có được diện mạo, vị thế như ngày hôm nay.

Lam Kinh chiều thu

Bia Vĩnh Lăng - Bảo vật Quốc gia tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Dạo bước qua cầu Bạch Kiều (trước đây có tên gọi Tiên Loan Kiều) bắc qua khe Ngọc, giếng nước cổ, nghi môn 3 gian cổ kính với linh vật đứng chầu, qua chính điện gọi tên Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh… mà thấy lòng rưng rưng xúc động khi nghĩ về lịch sử cha ông, trào dâng niềm tự tôn dân tộc.

Bởi những anh hùng, hào kiệt xuất thân từ nơi đây mà xứ Thanh có được niềm vinh dự, tự hào to lớn thế? Hay chính bởi xứ Thanh với “vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho”, “đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...”?

Có lẽ, chẳng cần phải dụng công suy nghĩ bởi chính sức sống của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh này đã là câu trả lời tinh tế, thuyết phục nhất. Lúc sinh thời, đất và người đã cùng nhau ghi tạc tên mình vào sử sách, làm nên khúc tráng ca. Và khi mất đi, người cùng đất quyện hòa làm một.

Hẳn rằng, mỗi vị khách khi đến với Khu di tích đã sững lại thật lâu trước khu lăng mộ, bia đá ca ngợi công đức của các vị vua, hoàng thái hậu triều Lê Sơ. Này đây là Vĩnh Lăng Bia (còn gọi là Lam Sơn Vĩnh Lăng bi), Khôn Nguyên Chí Đức chi bi (bia lăng Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), Bia lăng Vua Lê Thánh Tông (Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi), bia lăng vua Lê Hiến Tông (Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng bi), bia lăng Vua Lê Túc tông (Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi)… Những ngôi mộ ấy là báu vật ngàn năm, những tấm bia ấy chính là “những trang sử đá”, di sản Hán - Nôm đặc sắc của dân tộc, thời đại, bảo vật Quốc gia... Đó là sự tri ân xứng đáng của hậu thế dành tặng những bậc đế vương, hoàng thân quốc thích xưa. Dường như, những dĩ vãng đau thương, dĩ vãng oanh liệt, tất cả đều đã nằm lại với đất, “từng lớp thời gian đã phủ lên ngày lại một ngày”, chỉ có âm vang lịch sử vẫn âm thầm động cựa trong tâm hồn ta, tâm trí ta, hòa vào nhịp trái tim căng tràn sức sống.

Lam Kinh chiều thu

Những đường nét hoa văn chạm trổ công phu, tinh tế như càng khắc họa đậm nét dấu ấn thời gian, lịch sử, văn hóa nơi đây.

Đã bao mùa thu qua, mỗi năm, vào các ngày 21 và 22-8, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh lại xốn xang, tưng bừng lễ hội với các hoạt động phong phú, hấp dẫn. Câu ca: “Hăm mốt Lê Lai/Hăm hai Lê Lợi” dường như đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nét đẹp truyền thống của đất và người nơi đây.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, mùa thu này Lễ hội Lam Kinh chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Hỏi rằng, nếu thiếu đi những thanh âm rộn ràng, những màn ca múa nhạc độc đáo, những chương trình nghệ thuật đặc sắc thì Lễ hội Lam Kinh có thiếu đi tính hấp dẫn, có còn đủ sức khiến chúng ta gợi nhớ về? Câu trả lời chắc chắn là có, nhưng trên hết nghi thức nào cũng thế đều phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Dừng tổ chức để lần sau chúng ta tổ chức trang trọng hơn.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]