(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng cổ Nguyệt Viên bên bờ sông Mã (xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa) là một trong những làng khoa bảng nổi tiếng xứ Thanh. Trong đó, cụ Phó bảng Lê Viết Tạo là người cuối cùng “khép lại” lịch sử khoa bảng thời phong kiến của làng quê hiếu học.

Nhà thờ vị đại khoa cuối cùng của làng khoa bảng Nguyệt Viên

Làng cổ Nguyệt Viên bên bờ sông Mã (xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa) là một trong những làng khoa bảng nổi tiếng xứ Thanh. Trong đó, cụ Phó bảng Lê Viết Tạo là người cuối cùng “khép lại” lịch sử khoa bảng thời phong kiến của làng quê hiếu học.

Nhà thờ vị đại khoa cuối cùng của làng khoa bảng Nguyệt Viên

Di tích Lịch sử - văn hóa nhà thờ cụ Phó bảng Lê Viết Tạo với kiến trúc nhà ở truyền thống 5 gian.

Trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến ở xã Hoằng Quang có 21 người đỗ đại khoa (tiến sĩ), riêng làng Nguyệt Viên có 11 người. Đứng đầu là Nguyễn Trật, đỗ tiến sĩ dưới thời Vua Lê Thần Tông và cuối cùng là Phó bảng khoa Kỷ Mùi (1919) Lê Viết Tạo.

Nhà thờ vị đại khoa cuối cùng của làng khoa bảng Nguyệt Viên

Cụ Lê Viết Tạo đỗ Phó bảng kì thi cuối cùng do triều đình phong kiến nhà Nguyễn tổ chức - khoa thi năm Kỷ Mùi (1919)

Theo sách “Đồng Khánh - Khải Định chính yếu” (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, NXB Thời đại, 2009) sau khoa thi Hương diễn ra năm 1918, vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ khoa cử ở Việt Nam, nền khoa cử kéo dài 844 năm chính thức kết thúc.

Tháng Giêng, mùa xuân năm Khải Định thứ 4 (1919), trong công văn hỏi về thể thức kỳ thi Hội của Bộ Học, Nhà vua đã phê: “Lần này là khoa thi Hội cuối cùng của triều đình, nên trẫm muốn gia ân cho sinh viên sĩ tử khoa mục trong cả nước, hễ ai thông thạo cả hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình Bộ Học để xin vào ứng thí, lấy tên khoa này là Ngự tứ ân khoa để sau này lập ra Hội Hàn lâm. Truyền tuyển chọn quan Thư tịch để mở rộng đường cho kẻ sĩ”.

Đến tháng 9-1919 diễn ra kỳ thi Điện (thi Đình), chọn được 7 tiến sĩ và 16 phó bảng. Trong đó, riêng làng Nguyệt Viên có 2 người: Nguyễn Phong Di (còn gọi là Nguyễn Thái Bạt) đỗ đầu (Đình nguyên) và Phó bảng Lê Viết Tạo.

Nhà thờ vị đại khoa cuối cùng của làng khoa bảng Nguyệt Viên

Cụ Phó bảng Lê Viết Tạo là người đặt nền móng cho truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ Lê Viết về sau.

Phó bảng Lê Viết Tạo sinh năm Bính Tý (1876), năm Bính Ngọ (1906) thi đậu tú tài, năm Kỷ Dậu (1909) thi đậu giải nguyên, năm 1917 được bổ nhiệm làm Miết ty tỉnh Nghệ. Tại kỳ thi đình cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919) ông vào Đình đối được ân tứ Ất Bảng tiến sĩ, lĩnh chức Thừa phái Bộ Hình, sau đó thăng lên Hàn lâm viện Thừa chỉ, sung chức Cơ mật viện Tư vụ, rồi Quang lộc tự khanh.

Dù sinh ra vào buổi giao thời, khi Nho học sắp chấm dứt, song cụ Phó bảng Lê Viết Tạo được xem là người đặt nền móng cho truyền thống hiếu học, yêu nước của các thế hệ con cháu dòng họ Lê Viết về sau. Các con cụ đều noi gương cha, vượt qua khó khăn, phấn đấu học hành, như: Tiến sĩ Lê Viết Khoa - Viện trưởng đầu tiên của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam; Lê Viết Liêu - giáo viên trường tiểu học Pháp - Việt, sau cách mạng Tháng 8 năm 1945 làm Ủy viên Ủy ban hành chính huyện Hoằng Hóa; Lê Viết Hường - kỹ sư cầu cống và kỹ sư hàng không, Chủ tịch hội Việt Kiều tại Pháp. Sau khi gặp Bác Hồ tại Pháp, được Bác Hồ đưa về nước, sau này làm Thứ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim; hay như cháu nội cụ, giáo sư Lê Viết Ly - Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi quốc gia.

Nhà thờ vị đại khoa cuối cùng của làng khoa bảng Nguyệt Viên

Bà Ngô Thị Xuân (90 tuổi) là cháu dâu của cụ Phó bảng Lê Viết Tạo cho biết hàng năm vào ngày giỗ cụ (15 tháng 12 âm lịch) con cháu dòng họ Lê Viết ở khắp cả nước đều cố gắng thu xếp về Nhà thờ thắp nén hương thơm tưởng nhớ tiền nhân.

Trải qua trên 100 năm giữ gìn, ngôi nhà cụ Phó bảng Lê Việt Tạo sinh sống ở làng Nguyệt Viên đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là công trình kiến trúc nhà ở truyền thống có niên đại ở thế kỷ XIX, với 5 gian: 3 gian nhà thờ ở giữa, hai gian buồng lồi hai bên.

Nhà thờ vị đại khoa cuối cùng của làng khoa bảng Nguyệt Viên

Di tích nhà thờ cụ Phó bảng Lê Viết Tạo có niên đại xây dựng từ thế kỷ XIX.

Cấu trúc Di tích lịch sử - văn hóa nhà thờ cụ Phó bảng Lê Viết Tạo tuy không bề thế song hài hòa, cân đối và chắc chắn. Bên trong các vì kèo theo kiến trúc đăng đối.

Bà Ngô Thị Xuân (90 tuổi) là cháu dâu nội cụ Phó bảng Lê Viết Tạo cho biết: “Hàng năm, vào ngày giỗ Cụ (15 tháng 12 âm lịch) con cháu trên khắp mọi miền đất nước đều cố gắng tề tựu về Nhà thờ, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ tiền nhân”.

Nhà thờ vị đại khoa cuối cùng của làng khoa bảng Nguyệt Viên

Cụ Phó bảng Lê Viết Tạo và truyền thống hiếu học của dòng họ Lê Viết là niềm cảm hứng để Nhân dân làng Nguyệt Viên nỗ lực học tập lập thân, lập nghiệp.

Với Nhân dân làng Nguyệt Viên, tấm gương cụ Phó bảng Lê Viết Tạo và truyền thống hiếu học của dòng họ Lê Viết còn là niềm cảm hứng để hậu thế tiếp bước tiền nhân, nỗ lực học tập để lập thân, lập nghiệp, dựng xây quê hương đất nước.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]