(vhds.baothanhhoa.vn) - Câu chuyện nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch, mặc dù chỉ là công trình phụ trợ nhưng lại là vấn đề chính, thể hiện sự văn minh của điểm đến cũng như sự phát triển du lịch Thanh Hóa. Chính vì vậy, Thanh Hóa đã và đang phấn đấu đến năm 2025, 100% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà vệ sinh công cộng: Công trình phụ - Vấn đề chính (Bài cuối): Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du khách

Câu chuyện nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch, mặc dù chỉ là công trình phụ trợ nhưng lại là vấn đề chính, thể hiện sự văn minh của điểm đến cũng như sự phát triển du lịch Thanh Hóa. Chính vì vậy, Thanh Hóa đã và đang phấn đấu đến năm 2025, 100% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Hệ thống Hubway phục vụ nhu cầu ăn uống và vệ sinh công cộng đạt chuẩn được Tập đoàn FLC đầu tư xây dựng tại TP Sầm Sơn.

“Ở đâu có du lịch - ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”

Không phải đến bây giờ mà ngay từ khi khởi động chương trình kích cầu du lịch mang tên “Việt Nam - điểm đến của bạn” vào đầu năm 2010, Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) đã đề ra phương châm “Ở đâu có du lịch - ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”. Tuy nhiên, sau gần 10 năm nhìn lại, đến nay vẫn không ít địa phương trong cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng, câu chuyện nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch vẫn ở trạng thái vừa thiếu, vừa yếu.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII xác định Chương trình phát triển du lịch là 1 trong 5 Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, UBND tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, trong đó có kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh từ nguồn ngân sách tỉnh. Đồng thời để phục vụ nhu cầu thực tế, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, BQL các khu, điểm du lịch, khu di tích, danh lam thắng cảnh thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà vệ sinh phục vụ du khách trên địa bàn do mình quản lý. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, trong tổng số trên 100 nhà vệ sinh công cộng đã được đầu tư xây dựng, chỉ có 65 nhà vệ sinh đảm bảo sử dụng.

Mới đây, ngày 3/12/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 4802/2018/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”. Theo đó, đến năm 2020, toàn bộ các khu du lịch trọng điểm có ít nhất 1 nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Cũng theo đề án này, các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã được xác định trong “Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh tiện ích, hiện đại, có tính thẩm mỹ cao và phù hợp với định hướng phát triển du lịch của từng khu, điểm du lịch.

Cụ thể đề án đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020, toàn bộ các khu du lịch trọng điểm có ít nhất 1 nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; đến năm 2025, hầu hết các khu, điểm du lịch trọng điểm, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh trở lên có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; 100% các nhà vệ sinh có hệ thống cấp điện, cấp nước thải và thu gom chất thải rắn đạt tiêu chuẩn. Tổng dự toán kinh phí thực hiện đề án là 42,9 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 26,7 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 16,2 tỷ đồng.

Dự án được giao cho Sở VH,TT&DL Thanh Hóa chủ trì. Phạm vi thực hiện dự án là tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã được xác định trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cần sự chung tay của người dân và du khách

Có thể nói, thực tế hiện nay không ít nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn toàn tỉnh không đảm bảo sử dụng, một phần do công tác quản lý - vận hành, phần khác do chất lượng công trình, tuy nhiên ý thức bảo vệ, giữ gìn công trình của một bộ phận người dân cũng như du khách mới là điều đáng nói.

Thực tế ở đa số các nhà vệ sinh công cộng, không ít du khách sử dụng giấy vệ sinh một cách lãng phí, vứt rác bừa bãi, không xả nước sau khi sử dụng... thậm chí phóng uế bừa bãi ở ngay khu vực bên ngoài nhà vệ sinh. Đó là những hành động gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các công trình phụ trợ này.

Chị Trần Thị Ngân, phòng Quản lý di tích và dịch vụ du lịch, BQL khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng cho biết: "Hiện nay toàn khu chúng tôi có 2 nhà vệ sinh công cộng, được nhân viên trong BQL thường xuyên dọn dẹp. Nhưng thực sự nhiều khi cũng cảm thấy khó chịu bởi ý thức sử dụng của một bộ phận du khách. Thiết nghĩ, nơi đây được nhân viên thường xuyên dọn dẹp nên vẫn đảm bảo vệ sinh phục vụ du khách. Nếu những điểm đến không được bố trí nhân lực, trong khi ý thức của du khách kém, không giữ gìn vệ sinh chung, thì chắc chắn công trình cũng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn".

Có thể nói rằng, việc kêu gọi mọi người chung tay giữ gìn vệ sinh chung tại các khu nhà vệ sinh công cộng không chỉ qua giáo dục, tuyên truyền mà quan trọng hơn là tạo điều kiện thuận lợi để mọi người thực hiện một cách nghiêm túc. Mới đây, tôi có dịp ra TP Hà Nội, ngay tại bến xe Nước Ngầm, khu nhà vệ sinh có biển chỉ dẫn một cách cụ thể, hệ thống loa phát thanh nhắc nhở du khách thực hiện đúng nội quy sử dụng nhà vệ sinh công cộng được phát liên tục, hệ thống xả nước tự động... Chính vì vậy, với công suất sử dụng một cách liên tục, phục vụ số lượng lớn hành khách, tuy nhiên khu vực này luôn được đảm bảo sạch sẽ.

Thiết nghĩ, việc UBND tỉnh Thanh Hóa bố trí nguồn ngân sách xây dựng công trình nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, đã và sẽ giải quyết vấn đề thiết yếu phục vụ du khách. Tuy nhiên, để tránh tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo sử dụng sau một thời gian đi vào sử dụng như trong thời gian qua, bên cạnh việc đơn vị quản lý đảm nhận việc bảo dưỡng, thì mỗi người dân, du khách nên nâng cao ý thức trong việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng, không làm hư hỏng thiết bị và giữ vệ sinh chung. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường công cộng; xử phạt hành chính với những hành vi phá hoại thiết bị vệ sinh công cộng.Qua đó, góp phần xây dựng khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh “xanh - sạch - đẹp”, bảo đảm văn minh du lịch, nơi cần đến và đáng sống.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]