(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong tổng số trên 100 nhà vệ sinh công cộng đã được đầu tư xây dựng. Bên cạnh một số nhà vệ sinh được quản lý vận hành khá tốt, vẫn còn không ít khu không đảm bảo sử dụng do thiếu người quản lý hoặc bất cập trong hoạt động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà vệ sinh công cộng: Công trình phụ - Vấn đề chính (Bài 2): Quản lý - Vận hành

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong tổng số trên 100 nhà vệ sinh công cộng đã được đầu tư xây dựng. Bên cạnh một số nhà vệ sinh được quản lý vận hành khá tốt, vẫn còn không ít khu không đảm bảo sử dụng do thiếu người quản lý hoặc bất cập trong hoạt động.

Trở lại câu chuyện đền Cửa Đạt (huyện Thường Xuân), vào năm 2013, bằng nguồn vốn xã hội hóa nơi đây đã được đầu tư xây dựng 1 khu nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhân dân và du khách tham quan, với quy mô 20m2. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, vận hành thiếu chặt chẽ, một phần do ý thức sử dụng của người dân cũng như du khách, do đó chỉ sau một thời gian ngắn công trình đã trở nên xuống cấp, không đảm bảo sử dụng. Chính vì vậy, để đảm bảo các tiêu chí là điểm du lịch, năm 2018, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, đền Cửa Đạt đã được đầu tư xây dựng mới 1 khu nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, để công trình mới được đầu tư vận hành một cách hiệu quả, tránh tình trạng lặp lại “lịch sử”, BQL đã đề ra nội quy quản lý, sử dụng một cách cụ thể.

Ông Cầm Bá Huyến - Trưởng BQL Khu di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt cho biết, khu nhà vệ sinh cũ trước kia do không đảm bảo sử dụng cũng như không đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, do đó, năm 2018 trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây mới 2 khu vệ sinh công cộng, trong đó có 1 khu tại đền Cửa Đạt. Để đảm bảo trong quá trình vận hành, mọi công tác dọn dẹp, quản lý được phân công cho cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp tại đây, tránh tình trạng mất vệ sinh, rác thải bừa bãi. Mặt khác, việc giữ gìn vệ sinh công cộng được gắn liền với trách nhiệm và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên, chính vì vậy từ khi đưa vào hoạt động đến nay công trình luôn được đảm bảo sạch sẽ.

Tương tự như BQL khu di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt, hiện nay tại BQL khu du lịch Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) đã được đầu tư xây dựng 2 khu vệ sinh công cộng, với quy mô 40 m2/công trình, đảm bảo tiêu chí phục vụ khách du lịch. Được biết, mặc dù kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, các khu vệ sinh công cộng này không được cấp bất cứ khoản kinh phí nào, song BQL đã giao nhiệm vụ dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh cho cán bộ, nhân viên trong ban. Các chi phí khác để duy trì hoạt động được trích từ ngân sách của BQL.

Nhà vệ sinh công cộng tại bản Ngàm (xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn) được giao trực tiếp cho các hộ dân lân cận quản lý, đảm bảo vệ sinh, sạch đẹp.

Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Quan Sơn mới được đầu tư xây dựng một số công trình vệ sinh công cộng phục vụ du lịch. Trong đó phải kể đến bản Ngàm (xã Sơn Điện), mặc dù nơi đây là điểm du lịch cách xa trung tâm, người dân mới tiếp cận hoạt động du lịch. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của các nhà vệ sinh, kinh phí được trích từ quỹ của người dân trong bản đóng góp để chi trả việc trông coi, dọn dẹp, do đó không gian khu vực vệ sinh công cộngluôn được đảm bảo sạch sẽ, được du khách đánh giá cao.

Theo ông Lương Văn Duẩn - Trưởng bản Ngàm cho biết, năm 2018 bản chúng tôi được đầu tư xây dựng 3 khu nhà vệ sinh công cộng, được bố trí ở các điểm: bến xe, sân vận động và nhà văn hóa bản. Mặc dù không được bố trí kinh phí để quản lý hay duy trì hoạt động nhưng bằng quỹ đóng góp của bản, chúng tôi đã giao cho 3 hộ gần khu vực này trực tiếp quản lý, quét dọn. Đảm bảo công trình luôn được sạch, đẹp.

Được biết, công trình nhà vệ sinh công cộng do nhiều đơn vị quản lý, vận hành. Thế nhưng, một số công trình vẫn rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Thực tế, bên cạnh một số công trình được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh trong giai đoạn gần đây và các công trình do doanh nghiệp đầu tư, có thiết kế hiện đại, đồng bộ, được bố trí nhân viên lau chùi, đảm bảo nhu cầu phục vụ vệ sinh của du khách và nhân dân như: Khu du lịch Lam Kinh (Thọ Xuân), khu du lịch cộng đồng Trí Nang (Lang Chánh), khu du lịch Pù Luông (Bá Thước), các hubway tại TP Sầm Sơn... vẫn còn không ít công trình không đảm bảo sử dụng.

Theo thống kê của Sở VH,TT&DL, trong tổng số gần 120 nhà vệ sinh công cộng, hiện tại toàn bộ vẫn đang được vận hành và sử dụng, tuy nhiên tình trạng sử dụng của mỗi nhà vệ sinh có sự khác nhau. Trong đó, có đến 50 nhà vệ sinh không đảm bảo sử dụng. Thậm chí, có những địa phương như huyện Yên Định, có tới 7 công trình vệ sinh công cộng, được xây dựng từ nguồn ngân sách xã và vốn xã hội hóa, tuy nhiên các công trình đều không đảm bảo sử dụng. Một số địa phương khác như: Thiệu Hóa có tới 4/4, Hậu Lộc 4/5, Quảng Xương 4/6, Vĩnh Lộc 9/16... khu vệ sinh công cộng không đảm bảo sử dụng.

Mặc dù đã được đầu tư nhưng đến nay không ít công trình lại trở nên lãng phí. Bởi thực tế, đa số các nhà vệ sinh công cộng chưa được bố trí nhân công chuyên trách cho công tác vận hành, quét dọn và bảo quản. Nhiều công trình chưa có thiết bị vệ sinh, chất thải sau khi sử dụng không được xối rửa dẫn đến bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, một số nhà vệ sinh tuy đã có thiết bị, có thể xối rửa chất thải sau khi sử dụng, tuy nhiên công tác lau chùi, bảo quản thiết bị, cấp nước kém dẫn đến thiết bị đã bị hư hỏng... Và một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của những công trình này là ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người dân cũng như du khách trong quá trình sử dụng.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]