(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) ‘Gần 80% diện tích các huyện miền núi xứ Thanh là hồ, rừng. Đó là nguồn tài nguyên, tiềm năng, thế mạnh để Thanh Hóa phát triển đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, thay đổi tính ‘mùa vụ’ của du lịch biển’- ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch tỉnh chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch hồ, rừng: Tiềm năng và thay đổi

(VH&ĐS) ‘Gần 80% diện tích các huyện miền núi xứ Thanh là hồ, rừng. Đó là nguồn tài nguyên, tiềm năng, thế mạnh để Thanh Hóa phát triển đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, thay đổi tính ‘mùa vụ’ của du lịch biển’- ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch tỉnh chia sẻ.

Du lịch lòng hồ Cửa Đạt.

Những “viên ngọc” thiên nhiên

Từ TP Thanh Hóa đi về phía Tây khoảng 60 km, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân) với tổng diện tích trên 23.815 ha là những cánh rừng nguyên sinh với hàng trăm loài thực vật quý hiếm có tuổi đời hàng ngàn năm. Ngoài ra, Xuân Liên còn được xem là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học bậc nhất cả nước. Bên cạnh đó, nơi đây còn sở hữu nhiều đỉnh núi cao thu hút khách du lịch leo núi, thám hiểm: Pù ta leo ở hữu ngạn sông Chu cao (1.400 m); đỉnh Pù gió (1.563m)... Địa hình đồi núi cao, chia cắt mạnh, nơi đây còn sở hữu số lượng lớn các thác nước đẹp, kì vĩ: thác Thiên Thủy; thác Yên. Cùng với đó là hệ thống hang động nằm ở các khu vực núi đá với những nhũ đá tự nhiên, hình thù kì thú chưa bị khai thác, tác động, một số trong đó đã được người dân địa phương đặt tên: hang Dơi; hang Cáu; hang Tình; hang Quan; hang Vua... Cùng với hệ thống thắng cảnh rừng, thác hoang sơ thì bức tranh du lịch của khu bảo tồn còn trở nên hoàn hảo với điểm nhấn tham quan, du lãm lòng hồ Cửa Đạt - hồ thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, với khí hậu mát mẻ quanh năm, nơi đây còn hứa hẹn trở thành điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách khi về với khu bảo tồn.

Và nhắc đến tài nguyên du lịch hồ, rừng xứ Thanh, có lẽ nào lại không nói đến Vườn quốc gia Bến En thuộc huyện Như Thanh. Với tổng diện tích trên 14.000 ha, trong đó có hơn 8.500 ha là rừng nguyên sinh. Giữa địa hình đồi núi, thiên nhiên lại khéo léo sắp đặt ở nơi này một hồ tự nhiên rộng trên 3.000 ha mà người dân vẫn quen gọi là hồ Sông Mực. Và giữa mênh mông sông nước là sự hiện hữu của 21 đảo nổi lớn nhỏ. Nó như nét chấm phá, tạo nên sự hoàn hảo cho bức tranh sơn thủy. Phải chăng vì sự ưu ái đó mà người xứ Thanh vẫn thường tự hào nơi đây là vườn quốc gia đẹp bậc nhất Việt Nam.

Đâu chỉ có vậy, Vườn quốc gia Bến En còn sở hữu số lượng lớn các loài sinh vật quý, hiếm: lim xanh; lát hoa; chò chỉ; gấu ngựa; vượn đen...

Với tất cả vẻ đẹp và sự ưu ái của mẹ thiên nhiên đã dành tặng cho Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; Vườn quốc gia Bến En; và rất nhiều các địa phương có tài nguyên du lịch hồ, rừng trên địa bàn tỉnh. Rõ ràng, Thanh Hóa hoàn toàn có đủ tiềm năng, thế mạnh để tạo nên những điểm nhấn du lịch sinh thái hồ, rừng hấp dẫn du khách.

Thay đổi tính mùa vụ từ du lịch hồ, rừng

“Nhắc đến du lịch xứ Thanh, phần đông du khách vẫn chỉ ấn tượng về một du lịch biển Sầm Sơn. Điều đó hẳn không có gì phải bàn. Tuy nhiên, thiên nhiên có bốn mùa và du lịch biển cũng chỉ mang tính mùa vụ. Rõ ràng, chẳng có ai lại đi du lịch biển vào mùa thu, mùa đông cả. Đã đến lúc, tính mùa vụ của du lịch xứ Thanh cần phải thay đổi. Chúng ta cần chú trọng các loại hình du lịch khác với những chiến lược, định hướng cụ thể, dài hơi. Trong đó có du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ, rừng”, ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết.

Nếu như năm 2010, VQG Bến En đón 6.240 lượt khách thì đến năm 2016, con số tăng lên 12.487. Rõ ràng đã có sự thay đổi tích cực. Tuy vậy, với thế mạnh của một vườn quốc gia vào loại đẹp nhất cả nước thì con số đó dường như vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng.

Thanh Hóa có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch rừng, hồ. Nhưng thực tế thì lại có không ít bất cập. Như Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, hiện tại thuyền chuyên dụng phục vụ du khách vẫn chưa có. Cơ sở hạ tầng dù được đầu tư song thiếu đồng bộ, manh mún. Đặc biệt là việc thiếu và yếu một số hạng mục gắn với du lịch: điện lưới, bãi đỗ xe, nhà chờ, nhà vệ sinh, các sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Nhiều điểm du lịch trong khu bảo tồn thậm chí vẫn chưa có sóng điện thoại...

Với những vấn đề tồn tại như vậy, thật dễ hiểu vì sao lượng khách đến đây lại khiêm tốn đến thế. Ông Nguyễn Trọng Quyền - Phó Giám đốc Khu BTTN Xuân Liên cho biết: “Để du lịch khu bảo tồn phát triển, trước mắt cần có những dự án đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu: điện lưới, đường đi, và về lâu dài cần có hệ thống giao thông hình thành trục liên kết giữa các tuyến, điểm; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, gắn liền với điểm đến; thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng (Homestay) ở các thôn bản có điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch để đạt kết quả thực sự... Nếu chúng ta đẩy mạnh phát triển du lịch hồ, rừng - du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngoài việc khai thác tiềm năng du lịch thì sẽ tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng ngàn người dân, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số”.

Có lẽ, đã đến lúc du lịch hồ, rừng cần được nhìn nhận một cách toàn diện. Đó không nên chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ du lịch xứ Thanh. Và dĩ nhiên, để có thể tạo nên những thay đổi cụ thể thì cần có sự vào cuộc, định hướng, quan tâm từ nhiều phía.

Thu Trang - Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]