(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong những năm gần đây, hành trình khám phá miền Tây xứ Thanh của du khách, đặc biệt là khách quốc tế, các khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) trên địa bàn tỉnh ngày càng trở nên hấp dẫn. Trong đó khu BTTN Pù Luông và khu BTTN Xuân Liên là những điểm đến thu hút một lượng lớn khách mỗi năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên (Bài 1): Hút khách du lịch

(VH&ĐS) Trong những năm gần đây, hành trình khám phá miền Tây xứ Thanh của du khách, đặc biệt là khách quốc tế, các khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) trên địa bàn tỉnh ngày càng trở nên hấp dẫn. Trong đó khu BTTN Pù Luông và khu BTTN Xuân Liên là những điểm đến thu hút một lượng lớn khách mỗi năm.

Các khu BTTN trên địa bàn tỉnh hấp dẫn du khách yêu thích khám phá.

Khu BTTN Pù Luông hút khách quốc tế

Với diện tích gần 12.000 ha, Khu BTTN Pù Luông nằm trên địa phận 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước, cách TP Thanh Hóa 130 km. Thiên nhiên Pù Luông là sự kết hợp hài hòa giữa hệ sinh thái núi đá vôi với hệ sinh thái núi đất và hệ sinh thái rừng độc đáo. Hiện nơi đây có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm như: voọc mông trắng, báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương... Đây cũng chính là địa chỉ nổi tiếng của các loài bướm và phong lan.

Với những gì mà thiên nhiên ban tặng, phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng tại Pù Luông được đánh giá là hướng đi nhiều triển vọng, không chỉ mang lại lợi ích cho chính các cộng đồng dân cư đang sinh sống mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết mục tiêu bảo tồn các giá trị đa dạng về sinh thái cũng như văn hóa.

Cùng với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các nhà đầu tư và các tổ chức phi chính phủ, hoạt động du lịch của Pù Luông ngày càng có cơ hội phát triển. Trong đó, dự án của Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI), với tổng số tiền tài trợ là 254,152 EU, Pù Luông đã tập trung xây được 20 ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc Thái, Mường tại các xã Phú Lệ (Quan Hóa), Thành Sơn và Lũng Cao (Bá Thước) để làm nơi lưu trú cho khách du lịch; hỗ trợ nâng cấp, cải tạo, xây dựng khu vệ sinh; phác thảo quy định áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh như nước uống, chuẩn bị đồ ăn, dịch vụ hỗ trợ mà người dân có thể phục vụ du khách; tổ chức tham quan, tập huấn, hướng dẫn các hộ gia đình tham gia làm du lịch sinh thái...

Theo ông Lê Thế Sự - Giám đốc Khu BTTN Pù Luông cho biết, trong những năm gần đây khách đến Pù Luông có sự gia tăng đáng kể, đặc biệt kể từ khi đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng Puluong Retreat, mỗi năm nơi đây đón hàng nghìn lượt khách, chủ yếu là khách du lịch đến từ các nước Châu Âu, đi tour từ Mai Châu - Hòa Bình, Cúc Phương - Ninh Bình rồi qua Pù Luông tham quan và nghỉ tại nơi đây.

Cũng theo ông Sự, nhờ phát triển hoạt động du lịch, trong thời gian qua đời sống của nhân dân ở khu vực này đã được cải thiện đáng kể. Một số hộ trong khu bảo tồn có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ hoạt động du lịch mỗi năm, nhiều hộ đã có của ăn, của để và sắm sửa các vật dụng đắt tiền như: xe máy, ti vi...

Khu BTTN Xuân Liên - điểm khám phá lý tưởng

Khu BTTN Xuân Liên (Thường Xuân) nằm cách TP Thanh Hóa 60 km về phía Tây, được thành lập năm 2000, với diện tích gần 24.000 ha. Đến nơi đây, du khách sẽ được tìm hiểu, khám phá nhiều loài thực vật quý hiếm, cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, hiện đang được bảo tồn hiệu quả. Đây cũng chính là khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao bậc nhất của Việt Nam, với trên 1.000 loài thực vật bậc cao đã được ghi nhận, trong đó có quần thể cây Pơ mu và Sa mu trên 1.500 tuổiđược công nhận là cây Di sản Việt Nam. Bên cạnh đó, động vật có 1.631 loài, riêng khu hệ thú có 80 loài với 27 loài thuộc danh lục quý hiếm, như: Mang Roosevelt, gấu chó, gấu ngựa, bò tót, sơn dương... Đặc biệt, nơi đây là một trong các khu rừng đặc dụng có số lượng các loài thú trong bộ Linh trưởng nhiều trên cả nước, phải kể đến là quần thể voọc xám với số lượng lớn lên tới 212 cá thể, vượn đen má trắng 41 đàn với 129 cá thể...

Đặc biệt, với những ai yêu thích bộ môn leo núi thì đây chính là điểm dừng chân lý tưởng không thể bỏ qua. Khu BTTN Xuân Liên sở hữu nhiều đỉnh núi cao như Pù ta leo ở hữu ngạn sông Chu (1.400m), Pù gió (1.563m), Pù hòn hàn (1.208m)... Nơi đây càng trở nên thu hút khách yêu thích khám phá, bởi hệ thống hang động như: Hang Dơi, Hang Cáu, Hang Tình, Hang Quan, Hang Vua (xã Vạn Xuân)...

Để phát triển du lịch, Ban quản lý khu BTTN Xuân Liên đã lập Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái đến năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4168 ngày 12/12/2012. Bằng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác, nơi đây đã được đầu tư xây dựng 1 trung tâm đón tiếp du khách (khu nhà sàn 2 tầng và 4 phòng khách tại Ban), 1 khu dừng, nghỉ (khu nhà sàn 2 tầng với 3 phòng và 4 phòng khách tại điểm Ngã 3 sông Khao); đầu tư tuyến đường bê tông rộng 1,2m, dài 5,7km tuyến thác Thiên Thủy. Đồng thời Khu BTTN Xuân Liên đang triển khai làm đường đi bộ tuyến thác Yênvà tuyến giao thông tả ngạn ven hồ (dự kiến hoàn thành trong năm 2018).

Dù còn nhiều khó khăn trong việc khai thác, phát triển hoạt động du lịch, song với sức hấp dẫn và những điều đặc biệt chỉ có tại đây, năm 2016, khu BTTN Xuân Liên đã đón được gần 700 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, khám phá.

Có thể nói, phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng nơi đây đã và đang giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người dân miền núi, nơi còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời mở ra một hướng phát triển mới cho nền kinh tế địa phương cũng như ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.

Hoài Anh - Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]