(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Để có thể tạo sự hài hòa phát triển du lịch và bảo vệ sự đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên đang là một thách thức lớn đối với các địa phương, nhất là với những huyện đang sở hữu khối ‘vàng mười’ này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên (Bài 2): Thách thức bảo vệ nguyên trạng

(VH&ĐS) Để có thể tạo sự hài hòa phát triển du lịch và bảo vệ sự đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên đang là một thách thức lớn đối với các địa phương, nhất là với những huyện đang sở hữu khối ‘vàng mười’ này.

Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái

Việc phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) là hình thức phát triển kinh tế gắn với bảo tồn tốt nhất, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, loại hình dựa vào hiện trạng tự nhiên, văn hóa để thu hút du khách. Mặt khác, nếu phát triển tốt loại hình du lịch này sẽ đem lại nguồn vốn đầu tư trở lại, phục vụ cho công tác bảo tồn.

Vẻ đẹp của KBTTN Pù Luông từ lâu đã được ví như “sapa của xứ Thanh” và hiện đây cũng là một trong địa điểm thu hút lượng lớn du khách nước ngoài đến du lịch (tổng lượng khách du lịch năm 2016 là 5.059 lượt trong đó khách quốc tế chiếm trên 80%). Cùng với BQL KTTTN các hộ dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng đã mang tính chuyên nghiệp và có sự đầu tư bài bản hơn trước đây, họ cũng đã biết cách giới thiệu và quảng bá với du khách về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng.

Ngày nay, đến với Pù Luông du khách sẽ có dịp đến với những phát hiện thú vị, những cảnh sắc hấp dẫn cùng trải nghiệm bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương. Khi vào rừng, lúc thăm thôn, bản, khi khám phá Hang Dơi, lúc cùng người dân tham gia nếp sinh hoạt của gia đình, hay cùng hòa mình với những điệu múa, bài hát truyền thống của người Mường, người Thái... Gia đình anh Hà Văn Minh, dân tộc Thái ở bản Hiêu cho biết “Những năm trước khi chưa làm du lịch cộng đồng, bốn miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào làm rẫy, đi rừng bắt thú, kiếm mật ong bán lấy tiền. Nay được sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, gia đình đã tu bổ nhà sàn làm nhà nghỉ sinh thái cho du khách, làm các sản phẩm du lịch, từ đó cuộc sống gia đình đỡ khổ hơn rất nhiều”.

Việc bê tông hóa những mái nhà sàn cũng sẽ gây hiệu ứng đến môi trường.

Ông Lê Thế Sự - Giám đốc KBTTN Pù Luông khẳng định: “Phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống và tăng thêm thu nhập đáng kể cho bà con, qua đó giảm đáng kể những tác động của cộng đồng tới rừng như săn bắn, chặt cây… Và người dân đã biết trân trọng tài nguyên thiên nhiên rừng hơn".

Giảm thiểu những tác động tiêu cực

Việc phát triển bất cứ hoạt động nào của con người cũng đều có tác động đến môi trường. Dự án phát triển du lịch trong KBT có tác động không chỉ đối với môi trường tự nhiên mà quan trọng hơn là tác động đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Như Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat xây dựng khi chưa được cấp giấy phép. Điều đáng nói là khi khu nghỉ dưỡng này gây ô nhiễm môi trường nặng nề thì mới bị phát hiện và tạm dừng hoạt động một thời gian. Kể cả quá trình xây dựng, đưa máy móc lên để đào bới, san ủi khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, bụi bặm.

KBTTN Pù Luông đang là “khối vàng mười” mới được khai thác, tiềm năng du lịch là rất lớn. Rất nhiều chủ đầu tư sẵn sàngđầu tư, khai thác vì lợi nhuận. Liệu rằng sẽ không còn một Pù Luông Retreat bất chấp mọc lên nữa không?

Khi khai thác phát triển du lịch tại các KBTTN, rất khó tránh tạo tác động đến môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học. Nhưng vấn đề sẽ là mức độ ảnh hưởng và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đi kèm, giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến thiên nhiên.

Bên cạnh đó, số hộ được tài trợ và tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng còn ít. Vì vậy, vẫn còn một số hộ sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng như săn thú, tìm kiếm cây dược liệu quý… ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái rừng. Sự chênh lệch thu nhập cao thấp, dẫn đến sự kỳ thị giữa các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch và không kinh doanh. Đồng thời, việc kiểm soát không chặt chẽ của cơ quan chức năng dẫn đến việc người dân dễ dàng trong việc tiếp nhận văn hóa mới mà không có tính chọn lọc, hay kế thừa, nhất là đối với các thế hệ trẻ. Khiến giá trị văn hóa cộng đồng không còn tính nguyên vẹn, sẽ làm giảm đi sự hứng thú, đặc sắc khi du khách tiếp nhận.

Một tác động tiêu cực không nhỏ đang làm hại đến các KBTTN đó là việc xả rác bừa bãi của du khách. Rác xuất hiện khắp nơi tại các khu bảo tồn, từ chất thải rắn đến rác khó phân hủy. Tuy chưa có đánh giá cụ thể ảnh hưởng từ việc xả rác của du khách nhưng chắc chắn việc mất mĩ quan cùng những tác động tiêu cực đến môi trường là điều không tránh khỏi.

Và đây sẽ là những thách thức không nhỏ của chính quyền cũng như các BQLKBT để vừa phát triển du lịch bền vững những vẫn bảo vệ được nguyên trạng tài nguyên thiên nhiên.

Vân Anh - Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]