(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hưởng ứng chiến dịch nâng cao chất lượng hình ảnh du lịch Việt Nam năm 2017, ngành Du lịch Thanh Hóa đã và đang tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý hoạt động lữ hành

(VH&ĐS) Hưởng ứng chiến dịch nâng cao chất lượng hình ảnh du lịch Việt Nam năm 2017, ngành Du lịch Thanh Hóa đã và đang tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch xứ Thanh.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 70 doanh nghiệp du lịch lữ hành, trong đó có 5 công ty du lịch lữ hành quốc tế. Trong những năm qua, hoạt động lữ hành xứ Thanh đã và đang thể hiện vai trò là “đại sứ” của ngành du lịch, kết nối du khách trong và ngoài nước đến với Thanh Hóa, qua đó góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh các điểm đến hấp dẫn trên địa bàn tỉnh, đồng thời thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Bà Hà Thị Thủy - Chánh Thanh tra, Sở VH,TT&DL cho biết, nhằm thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch của Bộ VH,TT&DL và thực hiện Quyết định số 277/QĐ-SVHTTDL của Giám đốc Sở VH,TT&DL về kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, vừa qua, Thanh tra Sở đã phối hợp với Phòng Nghiệp vụ Du lịch và Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra 22 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Trong đó có 2 doanh nghiệp quốc tế, 1 doanh nghiệp đại lý lữ hành quốc tế và 19 doanh nghiệp hoạt động lữ hành nội địa. Qua công tác kiểm tra, đoàn đã xử phạt vi phạm hành chính 9 doanh nghiệp, phạt tiền 20 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu Công ty Du lịch Đất Việt dừng tổ chức hợp đồng tổ chức tour đi du lịch Thái Lan với khách hàng là Trường Trung học cơ sở Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa), do công ty chưa đủ điều kiện tổ chức tour quốc tế.

Quản lý tốt hoạt động lữ hành góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng điểm đến. (Ảnh: T.T)

Có thể nói, hoạt động lữ hành trên địa bàn tỉnh còn khá phức tạp. Đặc biệt, thực trạng đáng lo ngại hiện nay trong hoạt động lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đó là không ít doanh nghiệp lữ hành lạm dụng cụm từ “quốc tế”, từ đó dễ xảy ra hiện tượng lợi dụng tên gọi để khai thác thị trường khách du lịch quốc tế, dẫn đến môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, cũng như hạn chế trong vấn đề chất lượng phục vụ du khách. Cũng trong đợt kiểm tra vừa qua, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số doanh nghiệp lạm dụng cụm từ “quốc tế” như: Công ty Du lịch Quốc tế Đại Dương, Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế 360, Công ty Du lịch Quốc tế OCEAN TOUR.

Bà Hà Thị Thủy cho biết thêm, sau hàng loạt các vụ hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc sự thật về điểm đến tại một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng… gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, giá trị, thương hiệu điểm đến, ngành Du lịch Thanh Hóa cũng đã tăng cường công tác kiểm tra đột xuất một số điểm đang có khách du lịch đến. Theo đó, tất cả các đoàn khách đến từ tỉnh ngoài, đặc biệt là khách quốc tế (có hướng dẫn viên đi cùng), BQL điểm đến đều kiểm tra các điều kiện cần thiết của hướng dẫn viên như: thẻ đeo, nội dung hướng dẫn, thuyết minh cũng như lịch trình tham quan. Qua kiểm tra, giám sát các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra bất cứ trường hợp nào vi phạm về nội dung thuyết minh, hướng dẫn.

Ngoài ra, hiện nay khi du lịch bắt đầu đi vào mùa thấp điểm, tour “0 đồng” cũng trở nên rầm rộ. Thực chất không có tour 0 đồng mà đây là cách gọi cho tour du lịch giá rẻ, có thể không có lãi hoặc lãi thấp mà một số doanh nghiệp dùng để quảng cáo và thu hút khách. Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia lĩnh vực du lịch cho rằng, bên cạnh mặt tích cực như: góp phần làm giảm yếu tố mùa vụ, tăng cơ hội việc làm cũng như thu nhập cho người dân thì tour giá rẻ ra đời là hệ quả của việc cạnh tranh khốc liệt, thậm chí là thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp lữ hành. Tour giá rẻ làm gia tăng tình trạng bán tour, bán khách, mời chào khách đi đến những điểm mua sắm với giá cao để bù lại phần thiếu hụt trong kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành khi đón khách. Với những mặt hạn chế, tour giá rẻ gây hệ lụy khi không đảm bảo quyền lợi cho du khách, thất thu thuế Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của các điểm đến cũng như chất lượng dịch vụ, từ đó làm méo mó hình ảnh du lịch điểm đến.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch được coi là giải pháp trọng tâm của ngành Du lịch Thanh Hóa, nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế diễn ra trong hoạt động lữ hành thời gian qua. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng du lịch, xây dựng hình ảnh xứ Thanh trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn đối với du khách.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]