(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với 23 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 4 di tích danh thắng được công nhận di tích cấp tỉnh, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân đã tập trung chỉ đạo công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục và phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào các dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiềm năng phát triển du lịch ở Như Xuân

(VH&ĐS) Với 23 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 4 di tích danh thắng được công nhận di tích cấp tỉnh, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân đã tập trung chỉ đạo công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục và phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào các dân tộc.

Nếu nói đến những thác đẹp ở Thanh Hóa không thể không kể đến thác Đồng Quan. Vào những ngày hè, nhiều du khách đã đến Khu du lịch sinh thái thác Đồng Quan, xã Hóa Quỳ. Dòng thác bắt nguồn từ đỉnh Bù Mùn có độ cao 1.000 mét so với mực nước biển, nước trong vắt, mát lạnh, có vị ngọt tự nhiên, chảy vắt ngang qua các phiến đá, có độ dốc thoai thoải với chiều dài khoảng 500m. Thác Đồng Quan không có dòng chảy dữ dội, nhưng sự hiền hòa lại khiến trẻ nhỏ vô cùng thích thú. Hiện huyện Như Xuân đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng di tích danh lam thắng cảnh thác Đồng Quan trở thành một điểm du lịch lý thú cho những ai thích khám phá, như xây dựng bể bơi, trồng cây, hoa 2 bên đường đi vào thác, xây dựng cầu, làm đường đi lên thác, xây dựng máng trượt, khu ăn uống ẩm thực...

Cũng bắt nguồn từ đỉnh núi Bù Mùn, một dòng chảy về Hóa Quỳ tạo nên thác Đồng Quan; một dòng chảy về Thanh Lâm (dòng chảy nhỏ hơn) hình thành nên thác Thanh Lâm và dòng chảy chính về xã Xuân Quỳ gọi là thác Cổng Trời. Từ chân thác ngược lên chừng 200m là chúng ta sẽ đến một tầng thác đặc biệt mà nhân dân địa phương thường gọi là Thác Mẹ. Từ Thác Mẹ, ngược lên độ cao khoảng 100m, chúng ta sẽ gặp một tầng thác có độ cao từ 10 - 12 m, chiều rộng 35m, độ sâu khoảng 5m mà người dân địa phương thường gọi là Thác Tiên. Vãn cảnh ở đây, du khách không thể không đến thác Cổng Trời. Đây là một tầng thác có chiều cao hơn 30m chân thác rộng, với một thảm thực vật phong phú và xanh mát. Dòng chảy của thác này vào mùa mưa, khi thác đổ, chúng ta được nhìn thấy một bức rèm nước khổng lồ, trắng muốt chảy giữa chốn rừng xanh giống như dải lụa đào. Kể từ năm 2014, thác Cổng Trời đã được cơ quan chuyên môn của Sở VH,TT&DL đưa vào danh mục kiểm kê bảo vệ. Khu di tích danh thắng này, hiện nay chính quyền địa phương là UBND xã Xuân Quỳ đã giao cho nhân dân thôn Chuối trực tiếp trông coi, quản lý và hướng dẫn khách tham quan du lịch.

Thác Cổng Trời (Như Xuân).

Bên cạnh đó, huyện Như Xuân còn rất chú ý tới du lịch tâm linh, bảo tồn các giá trị văn hóa.Lễ hội Đình Thi, một lễ hội nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thổ, thuộc thôn Trung Thành, xã Yên Lễ tổ chức để tri ân, tưởng nhớ công đức danh tướng Lê Phúc Thành - người có công lớn giúp Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Lễ hội Đình Thi được tổ chức cấp huyện 5 năm 1 lần; còn hằng năm đều giao cho xã đứng ra tổ chức để bà con xa có dịp về thăm quê hương và ghi nhớ truyền thống quê mình. Hiện, đình còn lưu giữ 2 sắc phong thời Nguyễn do vua Khải Định và Bảo Đại năm 1922 và 1934 sắc phong. Đình Thi được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1995. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng lễ hội Đình Thi được xem là “đặc sản” văn hóa truyền thống của Như Xuân thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách mỗi khi tổ chức. Đây cũng chính là điểm nhấn để huyện Như Xuân tập trung đầu tư phát triển du lịch.

Ngoài ra, đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh đồi Pú Pỏm (Đồi Tròn), thuộc thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân cũng sẽ là địa điểm không thể không ghé qua khi đến với Như Xuân. Là một trong sáu xã của vùng “Sáu Thanh”, Thanh Quân được biết đến như “vùng lõm” phát triển của huyện nghèo Như Xuân. Thế nhưng, sự cách trở về địa lý, cùng những khó khăn trong đời sống kinh tế dường như lại không ảnh hưởng nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái trắng nơi đây. Thậm chí, vùng đất này còn được ví như cái nôi nuôi dưỡng văn hóa truyền thống của người Thái huyện Như Xuân giữa lúc văn hóa tộc người đang phai nhạt mai một dần.

Theo ông Đàm Văn Thông - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Như Xuân: Điểm nhấn đặc sắc của ngôi đền Chín Gian chính là gắn với lễ hội dâng trâu tế trời. Sau khi nghiên cứu xem xét kết quả phục hồi đền Chín Gian và lễ hội của nó trên địa bàn tỉnh bạn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1820 ngày 31/5/2013 cho khôi phục lại lễ hội “Dâng trâu tế trời” của dân tộc Thái trong “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Năm 2014, Như Xuân đã xây dựng kế hoạch khôi phục và khảo sát lập hồ sơ đề nghị cấp bằng công nhận di sản văn hóa tín ngưỡng cho đền Chín Gian và lễ hội “Dâng trâu tế trời”. Đầu năm 2017, thác Cổng trời đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Vào cuối tháng 8 này, Như Xuân sẽ khai trương điểm du lịch thác Cổng Trời.

Sau 4 di tích cấp tỉnh là đền Chín Gian xã Thanh Quân; Đình Thi xã Yên Lễ; Thác Đồng Quan xã Hóa Quỳ; Bến En của 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, thác Đồng Quan và đền Chín Gian sẽ là địa điểm mới để Như Xuân có thể kết hợp làm tuyến du lịch kết nối các điểm với nhau.

Có thể khẳng định, đây là điểm thuận lợi để du khách quyết định đến với Như Xuân, nhưng cũng là thách thức đặt ra với các cấp quản lí và đặc biệt là ngành Văn hóa Như Xuân.

Phương Liên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]