(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong lần thứ 3 về thăm Thanh Hóa (17-19/7/1960), khi nghỉ tại đền Cô Tiên (Sầm Sơn), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây...”. Khắc ghi lời dạy của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn đã từng bước khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh để trở thành đầu tàu du lịch của cả tỉnh và là một trong những khu du lịch hấp dẫn nhất cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sầm Sơn vươn mình trở thành đầu tàu du lịch của xứ Thanh

Trong lần thứ 3 về thăm Thanh Hóa (17-19/7/1960), khi nghỉ tại đền Cô Tiên (Sầm Sơn), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây...”. Khắc ghi lời dạy của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn đã từng bước khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh để trở thành đầu tàu du lịch của cả tỉnh và là một trong những khu du lịch hấp dẫn nhất cả nước.

Cơ sở vật chất tại TP Sầm Sơn ngày càng được đầu tư hiện đại, sang trọng.

Trăn trở để phát triển

Năm 1960, khi Bác Hồ về thăm, trên địa bàn Sầm Sơn hạ tầng cho hoạt động du lịch, nghỉ mát hầu như chưa có gì, chỉ có một số cơ sở lưu trú của các bộ, ngành Trung ương, như: Nhà nghỉ Tổng Công đoàn Việt Nam, Đoàn An điều dưỡng 296, Tổng cục Hậu Cần... Lượng khách đến Sầm Sơn thăm quan, tắm biển khi đó còn rất ít (khoảng 11.000 người), chủ yếu là thương, bệnh binh, người có công với cách mạng và cán bộ, công chức được đi điều dưỡng, chữa bệnh theo chế độ của Nhà nước.

Cho đến năm 1986, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Đảng bộ thị xã đã lãnh đạo nhân dân trên địa bàn thực hiện chính sách mở cửa, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Nhờ đó, lĩnh vực du lịch, nghỉ mát bước đầu phát triển một cách nhanh chóng. Nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ... Bên cạnh các khách sạn, nhà nghỉ của các cơ quan Trung ương, của tỉnh, đã xuất hiện ngày càng nhiều khách sạn, nhà nghỉ tư nhân; trang thiết bị phục vụ ăn, nghỉ, sinh hoạt cho khách cũng được đầu tư, nâng cấp.

Tháng 5/1989, thực hiện chủ trương của tỉnh, nhằm góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển của địa phương, Sầm Sơn tổ chức hội chợ kinh tế - du lịch với chủ đề Hè Sầm Sơn 1989: Sức khỏe - kinh tế - bạn bè. Hội chợ đón nhận sự tham gia của 34 tỉnh, thành phố trong cả nước và thực sự trở thành ngày hội. Hàng nghìn du khách đã đến đây thăm quan, tắm biển. Thành công hơn nữa của hội chợ là các ngành, đơn vị kinh tế trong và ngoài tỉnh đã ký kết hàng trăm hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỷ đồng. Sau sự kiện này, hoạt động dịch vụ, du lịch bắt đầu có bước phát triển mới và chính thức trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Cùng với đó phải kể đến một dấu ấn đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với quá trình phát triển của thành phố, đó là: Sự kiện 100 năm du lịch Sầm Sơn (1907 - 2007). Ngay từnhững năm đầu thế kỷ XX, nhìn thấy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Sầm Sơn, người Pháp đã lựa chọn Sầm Sơn là địa điểm nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe cho vua, quan triều Nguyễn và quan, quân Pháp. Sự kiện này, đã đưa Sầm Sơn lên vị trí mới trên bản đồ du lịch Việt Nam, cũng như trong khu vực. Tiếp nối thành công, đến năm 2010, tổng giá trị dịch vụ du lịch của Sầm Sơn đạt trên 650 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71,3% tổng GDP của địa phương; là 1 trong 12 đô thị du lịch của cả nước được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch đầu tư phát triển thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia.

Vươn lên trở thành khu du lịch hàng đầu

Phải thành thật rằng, có những thời điểm Sầm Sơn đã để lại những dấu ấn không tốt đẹp trong lòng du khách, thậm chí đối mặt với nguy cơ bị “tẩy chay”. Đứng trước những tồn tại, hạn chế cũng như thách thức đặt ra trong hoạt động dịch vụ, du lịch, cấp ủy, chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp đồng bộ, sát thực tế; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt.Đặc biệt, kể từ năm 2014, với sựvào cuộc của Tập đoàn FLC. Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm, FLC đã hoàn thành ba dự án lớn: Xây dựng khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế, hội trường 1.300 chỗ ngồi và sân golf 18 lỗ - hiện đại bậc nhất Việt Nam. Quần thể FLC Sầm Sơn đi vào khai thác vận hành từ tháng 7/2015, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu du lịch Sầm Sơn, mặt khác góp phần thay đổi dần tính chất mùa vụ trong hoạt động du lịch biển - điều mà du lịch Thanh Hoá trăn trở từ lâu nhưng chưa thực hiện được.

Năm 2017, Sầm Sơn kỷ niệm 110 năm du lịch Sầm Sơn (1907 - 2017) và công bố thành lập TP Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới cho du lịch Sầm Sơn bứt phá mạnh mẽ, xứng đáng với tầm vóc và tiềm năng sẵn có. Thời điểm này, Sầm Sơn có hơn 415 khách sạn, nhà nghỉ với tổng số 1.600 phòng đủ tiêu chuẩn đi vào hoạt động. Cùng với quá trình vận hành, đi vào hoạt động của Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, thành phố đón được 4,2 triệu lượt khách, tăng gấp 3,2 lần so với 2007; phục vụ ăn nghỉ 7,5 triệu ngày khách; doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng gấp 9,9 lần so với 2007. Kết quả này đã được khẳng định tại Lễ vinh danh doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017, do Bộ VH,TT&DL tổ chức, trong đó Sầm Sơn được công nhận là 1 trong 5 khu du lịch hấp dẫn nhất cả nước, do du khách và các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch cả nước đánh giá và bầu chọn. Đây là sự khẳng định, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn trong phát triển du lịch.

Cho đến nay, Sầm Sơn đã phát triển lên tới gần 500 cơ sở lưu trú, với gần 19.000 phòng đi vào hoạt động. Trong đó, nhiều cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế như: Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn; khách sạn 4 sao Dragon Sea, Vạn Chài Resort... Với sự đổi mới tích cực từ chất lượng dịch vụ đến cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch đến Sầm Sơn tiếp tục tăng trưởng vượt bậc, với 3,2 triệu lượt khách và doanh thu ước đạt 3.065 tỷ đồng (tăng 22,5% so với cùng kỳ).

Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch hấp dẫn, thân thiện, xứng đáng là 1 trong 4 vùngkinh tế động lực của tỉnh, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa, Sầm Sơn đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút, triển khai nhiều dự án lớn trên địa bàn nhằm tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đô thị du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, theo hướng xây dựng đô thị du lịch thông minh, đặc biệt là dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, quảng bá về du lịch; chăm lo đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng chất lượng, chuyên nghiệp, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn đẹp trong lòng du khách và bạn bè.

Tự hào là một trong số ít khu du lịch hình thành sớm nhất Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Sầm Sơn đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đưa du lịch Sầm Sơn có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị du lịch biển trọng điểm quốc gia và giữ vững danh hiệu “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam”.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]