(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến thăm xã Xuân Lẹ (Thường Xuân) trong thời gian này, du khách có thể thỏa sức đắm chìm trong vẻ đẹp hoang sơ, kỳ ảo, cuộn mình trong dòng nước lạnh mát từ thác Trai Gái. Đặc biệt, cùng lắng nghe truyền thuyết về câu chuyện tình cảm động trời xanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thác thiêng Trai Gái và mối tình cảm động trời xanh

Đến thăm xã Xuân Lẹ (Thường Xuân) trong thời gian này, du khách có thể thỏa sức đắm chìm trong vẻ đẹp hoang sơ, kỳ ảo, cuộn mình trong dòng nước lạnh mát từ thác Trai Gái. Đặc biệt, cùng lắng nghe truyền thuyết về câu chuyện tình cảm động trời xanh.

Thác Trai Gái hùng vĩ, gọi mời.

Thường Xuân là huyện miền núi của xứ Thanh - nơi được, thiên nhiên đã ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, sản vật phong phú. Không những vậy, vùng đất Châu Thường còn có nhiều di tích, nhân vật lịch sử nổi tiếng. Nơi đây có công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt, chùa Cửa Đạt – nơi thờ Danh nhân Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với thiên nhiên kỳ thú, thác 7 tầng, Hội thề Lũng Nhai lịch sử - nơi năm xưa Lê Lợi cùng 18 vị anh hùnghào kiệt cùng nhau cắt máu ăn thề nguyện quyết tâm đánh đuổi giặc Minh, giữ yên bờ cõi...

Quả thiếu sót nếu không nhắc đến thác Trai Gái - một kiệt tác tạo hóa ban tặng, nơi gắn liền câu chuyện tình chung thủy thấm đẫm nước mắt của đôi trai gái người Mường.

Cách trung tâm huyện Thường Xuân chừng hơn 10km, chúng tôi có mặt tại xã Xuân Lẹ - nơi có dòng thác thiêng nổi tiếng. Theo chỉ dẫn của ông Vi Văn Duyệt (trưởng thôn Liên Sơn) con đường rừng vào thác ngoằn ngèo, hiểm trở, băng qua cánh rừng rộng lớn, với sương mù giăng lối, tiếng chim hót líu lo...

Lọt thỏm trong không gian yên ả của núi rừng, thác Trai Gái hiện lên như một bức tranh thủy mặc, những dải lụa trắng tinh buông xuống cùng tiếng nước róc rách, cỏ cây hoa lá đua nhau khoe sắc. Giữa nhiều tầng bọt tung trắng xóa, xuất hiện một tảng đá to lớn, bằng phẳng. Theo người dân địa phương, hòn đá này là nơi “dệt thêu” câu chuyện ly kỳ về cặp đôi trai tài, gái sắc xưa kia từng ngồi trước khi hẹn hò kiếp sau.

Ông Cầm Bá Lưu - Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ, cho biết sở dĩ thác có tên Trai Gái, bởi xưa kia từng gắn liền với câu chuyện tình thấm đẫm nước mắt về đôi trai gái người dân tộc Mường. Truyền thuyết về thác Trai Gái có nhiều dị bản khác nhau, nhưng mỗi dị bản đều thể hiện nét riêng của đồng bào Mường.

Truyền thuyết kể rằng, xưa kia vùng đất này đồng bào dân tộc thiểu số sống bằng nghề săn bắt, phát nương làm rẫy mưu sinh, kiếm sống. Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng từng chòm bản có sự phân biệt giàu nghèo rõ rệt.

Thời gian trôi đi, có một đôi trai gái không cùng bản, mến nhau qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói, bước đi. Từ ngày gặp gỡ, cả hai mang nặng cái nhớ, cái thương, chỉ mong sao chóng được gặp nhau hỏi han, trò chuyện. Khi biết tin, cha mẹ cô gái tìm mọi cách chia rẽ lứa đôi, ngăn cấm cô gái không được gặp chàng trai. Gia đình ép cô gái phải về làm dâu cho một gia đình giàu có trong vùng, với mong muốn có được cuộc sống sung túc về sau. Chàng trai hay tin, ngày đêm khóc thầm, thương nhớ, nỗi nhớ nàng theo chàng lên nương làm rẫy, vào rừng hái củi...

Một ngày nọ, chàng trai có việc phải đi sang xứ Mường xa, cũng là ngày gia đình cô gái nhận lễ vật cưới từ gia đình giàu có nọ. Theo lệ, sáng mai là ngày cô gái được nhà trai bắt về làm dâu.

Thông tin này được những người thợ săn gửi đến chàng trai nghèo. Nỗi nhớ khôn nguôi đã thôi thúc đôi chân chàng tìm về nhà cô gái. Chàng vượt núi, băng rừng, cuối cùng cũng tìm đến nhà cô gái. Đêm hôm đó, cũng là đêm trăng sáng, cô gái thẫn thờ, ngồi khóc bên khung cửa sổ, lòng thổn thức nhớ nhung người yêu.

Thấy tiếng động dưới chân cầu thang, cô gái xuống nhà gặp lại người thương, niềm vui khôn xiết, thấy nàng vàng vọt, xanh xao chàng trai rất đau lòng. Cái nhớ, cái thương từ miệng chàng, miệng nàng như nước suối tuôn chảy không ngừng. Càng kể, lòng họ càng tan nát, rối bời. Cuối cùng đôi trai gái quyết định cùng nhau bỏ trốn, cô gái quỳ lạy nói lời cảm ơn, xin lỗi bố mẹ. Sau đó, họ dắt nhau chạy vào rừng sâu, Mỗi bước đi, nước mắt của nàng không ngừng rơi, họ cứ chạy, đôi chân rỉ máu, đói khát, sầu khổ họ tìm đến một tảng đá lớn cạnh thác, cùng cầu nguyện cho trời đất chứng dám cho tình yêu, mong được làm vợ chồng kiếp sau. Họ cùng nhau nhảy xuống nước tự vẫn, thần linh không chấp thuận chuyện tình của họ, bởi chưa được sự đồng ý của tổ tiên và gia đình. Thương tình biến họ thành hai con cá Láu ở thác nước, không bao giờ chịu rời xa nhau. Thác nước nơi họ ngồi lúc ào ào, lúc róc rách, dịu êm như lời khặp ca ngợi mối tình thủy chung, son sắt.

Người dân trong bản đi qua, thi thoảng vẫn thấy đôi cá lạ quấn quýt nhau không rời. Từ đó, thác có tên gọi là thác Trai Gái cho đến ngày nay.

“Thác Trai Gái thôn Liên Sơn, được chia làm 4 bậc nhỏ, có tên gọi khác nhau, tọa lạc trên hệ thống núi Sản Phăm, bắt nguồn từ sông Năm Muồng chảy từ tỉnh Nghệ An sang. Xung quanh thác có nhiều câu chuyện được người dân truyền miệng nhau mang tính huyễn hoặc, li kỳ. Mặc dù còn hoang sơ, song nhiều du khách gần xa ai cũng mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng dòng thác kỳ vỹ, đẹp bậc nhất xứ Thanh, cùng nhau thưởng thức các món ăn dân dã của địa phương, hòa mình vào dòng thác mát lạnh, tận hưởng mùi thơm hương quế, rượu cần. Đặc biệt, lắng nghe truyền thuyết thác Trai Gái, về câu chuyện tình ngang trái thấm đẫm nước mắt lay động trời xanh”, anh Lê Giáp - Phòng VHTT huyện Thường Xuân, cho biết.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]