(vhds.baothanhhoa.vn) - Thiên nhiên đã ban tặng cho Thạch Thành đại ngàn hùng vĩ, nhiều di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng làm say đắm lòng người như hang Con Moong di tích cấp quốc gia đặc biệt, chiến khu du kích Ngọc Trạo, thắng cảnh Phố Cát và nhiều thác quý... luôn là điểm đến hấp dẫn du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thạch Thành: Khai thác hiệu quả giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch xanh

Thiên nhiên đã ban tặng cho Thạch Thành đại ngàn hùng vĩ, nhiều di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng làm say đắm lòng người như hang Con Moong di tích cấp quốc gia đặc biệt, chiến khu du kích Ngọc Trạo, thắng cảnh Phố Cát và nhiều thác quý... luôn là điểm đến hấp dẫn du khách.

Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạođược công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1994.

Từ tiềm năng

Với lợi thế địa hình núi đá vôi và hình sông, núi, danh lam thắng cảnh, thiên nhiên đã ban tặng cho Thạch Thành tiềm năng phát triển du lịch, có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối các điểm di tích giữa các vùng miền trong và ngoài tỉnh, do đó Thạch Thành luôn là điểm đến thu hút nhiều du khách.

Những thác nước dài, nhiều tầng kỳ vỹ như: thác Mây, thác Voi, thác Đẹn và những hồ nước rộng lớn quanh năm trong xanh: hồ Đồng Sung, hồ Ba Cầu, hồ Cầu Mùn, hồ Minh Công, hồ Vũng Sú, suối nước nóng Vó Ấm... Đặc biệt nhiều hang động khá đẹp gắn với di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ: hang Con Moong, hang Mang Chiêng, hang Lai, hang Diêm, hang Treo... thuận lợi cho phát triển du lịch khám phá và du lịch lịch sử. Với thế mạnh đó, Thạch Thành có hệ thống di sản văn hóa vật thể tương đối đa dạng (14 di tích đã được xếp hạng), trong đó có nhiều di tích có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như kiến trúc nghệ thuật. Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Đây là di tích khảo cổ học, di chỉ thời tiền sử đặc biệt quan trọng còn lưu giữ, chứa đựng khá nguyên vẹn những chứng tích của người tiền sử tụ cư và sống trong thời đại đá cũ đến thời đại đá mới - nơi lưu trú của người Việt Cổ cách đây hơn 60.000 năm đã và đang được Chính phủ chỉ đạo xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Cùng với đó, Chiến khu Ngọc Trạo được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1994. Đây là nơi thành lập Đội du kích Ngọc Trạo (19/9/1941) - tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa. "Lửa hang Treo" đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử, yêu nước cho các thế hệ con cháu... Ngoài ra, di tích thắng cảnh Phố Cát là 1 trong 3 trung tâm lớn thờ thánh mẫu Liễu Hạnh - một tín ngưỡng bản địa lớn ở nước ta, nét sinh hoạt văn hóa tâm linh tiêu biểu của người dân xứ Thanh và cả nước...

Du khách tham quan hang Con Moong, xã Thành Yên.

Mỗi di tích lịch sử, văn hóa đều gắn với những cội nguồn, nhân vật lịch sử, văn hóa trong sử sách, tạo nên một không gian văn hóa của vùng đất giàu truyền thống và cách mạng, đậm sắc thái văn hóa của hai dân tộc: Mường - Kinh...

Phát huy các giá trị di sản văn hóa

Với tiềm năng lợi thế trên, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Thạch Thành đã ban hành Nghị quyết và kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn trong đó có đề án phát triển du lịch đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Do đó Thạch Thành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thu hút nguồn lực xây dựng các điểm đến hấp dẫn, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp về khảo sát đầu tư...

Đối với 3 điểm du lịch được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận: thác Mây, đền Phố Cát, Chiến khu Ngọc Trạo, khuôn viên, nhà vệ sinh đạt chuẩn, biển chỉ dẫn, hệ thống giao thông cơ bản đã được hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho khách về tham quan. Theo đó là việc lập quy hoạch phân khu du lịch thác Voi, khởi công xây dựng tuyến đường 217B vào hang Con Moong và tuyến Quốc lộ 45 vào hang Treo thuộc Chiến khu Ngọc Trạo...

Để phát huy lợi thế của sản phẩm du lịch, huyện rất chú trọng đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng: khu vực thác Mây, thác Voi, Vó Ấm, du lịch văn hóa tâm linh: đền Phố Cát, đình Mường Đòn, chùa Cảnh Yên và du lịch về nguồn, khám phá, trải nghiệm... Đồng thời khuyến khích phát triển làng nghề, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cung ứng sản phẩm lưu niệm du khách: mây tre đan Thành Thọ, tranh đính hạt cườm thị trấn Vân Du... Xây dựng chứng nhận nhãn mác thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng của địa phương: mía tím Kim Tân, gạo nếp hạt cau Thạch Bình, tinh bột nghệ Cucumi Thạch Quảng, mật ong hoa nhãn...; kêu gọi đầu tư tại khu sản xuất nông sản công nghệ cao, trồng cây có múi tập trung tại thị trấn Vân Du, Thành Tân tạo nên giá trị thương hiệu cam Vân Du để giới thiệu, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch xanh... Qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho du khách về thắp hương, vãn cảnh, tham quan các danh lam thắng cảnh, tắm thác mát và thưởng thức các món ăn, sản phẩm đặc thù địa phương và làm quà cho người thân...

Thác Mây - cảnh quan kỳ thú và hấp dẫn tại xã Thạch Lâm.

Để tiếp tục xây dựng "ngành công nghiệp không khói" phát triển bền vững, Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Thành lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa chương trình phát triển du lịch là 1 trong 3 chương trình trọng tâm. Đây là cơ hội tốt cho huyện tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh các di tích - danh thắng. Vì thế giai đoạn này, huyện tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030 làm cơ sở đầu tư khai thác tiềm năng lợi thế phát triển du lịch. Tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng: đường giao thông, bãi đỗ xe, điểm dừng nghỉ du lịch, nhà hàng, khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí tại địa bàn du lịch trọng điểm. Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch chất lượng cao đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó ưu tiên phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch xanh. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xây dựng các tour tuyến, điểm đến du lịch, tích cực bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh. Phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của huyện, trở thành điểm đến hấp dẫn du lịch xứ Thanh.

Thúy Hòa


Thúy Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]