(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến Lam Kinh, người ta thường nghĩ đến lễ hội, tập trung chủ yếu vào các ngày lễ, tết trong năm. Nhưng ở một góc nhìn khác, đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh trong hè này, du khách sẽ bị thu hút bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hệ sinh thái rừng phong phú.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hè này về thăm Lam Kinh

Nhắc đến Lam Kinh, người ta thường nghĩ đến lễ hội, tập trung chủ yếu vào các ngày lễ, tết trong năm. Nhưng ở một góc nhìn khác, đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh trong hè này, du khách sẽ bị thu hút bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hệ sinh thái rừng phong phú.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh được phủ một màu xanh mát.

Điểm đến của những câu chuyện lịch sử

Đến với Lam Kinh, du khách không chỉ được sống trong không gian lịch sử, ngược dòng về quá khứ để tưởng nhớ đến một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, mà còn được nghe những tích xưa, tận mắt chứng kiến chuyện lạ. Như cách gọi của chính những người dân địa phương: “Quần thể di tích Lam Kinh là thế giới của những câu chuyện cổ tích được xây nên từ những linh khí của trời đất”.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - ngôi điện cổ xưa đã gắn liền với Hoàng đế Lê Lợi, Hội thề Lũng Nhai và Khởi nghĩa Lam Sơn của hơn 600 năm về trước. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh được quy hoạch với tổng diện tích 200 ha, thuộc địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc. Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc nhà Minh (1418 - 1428) và lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long), nhà vua cho xây dựng ở đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.

Ban đầu điện Lam Kinh được xây dựng với quy mô nhỏ, tính chất chủ yếu là khu “Sơn lăng” (nơi an táng, thờ cúng tổ tiên và các vua, hoàng hậu thời Lê Sơ), trong đó có lăng mộ Vua Lê Thái Tổ được mai táng ở điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất. Trước lăng Vua Lê Thái Tổ còn có 2 hàng tượng người và con giống tạc bằng đá theo phong cách nghệ thuật đặc trưng. Theo các nhà nghiên cứu, các tượng ở đây đều có niên đại cùng năm mai táng Vua Lê Thái Tổ (1433). Nhìn một cách tổng quát, du khách sẽ cảm nhận được khu lăng mộ Vua Lê Thái Tổ thật giản dị, gần gũi mà vẫn tôn nghiêm, trang trọng.

Ngày nay, tuy các công trình đền, đài, điện, miếu không còn như xưa, nhưng với không gian cảnh quan linh thiêng, thâm nghiêm, những công trình di tích được trùng tu, tôn tạo, trên nền móng cũ, Lam Kinh vẫn là địa chỉ đỏ về truyền thống yêu nước và lòng tự hào tự tôn dân tộc.

Với hệ sinh thái xanh bao phủ khu di tích

Chúng tôi trở về với Lam Kinh trong những ngày cuối tháng 4, khi các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá sẵn sàng đón khách trở lại sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đến đây, điều đầu tiên mà bất cứ du khách nào cũng có thể cảm nhận được đó là không gian thoáng đãng, không khí trong lành, mát mẻ, dễ chịu, đặc biệt là cảnh quan môi trường luôn được giữ gìn xanh - sạch - đẹp. May mắn trong chuyến đi của chúng tôi đó là được chính Trưởng BQL Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Vũ Đình Sỹ làm “tài xế” lái xe điện, kiêm hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi tham quan một vòng khu di tích.

Quả thật, là người con sinh ra trên mảnh đất xứ Thanh, đã hơn 10 lần tôi đến Lam Kinh, nhưng hành trình nào cũng chỉ gói gọn tham quan bia Vĩnh Lăng, cổng Ngọ Môn, sân Rồng, Chính điện, Thái miếu, lăng mộ Vua Lê Thái Tổ. Chỉ lần này là khác, chúng tôi được tham quan một vòng quần thể khu di tích, cùng với các khu lăng mộ. Chợt nhận ra, nơi đây còn có hệ sinh thái rừng phong phú, với hàng trăm cây cổ thụ trường tồn cùng quần thể lăng tẩm của các vị vua triều Hậu Lê được dày công bảo vệ, gìn giữ và chăm sóc.

Trong không gian rộng lớn, bao phủ quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh là hệ sinh thái rừng xanh tốt, mọi lối đi đều được BQL giữ gìn sạch đẹp, lát đá nên rất thuận tiện để du khách có thể tản bộ tham quan hoặc đăng ký sử dụng xe điện. Đi dưới bóng mát của những tán cây xanh tốt, Trưởng BQL Khu di tích lịch sử Lam Kinh Vũ Đình Sỹ vừa lái xe chậm rãi, vừa mải miết với những câu chuyện lịch sử về dòng sông Ngọc, cây đa thị, giếng cổ, cây ổi cười hay câu chuyện kỳ bí về “cây lim hiến thân”...

Đánh giá về sự hấp dẫn cũng như tính liên kết của điểm đến, trong chuyến khảo sát mới đây của các đơn vị lữ hành đến từ Hà Nội, bà Ngọc Thuý - Công ty lữ hành Nam Cường, Tập đoàn Nam Cường (Hà Nội) bày tỏ sự ngạc nhiên trước sức hút của điểm đến và đánh giá cao tính hấp dẫn cũng như sự khác biệt của khu di tích lịch sử Lam Kinh. Bởi cùng với những dấu tích lịch sử thì nơi đây còn sở hữu hệ sinh thái vô cùng tuyệt vời. Đặc biệt, với sự đầu tư về hệ thống giao thông đi lại, áp dụng công nghệ quét mã QR Code cũng như việc gắn biển tên cho các loại cây trong rừng, rất thuận tiện cho du khách khi tham quan... đây được xem là những điểm cộng để các đơn vị lữ hành trong cả nước sẵn sàng đưa Lam Kinh vào các chương trình tour liên kết.

Với quần thể di tích, đồi núi, rừng cây, sông, hồ, khe, suối, Lam Kinh vừa có sự cổ kính, linh thiêng, vừa có sự kỳ vĩ, thơ mộng. Đặc biệt, ở khu trung tâm, vẫn còn nhiều cây cao bóng cả vài trăm năm tuổi trở lên tạo ra cảnh trí thật đặc sắc. Riêng khu rừng cấm Lam Kinh còn có đủ các loại cây như lim, lát, dổi, trám, bạch đàn, xà cừ... cùng nhiều loại cây quý hiếm trong sách đỏ. Với độ che phủ lớn đang hồi sinh nhanh chóng (kể cả các núi đồi đều đã được phủ xanh) để chim, thú tụ về đông đúc. Mùa hè nắng cháy, đi trong tán cây rừng, hay thưởng ngoạn cảnh trí trên dòng sông Ngọc du khách mới thấy được những điều thú vị của điểm đến. Với sự hấp dẫn của vùng cảnh quan, sinh thái Lam Kinh, nơi đây còn có thể trở thành điểm tham quan du lịch giàu tiềm năng trong suốt cả 4 mùa.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]