(vhds.baothanhhoa.vn) - Tiềm năng phát triển và đường dài xa ngái

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiềm năng phát triển và đường dài xa ngái

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (ảnh: Cao Đại)

Du lịch - điểm sáng của sự phát triển?

Thanh Hóa là tỉnh có số lượng di tích lịch sử đứng thứ hai cả nước chỉ sau Hà Nội với 1.535 di tích, có Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.

Nhưng câu chuyện du lịch không dừng ở những mục tiêu, trên thực tế, với du khách những chi tiết nhỏ, những hành động nhỏ thường lưu lại dễ dàng và đậm sâu hơn. Bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM chia sẻ khi nói về các tour du lịch Thanh Hóa: Làm du lịch không chỉ liên quan tới di sản phong cảnh, khách sạn, nhà hàng, hay những con số như hàng chục triệu du khách, doanh thu hàng chục tỷ đô la mà còn ở những việc tưởng chừng rất nhỏ như: thủ tục nhanh gọn, tác phong lịch sự, thái độ thân thiện của chiến sỹ biên phòng, công an cửa khẩu, sự tận tình, kỹ năng chuyên nghiệp của các cán bộ du lịch, sự văn minh hoặc cử chỉ ánh mắt nụ cười của người dân. Tất cả đều góp phần phát triển du lịch.

Vấn đề ở Thanh Hóa là làm thế nào để tận dụng tối đa nhất khoảng thời gian mùa hè, khi Thanh Hóa đang có lợi thế lớn về du lịch biển.

Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng?

Rõ ràng chúng ta có quá nhiều tiềm năng cho việc phát triển du lịch. Và du lịch thường được gắn với những con số cụ thể trong đó đáng kể nhất là lượng khách du lịch đến hàng năm. Điều đó không thể phủ nhận, nhưng để có lượng du khách đến đông, để du khách đến một lần và quay lại thì chúng ta phải tạo được sự hấp dẫn.

Từ chia sẻ của nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự: “Chúng tôi biết phát triển là trả giá, nhưng trả cái giá nào là phù hợp. Hội An từ nay sẽ kiên quyết giảm quy mô lễ hội lớn, khôi phục lễ hội nhỏ, có chiều sâu, có lợi cho người dân, giữ được nét đẹp truyền thống. Cái gì ngoại lai, truyền thống không có thì chúng tôi dẹp bỏ. Phải có sản phẩm làm nên hồn vía cho phố cổ. Và du khách đến Hội An chính là những sản phẩm hồn vía cho phố cổ”.

Thanh Hóa ngoài du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến… thì tất cả đang khá là hoang sơ. Đương nhiên du khách nước ngoài thích vẻ đẹp hoang sơ, nhưng hoang sơ trong sử dụng công và có sự giữ gìn thì mới có thể khiến du khách đến còn hiện nay những địa điểm như Pù Hu, Pù Luông... ngoài lượng bạn trẻ đi phượt gần như những địa điểm này vẫn đang là cái tên không hề quen thuộc với du khách.

Bãi biển Sầm Sơn.

Điều này cho thấy rằng việc tạo dựng một cái tên quen thuộc đã khó, một địa điểm quen thuộc càng khó hơn, chứ chưa nói đến chất lượng phục vụ, và kết nối các điểm lại với nhau.

Thực tế chúng ta hoàn toàn nhìn thấy đó là các địa điểm này nằm ở khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa, địa hình đi lại khó khăn hơn, đó có thể là những khó khăn song với du lịch nó cũng hoàn toàn là thuận lợi. Các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và ngay cả Hà Giang, Lào Cai một vài năm gần đây trở nên thu hút các bạn trẻ nhờ việc trồng các cánh đồng hoa theo mùa vụ.

Ngoài mục đích đó là những cây nông nghiệp thì phần chính đây là điểm chụp ảnh của các bạn trẻ. Đương nhiên mỗi một tỉnh thành, một địa phương sẽ có cách làm riêng phù hợp với đời sống của người dân, và khí hậu thổ nhưỡng của vùng.

Việc lựa chọn cách làm và mục tiêu là điều quan trọng nhất hiện nay, có nhiều nơi lấy số lượng du khách là chính nhưng cũng có những điểm du lịch có sự phân tầng du khách, hướng đến đối tượng du khách nhất định.

Chuyện không riêng của ngành du lịch

Có thể nói để tạo được sản vật riêng, và trên tinh thần lấy nguyên liệu tại chỗ, không riêng gì Thanh Hóa mà tất cả các địa phương đều phải có chiến lược riêng cho du lịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc năm du lịch Quốc gia tại Thanh Hóa có nói: “Chúng ta vui mừng khi Việt Nam là một trong 20 điểm đến yêu thích nhất nhưng cũng phải trăn trở và không khỏi chạnh lòng trước những nhận xét của không ít du khách “một đi không trở lại”.

Đồng thời, Phó Thủ tướng kêu gọi: “Thay vì vứt bừa mảnh giấy, mẩu thuốc trên tay, mỗi chúng ta hãy cúi xuống nhặt mảnh rác chợt thấy, cho vào sọt rác. Thay vì cố lách lên ở những chỗ đông người, hãy xếp hàng tuần tự và nhường nhịn cho người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật…

Những việc tưởng chừng nhỏ ấy chính là góp phần vào việc phát triển du lịch”. Để có những điều nhỏ này, không phải chỉ một ngành du lịch có thể làm được, đó là sự kết hợp của tất cả các ngành trong cả nước và mỗi địa phương mà cụ thể là ngành giáo dục.

Có thể với ngành du lịch, không đơn giản chỉ là cảnh quan thiên nhiên, mỗi người dân là vị đại sứ thân thiện, mỗi món ăn là đại sứ văn hóa ẩm thực, mỗi một danh thắng là sự hội tụ lớp trầm tích văn hóa, lịch sử, và trí tuệ con người của vùng đất. Tất cả những điều đó khiến du lịch phát triển, để du khách lựa chọn địa điểm này mà không phải là một nơi nào khác.

Con đường của một sản phẩm du lịch không phải là một sáng một chiều, nó là cả một đường dài, rất dài. Du lịch chỉ có thể phát triển được, nếu mỗi người dân hiểu hơn, ý thức hơn về du lịch, những người quản lí cũng cần có cách nhìn mới hơn, sâu hơn và dài hơn là du lịch trở thành sản phẩm của mỗi một người ở địa phương.

Hoàng Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]