(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nếu như quần thể di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong năm 2016 đón trên 2,5 triệu lượt khách... thì Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ đón 150 ngàn lượt khách, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đón 220 ngàn lượt khách. Những con số thống kê ấy khiến người ta không khỏi liên tưởng: đến khi nào sẽ có một di tích xứ Thanh đón hàng triệu lượt khách mỗi năm?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ di tích đến sản phẩm du lịch đặc trưng (Bài 2): Du lịch di tích và những điểm sáng...

(VH&ĐS) Nếu như quần thể di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong năm 2016 đón trên 2,5 triệu lượt khách... thì Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ đón 150 ngàn lượt khách, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đón 220 ngàn lượt khách. Những con số thống kê ấy khiến người ta không khỏi liên tưởng: đến khi nào sẽ có một di tích xứ Thanh đón hàng triệu lượt khách mỗi năm?

Vĩnh Lộc được xem là địa phương có số lượng di tích lớn và mật độ dày đặc nhất của tỉnh Thanh Hóa. Tính đến năm 2016, toàn huyện có 267 di tích. Trong đó có 1 Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, 14 di tích xếp hạng Quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh và hơn 150 di tích, phế tích đã được kiểm kê. Và tính từ năm 2011 - 7/2016, toàn huyện Vĩnh Lộc đã có tất cả 19 di tích đã được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng nguồn kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng được huy động từ các nguồn: kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí chống xuống cấp của UBND tỉnh; kinh phí địa phương; nguồn xã hội hóa...

Được biết, phần lớn các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc là di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật gắn liền với triều đại phong kiến Trần - Hồ. Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ - công trình đá kỳ vĩ nhất Đông Nam Á, được xem là một trong số ít di sản thành đá lớn nhất hành tinh và năm 2015, Thành Nhà Hồ còn nằm trong tóp đầu 21 di sản nổi bật nhất thế giới được trang CNN (Mỹ) bình chọn. Với việc Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 2011, huyện Vĩnh Lộc cũng đã quy hoạch mạng lưới 22 di tích vệ tinh quanh Thành Nhà Hồ để gắn liền việc bảo tồn di tích với phát triển du lịch. Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã xác định phát triển du lịch là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của huyện.

Nếu năm 2012, khách tham quan đến Thành Nhà Hồ và các điểm di tích khác của huyện Vĩnh Lộc ước đạt 55.890 lượt khách, trong đó có 260 lượt khách quốc tế. Đến năm 2016, con số này đạt khoảng 150.000 lượt khách, trong đó có 400 lượt khách quốc tế. Nhìn qua những con số thống kê, có thể nhận thấy đã có sự thay đổi, chuyển biến trong việc thu hút khách du lịch ở các điểm đến di tích trên địa bàn huyện.

Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

Cùng với Thành Nhà Hồ, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) cũng được xem là di tích trọng điểm, điểm đến hấp dẫn của xứ Thanh. Năm 2016, khu di tích này đón hơn 220.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, tăng gần 6 lần so với 40.000 lượt khách đến đây năm 2009. Tuy nhiên, theo người đứng đầu BQL khu di tích thì: “lượng khách đến với Lam Kinh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng”.

Và nhận định “phát triển chưa tương xứng với tiềm năng” dường như đây lại là thực tế không của riêng Vĩnh Lộc, hay khu di tích Lam Kinh. Đó gần như là thực trạng chung của hầu hết các địa phương có di tích trên địa bàn cả tỉnh. Tại sao vậy?

Trao đổi về vấn đề này, bà Đỗ Thị Loan - Trưởng phòng VHTT huyện Vĩnh Lộc chia sẻ: “Ngoại trừ di sản thế giới Thành Nhà Hồ, hầu hết các di tích trên địa bàn huyện mới chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, gìn giữ, thực tế phát huy giá trị di tích gắn với du lịch là chưa nhiều. Và nếu muốn thay đổi diện mạo du lịch huyện Vĩnh Lộc thì dứt khoát phải bắt đầu từ Thành Nhà Hồ. Chỉ khi điểm đến này tạo được sự “đột phá” với du khách thì các di tích vệ tinh mới có thể theo đó để cùng thay đổi phát triển”.

Trăn trở về câu chuyện đưa di tích trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận về những rào cản của các điểm đến di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay: “Các di tích gắn liền với tên tuổi của bậc vua, chúa, anh hùng, hào kiệt... xứ Thanh chính là kho tàng tài sản quý báu mà lịch sử đã để lại cho chúng ta. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị các di tích gắn với du lịch vẫn là bài toán còn nhiều điểm để ngỏ. Đó là sự thiếu gắn kết giữa các điểm di tích trọng điểm, rồi tính kết nối giữa du lịch di tích với tham quan làng nghề, ẩm thực níu chân du khách vẫn chưa được quan tâm, nhìn nhận đúng mức. Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong cơ sở vật chất hạ tầng cũng là một điểm trừ của các điểm đến di tích. Cụ thể như di sản thế giới Thành Nhà Hồ: nếu trước mắt tại đây vẫn không có khu đón tiếp nghỉ ngơi cho du khách (văn hóa, ẩm thực đúng nghĩa) thì dù có nói gì, Thành Nhà Hồ vẫn không thể hấp dẫn và níu chân được du khách đến đây”.

Nhìn nhận một cách công bằng, trong thời gian qua công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đã được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng. Hầu hết các khu di tích, danh thắng quan trọng đã được tiến hành lập quy hoạch bảo tồn hoặc phân khu, làm cơ sở tập trung triển khai các dự án trùng tu, tôn tạo và hạ tầng kỹ thuật. Nhờ đó, nhiều di tích đã và đang bước đầu tạo được “thương hiệu” đối với du khách: khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; đền Bà Triệu; cụm di tích núi Trường Lệ... song thực tế con số đó là chưa nhiều. Và ngay ở những điểm đến được coi là “điểm sáng” thì sự phát triển cũng là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Vậy, điều gì đã khiến cho con đường từ “di tích đến sản phẩm du lịch đặc trưng” của xứ Thanh gặp nhiều khó khăn đến thế? Và đâu sẽ là lời giải để các di tích trên địa bàn tỉnh thực sự phát huy được tiềm năng, để góp phần đưa du lịch xứ Thanh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]