(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ ngôi đình tranh tre nứa lá ban đầu, đến nay đình làng Hồ (thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân) đã vững chãi và khang trang hơn nhiều. Tuy nhiên, "mỗi lần ngồi trong đình, nhìn từng cột gỗ đã bị mối mọt, rui mè bị hư hỏng nặng, bà con Nhân dân rất lo lắng. Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là đình làng Hồ, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh sẽ được tu bổ sớm để làm nơi thờ tự trang nghiêm", ông Lê Văn Hải, Trưởng thôn Hồng Kỳ chia sẻ.

Về đình làng Hồ

Từ ngôi đình tranh tre nứa lá ban đầu, đến nay đình làng Hồ (thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân) đã vững chãi và khang trang hơn nhiều. Tuy nhiên, "mỗi lần ngồi trong đình, nhìn từng cột gỗ đã bị mối mọt, rui mè bị hư hỏng nặng, bà con Nhân dân rất lo lắng. Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là đình làng Hồ, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh sẽ được tu bổ sớm để làm nơi thờ tự trang nghiêm", ông Lê Văn Hải, Trưởng thôn Hồng Kỳ chia sẻ.

Về đình làng HồĐình làng Hồ, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Tự hào về truyền thống làng

Hiếm có chi bộ nào mà các đảng viên tập hợp lại để soạn tập sách viết về riêng làng mình như chi bộ thôn Hồng Kỳ. Cuốn tài liệu “Làng Hồ xưa, thôn Hồng Kỳ nay” đã ghi lại quá trình lịch sử từ khi dựng làng đến nay. Theo tài liệu được ghi, vào triều vua Trần Duệ tông năm Quý Sửu 1373, có hai anh em nhà họ Lê là Lê Phúc Chân và Lê Phúc Trực đã vượt sông Chu đến vùng đất phì nhiêu, đồi núi điệp trùng này để mở trang ấp làm ăn và sinh con đẻ cái ngày một đông. Làng thuở ấy có tên là làng Vườn.

Khi quân Lam Sơn tụ nghĩa, có những lúc để tránh quân Minh, chủ tướng Lê Lợi đã phải đến đây ẩn dật. Biết tin Lê Lợi vượt sông Chu, dân làng mang theo trầu, cau, gà, gạo, rượu thịt theo đón nồng hậu. Dừng lại đây, Lê Lợi đặt tên cho làng là Ngọc Bối sách (vùng đất quý). Cái tên Ngọc Bối sách có từ đó. Dần dần, theo từng năm, Ngọc Bối sách dân cư ngày một đông, diện tích canh tác mở mang, đời sống người dân từng bước được cải thiện nên các dòng họ đã hình thành nên những xóm ấp khác nhau và rồi phân chia thành nhiều làng, trong đó có làng Hồ.

Cũng theo sử làng ghi lại: năm 1478, thời vua Lê Thánh tông, có ông Lê Phúc Thành lều chõng thi cử rồi đỗ tiến sĩ. Vì thế ngoài công ơn lập làng của hai ông Lê Phúc Chân và Lê Phúc Trực, người dân làng còn phối thờ Lê Thành (Lê Phúc Thành) đại thần bản xứ.

“Từ bao đời nay, sinh hoạt văn hóa luôn được bà con giữ gìn. Vào ngày lễ lớn nhất của làng là lễ Cầu phúc (13 tháng 2 âm lịch), làng rước kiệu, quây kiệu vui lắm. Phụ lão, nam thanh tập trung thành đoàn người theo kiệu, theo cờ, với y phục chỉnh tề rước kiệu tại cổng làng về đình và tham gia các trò chơi như: đánh đu, cờ tướng, kéo co, đánh vật, chọi gà, chơi tam cúc...”, ông Lê Thanh Long, người trông coi đình làng Hồ cho biết. Ngoài ra, vào ngày mùng 4, 5 tháng 4 và ngày 21, 22 tháng 8, Nhân dân trong làng còn tổ chức lễ cầu Yên và cầu Hòa. Tên lễ hội Phúc, Yên, Hòa vừa là tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha ông đã có công khai đất, lập làng, vừa mong muốn được các vị thần linh phù hộ để có cuộc sống bình yên.

Người dân thôn Hồng Kỳ luôn tự hào về truyền thống dựng làng, giữ nước của cha ông mình. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thôn Hồng Kỳ có 58 thanh niên nhập ngũ, có 13 người là liệt sĩ,... và rất nhiều người được nhận huân, huy chương kháng chiến. Đặc biệt, với sự góp sức của người dân Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh đã được tặng thưởng xã Anh hùng lực lượng vũ trang.

"Từ cái tên làng Hồ ban đầu chỉ có 12 hộ, đến nay thôn Hồng Kỳ đã có 247 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó có 48 đảng viên. Tiếp nối truyền thống của làng, xã, các gia đình luôn động viên con cháu phấn đấu học hành, lao động để góp phần xây dựng quê hương", ông Lê Văn Hải, Trưởng thôn Hồng Kỳ cho biết.

Và kiến trúc độc đáo của đình

Đình làng Hồ được xây dựng từ khi mới lập làng, nhưng không ai nhớ rõ quy mô cấu trúc, đến năm 1635 đình được làm lại bằng tranh tre, nứa lá. Năm 1907 được tôn tạo và hoàn thành vào năm 1911, kiến trúc bằng gỗ, đòn tay, rui mè bằng luồng, mái lợp bằng tranh. Ông Lê Thanh Long tay lần giở tài liệu và nói với chúng tôi: “Tôi vẫn nghe các cụ kể và hiện nay trên thượng lương của đình còn ghi lại về thời gian đình được dựng lại bằng gỗ trong 4 năm (1907-1911), vất vả vô cùng. Tiếp đến năm 1927 người làng tiếp tục tôn tạo đình kiên cố hơn với việc xây gạch xung quanh đình, lát sân đình. Quá trình này cũng phải mất gần 10 năm mới hoàn thành. Và năm 1994 với sự công đức của người dân trong làng, đình được lợp đảo lại ngói cho khỏi dột nát, lát nền, viết lại bức đại tự và đôi câu đối... Gần đây nhất, năm 2003, đình tiếp tục một lần nữa sửa chữa phần gỗ bị hư hỏng, mục nát. Đình linh thiêng và là chốn tôn nghiêm nên đã từng có quy định, đàn bà, con gái đi qua cửa đình phải ngả nón xuống và đi cúi lom khom. Đám hiếu không được khiêng qua cửa đình...".

Về đình làng HồNgười dân thôn Hồng Kỳ (xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân) đang nỗ lực giữ gìn thôn xóm xanh - sạch - đẹp.

Đình làng Hồ đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Năm 1955-1957 nơi đây là Sở Chỉ huy bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Cũng chính nơi đây, bà con Nhân dân xã Thọ Thanh đã tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh... Từ năm 1976-1980 đây là kho hợp tác của xã Thọ Thanh... “Trước đình xưa kia xanh bóng mát. Tiếc là người dân chúng tôi không giữ được những loại cây to như: bùi, xui, vang, thông... có đường kính từ 1-1,5m, do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều cây lớn đã bị chặt để phục vụ quân đội, rồi phục vụ trường học sơ tán lên đồi cao hơn”, ông Lê Sỹ Tốt, Bí thư chi bộ thôn Hồng Kỳ vừa nói vừa dẫn chúng tôi ra trước sân đình giới thiệu: Cây đa này mới được gần 40 năm thôi, nhưng nó có thân cao, tán rộng. Đi từ xa nhìn thấy cây đa là biết ngay đã đến thôn Hồng Kỳ, nơi có đình làng Hồ.

Cũng như nhiều ngôi đình khác, đình làng Hồ trước có cả cổng đình, sân đình và tòa đại đình, nay cổng đình đã bị phá bỏ, chỉ còn lại sân đình và tòa đại đình. Bước vào bên trong tòa đại đình, khối kiến trúc của bộ khung gỗ và sự trang trí đường nét (gờ chỉ), nổi, chìm trên quá giang, câu đầu, kẻ bẩy, xà... đã làm cho nội thất của công trình trở nên mềm mại và uyển chuyển. Các họa tiết cũng được thể hiện và trang trí công phu, tỉ mỉ. Đó là hình tượng lá cúc cách điệu chạm nổi, to bản, có đủ sống lá, gân lá, mép lá hình răng cưa cầu kỳ và tinh xảo. Đặc biệt, cách bài trí đồ thờ ở đình làng Hồ khác với các ngôi đình là ban thờ được đặt ở gian cuối tính từ cửa vào, bệ thờ được xây bằng xi măng gồm 3 cấp.

“Chúng tôi tự hào là cho đến nay, nói về văn hóa vật thể của huyện Thường Xuân, đình làng Hồ có lịch sử lâu đời nhất. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2013, đình làng Hồ đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Mong muốn lớn nhất của bà con trong thôn lúc này là đình sẽ được trùng tu, tôn tạo sớm nhất có thể”, ông Lê Sỹ Tốt, Bí thư thôn Hồng Kỳ nói.

Bài và ảnh: CHI ANH

Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách Tên làng xã Thanh Hóa, tập 2 (Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa), NXB Thanh Hóa, 2000.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]