(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng biển xứ Thanh được khai phá từ rất sớm, để rồi, những cư dân đầu tiên đặt chân lên cồn cát nóng rát, đã hàng ngày chắt chiu, gom góp làm nên đời sống văn hóa - tinh thần, tín ngưỡng - tâm linh vô cùng phong phú và đậm đà bản sắc. Để khi đi qua những “miền cổ tích” vùng biển, cũng chính là hành trình khám phá chiều sâu đời sống tinh thần - tâm linh của cư dân ngư nghiệp...

Về miền biển xanh cát trắng: Qua những “miền cổ tích”

Vùng biển xứ Thanh được khai phá từ rất sớm, để rồi, những cư dân đầu tiên đặt chân lên cồn cát nóng rát, đã hàng ngày chắt chiu, gom góp làm nên đời sống văn hóa - tinh thần, tín ngưỡng - tâm linh vô cùng phong phú và đậm đà bản sắc. Để khi đi qua những “miền cổ tích” vùng biển, cũng chính là hành trình khám phá chiều sâu đời sống tinh thần - tâm linh của cư dân ngư nghiệp...

Về miền biển xanh cát trắng: Qua những “miền cổ tích”Đền Lạch Bạng (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn).

Nếu là những du khách ưu thích xê dịch theo kiểu lang thang khắp hang cùng ngõ hẽm của làng biển, để nhìn ngắm và cảm nhận nhịp sống hay vẻ đẹp cuộc sống thường ngày, vốn phần nào bị che khuất bởi đời sống kinh tế hối hả; thì bán đảo Nghi Sơn, Ba Làng - Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn), hay làng Triều Dương (TP Sầm Sơn), Diêm Phố (Hậu Lộc) là những gợi ý thú vị.

Cuộc sống nơi bán đảo Nghi Sơn ví như thước phim đen - trắng đối lập, giữa một bên là các nhà máy, cảng biển tấp nập, ồn ào; với một bên là sự tĩnh lặng nhuốm màu thời gian của những di tích cổ xưa như pháo đài Tĩnh Hải, thành Ông Ninh hay giếng Rửa Ngọc gắn với chuyện tình bi thương Mỵ Châu - Trọng Thủy. Kinh tế phát triển phản ánh đời sống vật chất ngày một đi lên, đủ đầy, khá giả; và song song với nó là văn hóa hay đời sống tinh thần - tín ngưỡng, tâm linh thể hiện qua các di sản văn hóa vẫn được người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn. Cái “miền cổ tích” vừa mang nét kim và lắng đọng tinh thần cổ xưa ấy, quả thật đáng quý. Bởi, nó dễ khiến con người ta muốn sống chậm lại vài nhịp, để ngắm nhìn cảnh sắc tươi đẹp và cũng để cho tâm hồn như bớt đi vào phần xáo động, khi cuộc sống còn lắm nỗi lo toan.

Không xa Nghi Sơn là Hải Thanh - một không gian văn hóa đậm đà sắc thái vùng biển. Nói đến Hải Thanh người ta thường nhắc nhiều đến nghề đi biển hay nghề làm nước mắm nức tiếng với cái tên Ba Làng. Nhưng sau vẻ ngoài có phần hối hả của đời sống kinh tế, là một “miền cổ tích” đầy cuốn hút. Bởi hiếm vùng đất cửa biển nào mà cuộc sống mưu sinh và đời sống tinh thần lại có sự hài hòa đến vậy. Những nhà cửa san sát nằm chen với lối đi nhỏ hẹp; những bến thuyền, làng nghề, chợ cái chợ con tưởng chừng ồn ã... lại “ăn khớp” một cách kỳ lạ với cái dáng dấp trầm mặc, yên ắng nơi đền chùa, miếu mạo. Ở Hải Thanh còn tồn tại một hệ thống di tích lịch sử, văn hóa hết sức đa dạng chạy dọc triền núi Do Xuyên và nhà thờ Thiên chúa giáo Ba Làng vốn nổi tiếng bởi kiến trúc - nghệ thuật nổi bật. Cùng với đó, trong không gian văn hóa Hải Thanh còn một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, mà nổi bật hơn cả là các lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa - lịch sử tiêu biểu, như: Lễ hội Quang Trung, lễ hội làng Do Xuyên và hội bơi chải truyền thống. Để rồi, một lần đến Hải Thanh trẩy hội, du khách sẽ thấm thía phần nào cái gọi sự cân bằng, hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần nơi làng biển truyền thống.

Giữa phố phường tấp nập và nhịp sống hối hả nơi đô thị du lịch Sầm Sơn, thì nhịp sống chậm rãi và có phần bình lặng của làng biển Triều Dương, có thể ví như khúc “biến tấu” thú vị. Triều Dương - cái tên trên mặt chữ là con nước buổi sáng, nhưng hàm nghĩa sâu sắc của nó là bức tranh thiên nhiên phong quang, tươi đẹp. Vốn lịch sử hình thành nên đất, nên làng gian nan như đời sống cư dân ngư nghiệp hàng ngày đối diện với sóng gió và bão tố; song, sự tồn tại của làng Triều Dương gắn liền với dải đất Sầm Sơn cho đến tận ngày nay, vốn là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây. Làng nổi tiếng với nghề dệt súc, thậm chí mặt hàng lưới súc đánh moi của cư dân Triều Dương từng được xem là độc đáo nhất miền Bắc. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, làng Triều Dương giữ bí mật kỹ thuật dệt súc, với các quy ước nghiêm ngặt và cấm truyền bá ra ngoài. Thông thường chỉ con trai trong làng mới được truyền nghề và mãi đến năm 1955, kỹ thuật này mới được lưu truyền rộng rãi. Cũng bởi nghề truyền thống mà từ xưa, làng Triều Dương đã thờ Bà Triều - tổ sư nghề dệt săm súc và tổ chức lễ hội rước bóng Bà Triều vào ngày 10 tháng Hai âm lịch hàng năm. Lễ hội làng Triều Dương cùng với nhiều lễ hội truyền thống được cư dân Sầm Sơn gìn giữ và lưu truyền đến tận ngày nay, đã góp phần tạo nên dáng dấp của một Sầm Sơn vừa hiện đại, vừa cổ xưa ẩn tàng trong nét đẹp văn hóa - tinh thần đặc sắc.

Về miền biển xanh cát trắng: Qua những “miền cổ tích”Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Cầu Ngư Diêm Phố.

Nói về những “miền cổ tích” vùng biển Thanh Hóa mà lỡ quên nhắc đến Diêm Phố thì thật sự là thiếu sót lớn. Nhưng nếu chỉ biết Diêm Phố ở cái khung cảnh có phần tức mắt của nhà cửa như nêm và nhịp sống sôi động trên bến dưới thuyền, thì cũng có phần phiến diện. Bởi còn một Diêm Phố rất khác, rất bình yên và đầy ý vị của một làng biển đậm đà sắc thái biển xứ Thanh. Nhìn trên bản đồ, Diêm Phố chẳng khác nào cái phễu hút gió và đựng gió. Có lẽ cũng vì cái vị trí có phần đặc biệt ấy mà đặc tính dân cư và văn hóa vùng đất này cũng có phần khác lạ. Bởi, nhắc đến Diêm Phố là nhắc đến một đời sống tinh thần - tâm linh- tín ngưỡng vô cùng đặc sắc. Suốt nhiều thế kỷ, con người nơi đây đã miệt mài bám biển để tìm kế mưu sinh và cũng từ biển, họ đã sáng tạo nên một không gian văn hóa vô cùng phong phú, giàu giá trị, phản chiếu qua các lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn và cả kiến trúc lăng miếu, chùa chiền. Trong đó, lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố - một trong những lễ hội lớn, có sức ảnh hưởng sâu rộng và linh thiêng bậc nhất của cư dân miền biển Hậu Lộc nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Với những giá trị to lớn và không thể thay thế của nó, lễ hội Cầu Ngư Diêm Phố đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chưa hết, Diêm Phố còn một quần thể di tích nghè - chùa - phủ - miếu hết sức độc đáo. Bởi sự hài hòa của nhiều loại kiến trúc trong một không gian chung đã phản ánh một cách chân thực và sâu sắc cái nhìn rất thoáng, không câu nệ của cư dân nơi đây về tín ngưỡng, tôn giáo.

Những di sản văn hóa vật thể rất đặc trưng và giàu giá trị; những phong tục tập quán, hay các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, phản ánh lịch sử hình thành, quá trình tồn tại và đặc trưng xã hội; hệ thống tri thức dân gian hay kho tàng kinh nghiệm phong phú của cư dân ngư nghiệp... Tất cả những yếu tố đậm đà văn hóa biển ấy được phản ánh đủ đầy, chân thực, sinh động, hàm súc qua những “miền cổ tích” vùng biển, đang chờ được du khách khám phá, qua các tour du lịch trải nghiệm văn hóa biển - mà biết đâu đấy, sẽ được xây dựng trong tương lai gần.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]