(vhds.baothanhhoa.vn) - Kẻ Trịnh hay Bằng Trình là tên gọi của vùng đất gần ngã ba Đầu, ngày nay thuộc xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa). Nơi đây cảnh quan núi sông hữu tình, con người đến cư ngụ từ rất sớm, từng bước xây dựng cuộc sống vật chất, tạo nên một không gian văn hóa làng đậm nét.

Về thăm Kẻ Trịnh

Kẻ Trịnh hay Bằng Trình là tên gọi của vùng đất gần ngã ba Đầu, ngày nay thuộc xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa). Nơi đây cảnh quan núi sông hữu tình, con người đến cư ngụ từ rất sớm, từng bước xây dựng cuộc sống vật chất, tạo nên một không gian văn hóa làng đậm nét.

Về thăm Kẻ TrịnhChùa Thái Bình (chùa Trịnh) là điểm nhấn tâm linh trên đất làng Trịnh.

Từ trung tâm TP Thanh Hóa, theo hướng ngã ba Đình Hương vào Thiệu Khánh, qua cầu phao Vồm bắc qua sông Chu đã sang đến Kẻ Trịnh. Vùng đất cổ Kẻ Trịnh nằm ngay bên sông Chu với bãi bồi phù sa xanh mướt mát bởi những mía, ngô. Bên trong làng, san sát những nhà cửa khang trang, người dân quần cư xây dựng cuộc sống.

Theo người dân địa phương, đây là vùng đất đã có con người đến cư ngụ từ rất sớm. Tại núi Trịnh (còn có tên gọi khác là núi Bằng Trình), nhiều năm về trước, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy mũi tên và hiện vật bằng đồng, đá có niên đại thời văn hóa Đông Sơn... Từ những hiện vật tìm thấy, cùng với các nguồn tài liệu, cả những tên đất, tên đồng cổ xưa, người ta tin rằng, vùng đất Kẻ Trịnh nằm bên tả ngạn sông Chu từ hàng nghìn năm về trước rất có thể đã từng tồn tại một làng Việt cổ?!

Còn lịch sử lập làng Kẻ Trịnh cách ngày nay khoảng 700 năm lại gắn liền với lưu truyền khác. Vào khoảng thế kỷ XIII - XIV trong trận lụt lớn, có một người họ Đỗ Đình nhờ bám được vào một cây gỗ chò trôi lênh đênh trên dòng sông Chu, dạt vào vực Đậu (làng Bằng Trình) nhờ đó mà sống sót. Ông nhận thấy toàn bộ vùng đất chiêm trũng lại nổi lên một gò đất cao, bằng phẳng ngay trước ngã ba sông, tin rằng đây là nơi có thể xây dựng cơ nghiệp nên đã quyết định ở lại. Ông đặt cho vùng đất này tên gọi Bằng Trình. Qua thời gian, vùng đất Bằng Trình ngày càng có thêm nhiều dòng họ đến sinh sống, như họ Đỗ Viết, Đỗ Văn, Đỗ Hữu, Lê Văn, Lê Xuân, Dương, Phạm, Hoàng Văn; Đặng Viết... Các dòng họ đã cùng nhau xây dựng nên làng quê bên sông Chu sầm uất.

Nằm bên sông Chu, lại có núi Bằng Trình “án ngữ như bức bình phong” trước làng, người Kẻ Trịnh tin rằng, vùng đất Bằng Trình nằm ở thế đất “long chầu - hổ phục”, nhờ đó đã tạo nên vị thế vững chãi, tốt tươi và cả nổi tiếng cho vùng đất này. Tương truyền, nơi đất Lam Sơn, khi Bình Định vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược, núi và đất Bằng Trình từng là một trong những căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn. Vì thế, đến nay ở vùng đất này còn lưu truyền câu ca: “Thượng trí Lam Sơn, hạ trí Bằng Trình”.

Núi Trịnh (Bằng Trình) từng là nơi ghi dấu một thời đạn bom ác liệt trong kháng chiến vệ quốc của đất và người Bằng Trình. “Đây là núi đá vôi, núi có 2 hang là hang Trước và hang Gió đều là những hang tự nhiên... Tại nơi đây, công binh xưởng đã chọn địa điểm làm kho chứa thuốc nổ để đúc súng đạn cung cấp cho chiến trường... Tháng 8/1949 nơi đây đặt máy phát điện, đồng thời là nơi sản xuất hoàn chỉnh súng đạn... chính vì vậy, núi Trịnh đã nhiều lần bị máy bay Pháp ném bom nhằm mục đích bắn phá hang và đánh phá công xưởng” (sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Hợp).

Lý giải cho tên gọi Kẻ Trịnh, người dân địa phương đến nay vẫn kể lại. Chúa Trịnh trong lần du ngoạn sông Chu đã ghé thăm đất Bằng Trình, thăm chùa Thái Bình thấy nơi đây phong cảnh sông núi hữu tình, nhà Chúa đã đặt cho nơi này là làng Trịnh. Cũng từ đó, những địa danh trên đất Bằng Trình đã mang tên Trịnh, như: chùa Trịnh (chùa Thái Bình); núi Trịnh (núi Bằng Trình); chợ Trịnh...

Cũng bởi nằm bên sông Chu, khi giao thông đường thủy vẫn giữ vai trò quan trọng thì bến đò kẻ Trịnh vô cùng sầm uất. Người dân làng Trịnh nổi tiếng với nghề đò dọc, đò ngang. Trong đó, đò ngang chở khách và hàng hóa qua bên kia sông sang đất làng Vồm (Thiệu Khánh) để buôn bán hàng ngày; còn đò dọc chuyên chở khách lên mạn ngược các vùng Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc hay đi về phía sông Mã lên Thạch Thành, Cẩm Thủy để buôn bán, làm ăn. Ngày nay, tuy nghề chèo đò của người làng Trịnh không còn duy trì song bến đò Trịnh vẫn ở đó, như một “chứng tích” của một thời phát triển. Bên cạnh nghề chèo đò, người dân làng Trịnh còn khéo léo, nhạy bén trong trồng trọt và làm nghề thủ công truyền thống như kéo mật, làm bánh, đóng cối xay, làm tương, dệt vải; rồi cả buôn bán gỗ luồng, hàng tạp hóa, sành sứ... Dễ hiểu vì sao, người Kẻ Trịnh từ xa xưa đã có đời sống vật chất ấm no, đủ đầy.

Về thăm Kẻ TrịnhBức tranh nông thôn ở làng Trịnh mỗi ngày đẹp hơn.

Cùng với việc nỗ lực mưu sinh, xây dựng cuộc sống, trải qua thời gian hàng trăm năm, người làng Trịnh cũng vun đắp cho mình những giá trị văn hóa tâm linh thiêng liêng và phong phú. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, nơi đây khi xưa có cây đa, giếng nước, sân đình, có tiếng hò khoan bên dòng sông Chu, sông Mã; có những ngày hội làng đông vui, náo nức, tục thờ Thành hoàng làng, thờ Thánh Mẫu; tục kết chạ; có ca dao, tục ngữ, có văn chỉ, võ chỉ... các thiết chế xã hội, làng xã, xóm ngõ... tạo nên thuần phong mỹ tục, dáng nét riêng của một làng quê thuần Việt.

Đáng tiếc, vì nhiều nguyên do, ngày nay nhiều công trình kiến trúc văn hóa trên đất làng Trịnh chỉ còn đọng lại trong ký ức những bậc cao niên. May mắn trong đó, chùa Thái Bình đã được Nhân dân địa phương và Phật tử xa gần cùng nhau công đức, tôn tạo khang trang, là địa điểm chiêm bái của du khách xa gần khi về với Kẻ Trịnh.

Một điều đặc biệt ở làng Trịnh là đường làng được thiết kế theo kiểu “bàn cờ” thẳng tắp, sạch sẽ. Điều này thực sự khác biệt với đường làng quanh co, nhỏ hẹp vẫn thường thấy ở nhiều làng quê khác. Ông Phạm Văn Bình - một người dân địa phương cho biết: Đường trong làng Trịnh thiết kế theo kiểu bàn cờ, thông mọi phía đã được các thế hệ cha ông xưa tạo nên. Trước đây là đường đất, rồi NTM với đường bê tông, đường nhựa... khiến cho những con đường làng càng thêm đẹp hơn.

NTM đã khiến cho bức tranh nông thôn ở làng Trịnh xưa vốn đã đẹp, nay lại càng thêm rực rỡ, đời sống người dân từng bước thay đổi. Cụ bà Đỗ Thị Dinh (85 tuổi, thôn Nam Bằng 2) xã Thiệu Hợp phấn khởi: Tôi rất vui khi thấy quê hương mình đang từng ngày thay đổi, nhà cửa khang trang, đường làng sạch sẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp, cho biết thêm: “Xã Thiệu Hợp bao gồm nhiều làng, trong đó có làng Trịnh là một trong những làng có lịch sử phát triển sớm nhất ở địa phương. Từ xưa, đất và người làng Trịnh đã nổi tiếng về sự chịu thương, chịu khó, vươn lên trong cuộc sống, làm giàu cho quê hương. Tiếp nối truyền thống đó, những năm qua, người dân làng Trịnh luôn nhiệt tình tham gia đóng góp XDNTM. Hiện nay, thôn Nam Bằng 2 (thuộc làng Trịnh xưa) cũng là thôn kiểu mẫu đầu tiên của xã Thiệu Hợp”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]