(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ bao đời nay, những ngôi nhà sàn truyền thống luôn được đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn xã Yên Nhân (Thường Xuân) gìn giữ và phát huy. Với họ, nhà sàn chính là tài sản vô giá cả về vật chất lẫn tinh thần, là nơi đoàn tụ của nhiều thế hệ và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày.

Về “xứ sở” của những chiếc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái

Từ bao đời nay, những ngôi nhà sàn truyền thống luôn được đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn xã Yên Nhân (Thường Xuân) gìn giữ và phát huy. Với họ, nhà sàn chính là tài sản vô giá cả về vật chất lẫn tinh thần, là nơi đoàn tụ của nhiều thế hệ và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày.

Về “xứ sở” của những chiếc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái

Những ngôi nhà sàn của người Thái ở xã Yên Nhân (Thường Xuân) lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra cánh đồng, đẹp tựa bức tranh sơn thủy hữu tình

Có mặt tại xã Yên Nhân khi chiều đã muộn, những ngôi nhà sàn đẹp tựa bức tranh sơn thủy dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Men theo những con đường quanh co, uốn lượn, hai bên là những hàng cây xanh mướt, chúng tôi đến thôn Khong - nơi còn lưu giữ nhiều nhà sàn nhất của xã Yên Nhân.

Gặp chúng tôi, ông Vi Hồng Thanh, Trưởng thôn Khong, cho biết: Thôn hiện có hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó người Thái đen chiếm đa số. Từ bao đời nay người Thái ở đây vẫn cùng nhau chung sống dưới nếp nhà sàn, bởi vậy hiện có khoảng 211 ngôi nhà sàn được người dân lưu giữ.

Với trí tưởng tượng bay bổng, tư duy phóng khoáng, người Thái thiết kế mái nhà rất độc đáo, gồm 2 mái phẳng hình chữ nhật, 2 mái cong hình cánh quạt che 2 phía đầu hồi. Trên cửa, song cửa, cửa sổ được trang trí bằng nhiều họa tiết tinh xảo, nhiều nhà còn làm lan can xung quanh sàn, trước cửa nhà bằng những thanh tre, gỗ hình quả trám hoặc đường song song, tạo cho ngôi nhà có dáng vẻ vừa trang nhã, chắc chắn vừa phù hợp với tâm linh.

Về “xứ sở” của những chiếc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái

Để có những ngôi nhà sàn vừa ý, người Thái phải chọn những loại gỗ tốt làm khung nhà, mái lợp tranh. Nhà sàn thường cao hơn mặt đất chừng 2 mét, mặt sàn được lát bằng những cây tre, vầu hoặc gỗ. Cầu thang thường có 9 bậc, chia làm 2 nấc (nấc trên 6 bậc, nấc dưới 3 bậc).

Điều đặc biệt, trong nếp nhà sàn truyền thống là mặc dù được cấu trúc từ các loại cây gỗ lợp bằng cỏ tranh, nhưng không hề dùng đến một mẩu sắt nhỏ nào trong thiết kế xây dựng. Tất cả các hệ thống dây chằng buộc, thắt khá công phu và tinh xảo bằng lạt tre, giàn mây hoặc vỏ những cây chuyên dùng trong rừng.

Dựng một ngôi nhà sàn hầu hết các khâu đều được làm thủ công, từ công đoạn dựng khung nhà, xẻ gỗ, đến đục đẽo bàn, ghế…

Việc dựng nhà đòi hỏi phải có nhiều công đoạn, nhiều sức lực, nên bà con trong thôn thường giúp đỡ nhau. Anh em họ hàng thân thiết thì người giúp gỗ, người giúp lạt, hàng xóm thì giúp công, giúp sức. Bởi vậy mà ngôi nhà sàn được dựng lên không chỉ có ý nghĩa là nơi ở, nơi sinh hoạt của gia đình mà nó còn là biểu tượng của sự đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Cách làm nhà truyền thống được tích luỹ nhiều đời đã trở thành đặc trưng trong cộng đồng nơi đây.

Về “xứ sở” của những chiếc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái

Qua bao thế hệ người Thái ở đây cùng nhau chung sống dưới mái nhà sàn là bấy nhiêu thời gian họ cùng nhau vun đắp và bảo tồn nét đẹp bản sắc dân tộc mình

Ngoài thôn Khong, thì thôn Mỵ cũng là thôn còn lưu giữ nhiều nhà sàn nhất của xã Yên Nhân. Trao đổi với ông Lò Văn Tý, Trưởng thôn Mỵ được biết: Thôn hiện có 299 hộ thì có đến 98% gia đình sống trong những ngôi nhà sàn mộc mạc và đậm chất truyền thống. Những năm qua, việc giữ gìn văn hóa nhà sàn luôn luôn trong ý thức của từng hộ dân.

“Người dân trong thôn chúng tôi luôn quan niệm nhà sàn là nơi sinh hoạt gia đình thiêng liêng, là biểu trưng của sự hội tụ, tinh thần đoàn kết của một tộc người. Nhà sàn cũng được xem như một bảo tàng nghệ thuật sống, tái hiện bức tranh văn hóa Thái sống động, qua bao thế hệ người Thái ở đây cùng nhau chung sống dưới mái nhà sàn là bấy nhiêu thời gian họ cùng nhau vun đắp và bảo tồn được nét đẹp bản sắc dân tộc mình”, ông Tý cho biết.

Đưa chúng tôi đến thăm hộ anh Vi Thanh Luyện - gia đình có nhiều thế hệ chung sống dưới mái nhà sàn, ông Tý tỷ mẫn giới thiệu từ chiếc cầu thang lên khu bếp, nhà chính, khu thờ cúng...

Ông bảo, nhà ở bây giờ cũng có một chút khác so với nhà Thái trước đây. Sự thay đổi cũng là tốt và phù hợp với điều kiện hiện tại. Chẳng hạn trước đây lợp tranh mỗi năm phải thay mái một lần, mất công và tốn kém. Nhưng từ khi lợp ngói thì mấy chục năm rồi vẫn mái ấy, thỉnh thoảng có viên ngói vỡ mới phải thay viên khác, không mất thời gian cắt cỏ đánh gianh, lợp mái nhà…

Về “xứ sở” của những chiếc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái

Trong khi nhà sàn đang bị phá bỏ ở nhiều địa phương, thì Yên Nhân vẫn còn tới 805 nhà sàn truyền thống.

Qua tìm hiểu được biết trên địa bàn xã Yên Nhân còn khoảng 805 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Những năm qua, với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa nhà sàn trong đời sống, xã Yên Nhân đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nhà sàn theo kiểu dáng truyền thống.

Đồng thời, để thu hút khách du lịch đến với địa phương, chính quyền xã cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ để quảng bá hình ảnh nét đẹp địa phương với du khách…

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]