(vhds.baothanhhoa.vn) - Là 1 trong 3 thôn, bản đặc biệt khó khăn của xã Điền Quang (Bá Thước), song những năm gần đây thôn Đồi Muốn đã và đang có nhiều đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng nâng cao.

Đồi Muốn hôm nay

Là 1 trong 3 thôn, bản đặc biệt khó khăn của xã Điền Quang (Bá Thước), song những năm gần đây thôn Đồi Muốn đã và đang có nhiều đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng nâng cao.

Đồi Muốn hôm nayNhờ chăm chỉ làm ăn, sau nhiều năm tích cóp, gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ở thôn Đồi Muốn đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, kiên cố...

Sức sống mới trên vùng đất khó

Trở lại Đồi Muốn sau gần 8 năm, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng nhận thấy sự đổi thay ở một thôn đặc biệt khó khăn của xã Điền Quang. Con đường đất bụi mù mịt mỗi khi trời nắng, nhầy nhụa, sình lầy khi mùa mưa đến nối từ trung tâm xã lên tận thôn ngày nào giờ được đầu tư cứng hóa, ô tô có thể vào ra dễ dàng. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà xây dựng khang trang nổi bật giữa bạt ngàn rừng keo. Người dân cần cù, hăng say trong lao động, sản xuất...

Trưởng thôn Bùi Văn Hợi cho biết: Bà con sinh sống ở thôn Đồi Muốn chủ yếu là đồng bào Mường. Từ ngày có điện, đường giao thông thông suốt, người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để từng bước nâng cao thu nhập. Đây là những tiền đề giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đồi Muốn hôm nayMô hình nuôi cá dốc đang đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân trong thôn.

Những nương ngô, sắn giờ được thay thế bằng cây keo với hơn 10 ha phủ kín cả núi rừng. Không chỉ dừng lại ở đó, bà con còn tận dụng diện tích mặt nước ao, hồ để nuôi cá dốc nhằm cải thiện thu nhập. Mô hình nuôi cá dốc được người dân mở rộng, phát triển, bởi ưu điểm của loài cá này là sức đề kháng, chống chọi với bệnh tốt; lại thêm chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, có thể nuôi với mật độ cao và đầu ra tương đối ổn định. Hiện ở Đồi Muốn có khoảng hơn 15 hộ nuôi loài cá này, trung bình mỗi gia đình có từ 1 – 2 ao nuôi.

Triển khai đã 7 năm nay, anh Bùi Văn Tuấn, thôn Đồi Muốn hiện có một ao nuôi cá với diện tích gần 1.000m2. Khi chưa nuôi cá, gia đình anh rất khó khăn. Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi cá, trồng thêm keo, lúa, chăn nuôi gia cầm... cuộc sống nay ổn định hơn. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình có thu nhập gần 130 triệu đồng. Theo anh Tuấn, cá dốc mỗi lần người dân thu hoạch được thương lái trong huyện đến thu mua bán cho các nhà hàng, khu du lịch Pù Luông...

Còn đó những trăn trở

Dù đời sống bà con có khởi sắc, nhưng điểm xuất phát thấp, nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, sản xuất manh mún, hiệu quả chưa cao nên lương thực, thực phẩm cũng chỉ đủ cho các gia đình tự cung, tự cấp. Vì thế thôn có 18/60 hộ là hộ nghèo. Là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn, ông Bùi Văn Đàn (71 tuổi, dân tộc Mường) cho biết: "Gia đình tôi chăm chỉ lao động, chỉ mong có một ngôi nhà mới kiên cố hơn để mưa gió không bị dột ướt, mùa đông không bị lạnh. Đến nay, đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, thế nhưng vợ chồng tôi vẫn phải ở trong căn nhà cũ kỹ, xuống cấp".

.Đồi Muốn hôm nay.. Tuy vậy, ở thôn Đồi Muốn, vẫn còn những hộ gia đình vì điều kiện kinh tế khó khăn phải ở trong những căn nhà chật chội, xuống cấp.

Ông Trương Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Quang cho biết: Những năm qua, tranh thủ nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác, xã đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân, trong đó có thôn Đồi Muốn. Nhờ vậy, bà con đã tiếp cận được kiến thức, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, thoát nghèo. Tuy nhiên, ở Đồi Muốn để giảm nghèo một cách bền vững thì cần phải có những giải pháp căn cơ, thiết thực hơn. Trước mắt, địa phương sẽ tập trung phát triển cây keo, chăn nuôi, tăng cường phối hợp cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho bà con trong thôn, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi cá dốc, chăn nuôi trâu, bò. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con trong thôn sớm di dời một số chuồng, trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, đảm bảo môi trường...

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]