(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái đang là hướng đi mới tại huyện vùng cao Bá Thước. Tuy nhiên để thực hiện được điều này là điều không dễ.

Bá Thước: Xây dựng và đưa sản phẩm OCOP đến với khách du lịch

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái đang là hướng đi mới tại huyện vùng cao Bá Thước. Tuy nhiên để thực hiện được điều này là điều không dễ.

Bá Thước: Xây dựng và đưa sản phẩm OCOP đến với khách du lịch

Được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan sông, núi cùng hệ sinh thái phong phú từ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cộng thêm những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán còn được giữ gìn, phát huy trong đời sống cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn là lợi thế để Bá Thước đẩy mạnh đầu tư phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.

Ở Bá Thước đã có nhiều điểm du lịch đã được công nhận điểm du lịch cấp tỉnh, điển hình là bản Hiêu, bản Kho Mường, bản Đôn… Đây đều là những điểm du lịch có lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan trong lành, hoang sơ, thơ mộng.

Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, huyện Bá Thước đã tích cực tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi người dân, nhà đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ lưu trú đáp ứng yêu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó chú trọng đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đến gần hơn với khách du lịch thông qua các trạm trung chuyển, các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các bản làng. Hướng đi này vừa nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương vừa góp phần bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào.

Bá Thước: Xây dựng và đưa sản phẩm OCOP đến với khách du lịch

Nhiều điểm du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước còn thiếu vắng gian hàng trưng bày, báy bán các sản phẩm OCOP.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến nay huyện Bá Thước đã có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là mật ong rừng Pù Luông xã Điền Lư và lạp sườn họ Hoàng thị trấn Cành Nàng. Dự kiến thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng của địa phương như trà quýt hoi Pù Luông, khâu nhục họ Hoàng, đũa tre Rầm Tám, thổ cẩm, vịt Cổ Lũng…

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bá Thước Trương Văn Vinh cho biết, muốn phát triển du lịch bền vững, du lịch cần có sản phẩm đặc trưng được du khách chấp nhận. Thực tế các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện chưa nhiều, chứ chưa nói đến chất lượng, bởi để các sản phẩm này trở thành món quà lưu niệm, được du khách yêu thích quả thực rất khó.

Đến nay huyện Bá Thước chưa có điểm du lịch cộng đồng nào trưng bày, bán sản phẩm OCOP, có chăng cũng chỉ là một số sản vật địa phương, chủ yếu là các mặt hàng dệt thổ cẩm hay những món ăn dân dã của núi rừng…

Bá Thước: Xây dựng và đưa sản phẩm OCOP đến với khách du lịch

Một số sản phẩm đậm chất địa phương như quýt hoi, hạt mắc khẽn, măng rừng... được bày bán tại một số hộ dân làm homestay xã Thành Sơn.

Điển hình, tại bản Kho Mường, mặc dù rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, cách thức phục vụ, thiếu sản phẩm đặc trưng nên chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.

Theo ông Vinh, tới đây huyện xây dựng một số cửa hàng bày bán sản phẩm OCOP của địa phương tại các điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Thành Sơn, Thành Lâm. Từ đó, mở rộng quy mô các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch cộng đồng khác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng cho biết, do ảnh hưởng của dịch, từ đầu năm đến nay lượng khách du lịch của huyện chỉ đạt 21.000 lượt, doanh thu 29,8 tỷ đồng. Nhằm phát huy lợi thế về du lịch, thời gian tới huyện sẽ tập trung triển khai có hiệu quả chương trình OCOP gắn phát triển du lịch. Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức, tích cực quảng bá các sản phẩm đặc biệt sản phẩm được xếp hạng đạt chuẩn OCOP gắn với các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Kêu gọi, khuyến khích bà con đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng, nhưng vẫn giữ được đặc trưng riêng hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần làm phong phú, đa dạng các sản vật địa phương phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]