(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Mã tại xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân do tình trạng khai thác cát trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích cây trồng của người dân, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang cận kề.

Canh cánh nỗi lo sạt lở bờ sông

Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Mã tại xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân do tình trạng khai thác cát trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích cây trồng của người dân, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang cận kề.

Canh cánh nỗi lo sạt lở bờ sông

Tổ công tác của xã luôn túc trực tại khu vực sạt lở 24/24h.

Bất an vì mất đất canh tác

Theo phản ánh của người dân các thôn Giang Đông, Nghĩa Kỳ (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc), tình trạng sạt lở đất nông nghiệp ở bờ tả sông Mã diễn ra hết sức phức tạp. Tính từ thời điểm tháng 6/2023 đến nay, tốc độ sạt lở diễn ra nhanh, nhiều diện tích bãi bồi bị thu hẹp đáng kể. Nguyên nhân chính là do tình trạng hút cát trái phép.

Ông Trần Văn Côi (thôn Nghĩa Kỳ), cho biết: "Gia đình chúng tôi nhiều thế hệ sinh sống, canh tác ổn định trên đất này. Nhưng nay từng ngày, từng giờ đất đai sạt lở nghiêm trọng khiến chúng tôi bất an". Ngoài lúa, gia đình ông còn trồng thêm một số loại cây trồng như: ngô, mía... trên diện tích đất bãi bồi. Đây là nguồn sinh kế chủ yếu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do tình trạng hút cát trái phép hoạt động ngày đêm khiến đất đai liên tục bị sạt lở, nhiều đoạn tạo thành hàm ếch, từng khối đất bồi pha cát đổ sụp xuống lòng sông, kéo theo nhiều loại cây trồng, hoa màu khác cũng biến mất. Chỉ trong thời gian ngắn, gia đình ông đã mất hơn 2.300m2 đất canh tác.

Ông Nguyễn Văn Cường, trưởng thôn Nghĩa Kỳ, cho biết: Thôn hiện có 300 hộ với trên 1.000 nhân khẩu, ngoài một số hộ kinh doanh dịch vụ, buôn bán, số còn lại lấy nông nghiệp làm chủ đạo trong phát triển kinh tế. Mùa mưa bão đang đến gần, đứng trước nguy cơ toàn bộ diện tích hoa màu bị cuốn trôi, người dân trong thôn đã nhiều lần làm đơn, kiến nghị lên chính quyền các cấp. Sau khi vào cuộc, kiểm tra, UBND huyện Vĩnh Lộc có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc đề nghị tạm dừng hoạt động mỏ cát số 18 của Công ty TNHH Minh Chung để đánh giá, điều chỉnh ranh giới khai thác, đồng thời triển khai nhiều giải pháp, xây dựng phương án nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình sản xuất cũng như hạn chế tối đa thiệt hại về hoa màu do sạt lở đất gây ra.

Canh cánh nỗi lo sạt lở bờ sông

Các biển cảnh báo, cấm khai thác đất, cát, cung cấp số điện thoại đường dây nóng... được chính quyền xã Vĩnh Hòa thực hiện nghiêm túc.

Qua tìm hiểu, từ năm 2014 đến nay, khi mỏ cát số 18 đi vào hoạt động, tổng diện tích cây cối, hoa màu và đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do sạt lở bờ sông Mã tại các thôn Giang Đông, Nghĩa Kỳ là 12.426m2. Dự báo khi mưa lớn, mực nước sông dâng cao, tình trạng sạt lở sẽ còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân trong khu vực...

Xây kè chống sạt

Trước tình trạng sạt lở đất bờ sông Mã, ngành chức năng cũng như đơn vị liên quan đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường công tác kiểm tra, lắp đặt hệ thống camera giám sát, cắm biển khai thác dọc bờ sông. Tại khu vực chưa được cấp phép, thành lập các tổ công tác chống “cát tặc”, tăng cường tuyên truyền đến người dân hạn chế hoạt động, sản xuất tại địa điểm xảy ra sạt lở, đặc biệt là trong mùa mưa bão...

Canh cánh nỗi lo sạt lở bờ sông

Thời điểm hiện tại, dự án xử lý sạt lở bờ sông Mã tại thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc đạt tiến độ 30% khối lượng công trình.

Ông Trịnh Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: Xã hiện có khoảng 63ha đất bãi bồi ven sông, số diện tích trên được giao khoán cho 2 thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông canh tác. Do ảnh hưởng của tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thời gian qua, nhiều diện tích cây cối, hoa màu bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Trước thực trạng đó, từ tháng 2 đến nay, địa phương đã phối hợp với lực lượng công an xã lập tổ canh tác (gồm 3 thành viên) túc trực 24/24h, tiến hành cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở. Đồng thời, cung cấp đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh hành vi vi phạm trong hoạt động, khai thác cát, sỏi. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân biết, chủ động phòng tránh. Mùa mưa bão đang đến gần, tùy theo diễn biến thời tiết, địa phương sẽ chủ động phương án đối phó. Mục tiêu đảm bảo an toàn tối đa cho người dân, hạn chế thiệt hại về cây cối, hoa màu...

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vĩnh Lộc, ngày 7/10/2024, UBND huyện Vĩnh Lộc quyết định phê duyệt dự án xử lý sạt lở bờ sông Mã tại thôn Giang Đông và thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa với tổng mức đầu tư trên 82 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 62,4 tỷ đồng). Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2026. Đến nay, tiến độ dự án ước đạt 30% khối lượng công trình. Dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trực tiếp cho người dân các thôn kể trên, cũng như bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế sạt lở bờ tả sông Mã, hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai chung cho toàn huyện.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]