(vhds.baothanhhoa.vn) - Bỏ rác đúng nơi quy định, trồng và chăm sóc cây xanh..., từ những việc làm, hành động nhỏ này đã giúp học sinh nâng cao ý thức, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp...

Bảo vệ môi trường trong trường học và câu chuyện ý thức

Bỏ rác đúng nơi quy định, trồng và chăm sóc cây xanh..., từ những việc làm, hành động nhỏ này đã giúp học sinh nâng cao ý thức, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp...

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Sáng nào đến trường, An Diệp, một học sinh lớp 4 ở Trường Tiểu học Đông Vệ 2 (TP Thanh Hóa) cũng mang theo một hộp sữa. Hộp sữa này để em sử dụng trong giờ ra chơi hoặc uống khi chờ mẹ đến đón sau giờ tan học. Sau khi dùng xong, em bỏ vỏ sữa vào thùng rác. Không chỉ An Diệp, nhiều bạn của em cũng có hành động vứt rác đúng nơi quy định. An Diệp kể: “Trong lớp, bạn nào cũng thực hiện nghiêm túc nội quy, không vứt rác bừa bãi. Đi vệ sinh phải biết dội nước, rửa tay bằng xà phòng... Vì các bạn chấp hành tốt nên chưa có ai bị nhắc nhở, phê bình”.

Bảo vệ môi trường trong trường học và câu chuyện ý thứcCô và trò lớp 4A2 Trường Tiểu học Đông Vệ 2 vệ sinh sân trường theo lịch trực.

Ở cấp tiểu học, do học sinh còn nhỏ nên nhiều trường học thuê người làm vệ sinh lớp học. Tuy nhiên, không vì thế mà học sinh quên ý thức bảo vệ môi trường ở ngay trong chính lớp học của mình. Hình thành thói quen tốt từ những việc làm, hành động nhỏ để nâng cao ý thức nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm.

Ở cấp THCS, đối với học sinh, vấn đề bảo vệ môi trường trong trường học được nâng lên một bước về cách thức. Theo đó, các em sẽ hoàn toàn tự lập khi làm vệ sinh trường, lớp... Chị Mai Hương, phụ huynh có con học lớp 6 ở Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) kể lại câu chuyện về sự “trưởng thành” của con. “Thời gian đầu khi con lên lớp 6, tôi đã có những ngạc nhiên”. Chị Hương nói. “Hôm nào đến phiên lớp hoặc tổ con làm trực nhật, con đến trường sớm hơn. Tinh thần đấy tạo cho con sự tự tin, chăm chỉ hơn và rèn cho con thêm nhiều kỹ năng. Ngay như ở nhà, trước khi đi đổ rác, con bao giờ cũng kiểm tra một lần nữa xem túi rác đấy đã phân loại kỹ chưa, nếu còn lẫn rác không phân hủy được con sẽ nhặt ra...”.

Mỗi hành động, việc làm, dù nhỏ, đó cũng như một trải nghiệm để học sinh có thêm những hiểu biết, từ đó làm cho môi trường trường học nói riêng thêm xanh - sạch - đẹp.

Lò đốt rác mini trong trường học

Không chỉ có thùng rác, ở Trường THCS Ngọc Phụng (Thường Xuân) có cả lò đốt rác. Năm 2016, lò đốt rác được xây dựng với diện tích 20m2. Thời điểm này, vì chưa có công ty thu gom rác, trong khi đó, việc chôn lấp và đốt rác ngoài trời lại gây khói bụi, ô nhiễm nên nhà trường đã hình thành ý tưởng xây dựng lò đốt. Từ đó đến nay, lò đốt rất phát huy hiệu quả.

Ở Trường THCS Ngọc Phụng có 13 lớp. Mỗi lớp có một khu vực tự quản và chia thành 4 tổ. Mỗi tổ có nhiệm vụ riêng, trong đó tổ 1 dọn vệ sinh lớp học; tổ 2 và 3 dọn vệ sinh tại sân trường và tổ 4 chăm sóc bồn hoa, cây cảnh. Sau mỗi tuần, lại luân phiên nhiệm vụ giữa các tổ.

Bảo vệ môi trường trong trường học và câu chuyện ý thứcLò đốt rác của Trường THCS Ngọc Phụng.

Để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, nhà trường bố trí 5 thùng rác trong sân trường để học sinh bỏ rác thải, mỗi lớp học được trang bị từ 1 đến 2 xô đựng rác. Sau mỗi buổi học đều phân loại rác thải tại vị trí tập kết. Đối với rác thải nhựa và rác thải khó phân hủy tách riêng và có biện pháp xử lý hợp vệ sinh không gây ô nhiễm môi trường. Giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, thầy giáo Hoàng Văn Tuấn cho biết: “Tôi là giáo viên nhưng đồng thời cũng là người phụ trách công tác vệ sinh lao động của nhà trường nên cuối buổi tôi trực tiếp thu gom và đốt. Ý thức phân loại rác của mỗi lớp rất tốt nên quá trình đốt cũng không gặp nhiều khó khăn. Đối với rác tái chế, nhà trường sẽ sử dụng cho phong trào kế hoạch nhỏ”.

Ở Trường THCS Ngọc Phụng, bình quân 1 ngày có khoảng 20 kg rác, chủ yếu là giấy và lá cây. Lò đốt rác ra đời, đã giúp nhà trường trong vấn đề xử lý rác thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong trường học. Theo cô giáo Nguyễn Thị Duyên Hải kiêm Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngọc Phụng, thì: “Học sinh tích cực và hăng hái tham gia các phong trào bảo vệ môi trường mà nhà trường cũng như địa phương phát động. Liên đội thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa tham quan môi trường xanh tại địa phương, tổ chức các cuộc thi như vẽ tranh bảo vệ môi trường, thi thiết kế thời trang bằng các phế liệu... Riêng lò đốt rác, luôn được các em xem như một người bạn thân...”.

Trường, lớp xanh - sạch - đẹp sẽ mang đến một bầu không khí trong lành, góp phần tích cực cho phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Biết bảo vệ môi trường ở đó không chỉ là ý thức, trách nhiệm mà còn thể hiện sự yêu thích lao động đồng thời cũng là kỹ năng cần thiết đối với học sinh.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]