(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, những người thương binh trở về với nhiều bệnh tật, đớn đau về thể xác. Điều mà họ được bù đắp lớn nhất là có “hậu phương” vững chãi với tình yêu và đức hy sinh cao cả của những người thân. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là những người vợ chịu thương, chịu khó, luôn luôn bên cạnh, đồng hành cùng chồng vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Bên anh là “hậu phương” vững chắc

Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, những người thương binh trở về với nhiều bệnh tật, đớn đau về thể xác. Điều mà họ được bù đắp lớn nhất là có “hậu phương” vững chãi với tình yêu và đức hy sinh cao cả của những người thân. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là những người vợ chịu thương, chịu khó, luôn luôn bên cạnh, đồng hành cùng chồng vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Bên anh là “hậu phương” vững chắcAnh Hải, chị Khư nhìn ngắm những kỷ vật xưa.

“Đôi nạng” của chồng

Đến thăm gia đình thương binh Nguyễn Chí Chiến (sinh năm 1959), thôn Châu Tử (Triệu Lộc, Hậu Lộc), ngay từ khi bước chân vào ngõ, chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm thuốc bắc. Vừa chào chúng tôi, chị Thủy, vợ anh vừa ân cần dìu anh đến bàn uống thuốc. Cầm uống bát nước thuốc, anh Chiến nhìn vợ trìu mến, cái nhìn chứa đựng sự trân trọng và biết ơn. Từ ngày có chị, những bước chân tập tễnh của anh đã tìm được chỗ dựa vững chắc. Trở về từ chiến trường với đôi chân không còn nguyên vẹn cùng nỗi đau về thể xác do hậu quả chiến tranh mang lại, anh Chiến không nghĩ đến việc đi thêm bước nữa.

Lúc đó chị Thủy đã qua “một lần đò” nhưng có nhan sắc mặn mà, tính tình hiền hậu nên vẫn nhiều chàng trai theo đuổi. Biết rằng đến với anh, chị sẽ vất vả cả đời khi vừa chăm lo cho bố con anh vừa chăm sóc bố mẹ già yếu. "Nhìn thấy anh, chị thương quá”, từ đó chị Thủy làm “đôi nạng” cho anh đến tận bây giờ.

Thương chồng mang nhiều bệnh tật, ốm đau triền miên nên mọi lo toan về kinh tế chị Thủy gánh vác phần lớn. Hàng ngày, chị đi thu mua sắt vụn, đạp xe cả chục cây số, nhiều hôm đau nhức toàn thân, nhưng chị không buồn mà chỉ lo vì nếu không mua được hàng, bữa cơm gia đình sẽ đạm bạc nhiều hơn.

Vất vả mưu sinh cả ngày, nhưng hôm nào trái gió trở trời, bệnh anh Chiến phát nặng, chị cùng anh thức trọn đêm dài. Điều đó không thể làm nỗi đau vơi bớt nhưng giúp anh không còn cô đơn, mà cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm. Từ những sự sẻ chia nhỏ mà tình cảm vợ chồng càng thêm gắn bó, yêu thương và truyền động lực cho nhau để vượt qua khó khăn.

Nói về vợ mình, anh Chiến không giấu được niềm tự hào: “Từng ấy năm chung sống, cuộc sống dẫu khó khăn, có thời gian phải “ăn cơm trộn sắn”, nhưng nhà tôi chưa một lần nề hà hay phàn nàn. Từ chăm lo kinh tế gia đình đến sửa sang nhà cửa, lo con cái học hành tử tế đều một tay vợ tôi chu toàn. Bà ấy thường nói với tôi rằng “mình vẫn còn may mắn hơn so với những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường” điều đó an ủi và động viên tôi rất nhiều”.

Hiện tại, cuộc sống của hai vợ chồng đã phần nào an yên khi gia đình phát triển gia trại với 40 con thỏ, 100 đôi chim câu, cho thu nhập ổn định. Di chứng của chiến tranh vẫn hành hạ ông Chiến qua từng cơn đau vật vã nhưng bà Thủy vẫn lặng thầm bên cạnh như “hậu phương” vững chắc để ông nương tựa đến hết đời.

“Những hy sinh của anh ấy có cả dành cho tôi”

Cùng là vợ lính, cùng chung hoàn cảnh khó khăn khi bất đắc dĩ phải trở thành trụ cột của gia đình, nhưng sự hy sinh, tần tảo của chị Nguyễn Thị Khư, vợ thương binh Đỗ Văn Hải (262 Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) là câu chuyện cảm động hiếm có.

Trở về từ chiến trường với thương tật 81%, cùng mảnh đạn còn sót lại trong đầu, chàng thanh niên Đỗ Văn Hải không thể trở lại cuộc sống như trước đây. Những lần phát bệnh anh Hải không nhận biết được người thân, đi lang thang khắp nơi, đập phá đồ đạc trong nhà nhưng chị Khư vẫn lẳng lặng đi phía sau, chờ chồng hết bệnh để dẫn anh về nhà. Những cuộc tự tìm kiếm diễn ra bất kể ngày đêm, giờ giấc, đó có thể vào lúc 12 giờ đêm, là những ngày mưa gió bão bùng hay nắng hè oi ả, chỉ cần không nhìn thấy chồng đâu là chị Khư lại bỏ hết mọi thứ, tất tưởi đi tìm. Những năm đó, thời gian anh ở viện nhiều hơn ở nhà, chị một mình vừa chăm chồng vừa gắng lo toan, căng sức đi làm thuê khắp nơi để có kinh phí thuốc men, bồi dưỡng sức khỏe cho anh. Dù căn nhà đơn sơ thường xuyên bị mưa dột, nắng chiếu thì chỗ ngủ của anh vẫn luôn sạch sẽ, tươm tất.

Bên anh là “hậu phương” vững chắcChị Thủy luôn là “đôi nạng” vững chắc của chồng trong cuộc sống.

Những khó khăn, vất vả của cuộc sống cùng áp lực mưu cầu có con dài đằng đẵng 20 năm không khiến chị Khư gục ngã, bởi “mỗi lần nhìn những vết thương trên người anh, những cơn đau hành hạ anh ngày đêm, biết rằng những hy sinh của anh cho đất nước trong đó có cả tôi. Vì vậy, tôi luôn coi đó là một phần trách nhiệm, nhưng hơn hết là nghĩa vợ chồng”, chị Khư tâm sự. Lý tưởng của bản thân giúp chị Khư kiên định vượt qua khó khăn, không bao giờ có ý định từ bỏ và luôn dành tình yêu, sự quan tâm nhất mực dành cho anh trong suốt 50 năm qua.

Khó khăn, chông gai có thừa nhưng chị Khư luôn biết tạo niềm vui, sự lạc quan, bởi thế, những câu chuyện chị kể không vương màu sắc u buồn, ảm đạm, thậm chí còn hóm hỉnh, vui tươi. “Thời gian đó, ông ấy thường chơi trốn tìm, thỉnh thoảng lại đi trốn bắt tôi tìm muốn mờ con mắt. Không chơi trốn tìm thì ông lại thích tập thể thao bằng nhạc (tiếng vỡ đồ đạc)”. Nghị lực, sự dũng cảm của chị Khư được cộng đồng xã hội ghi nhận và đền đáp. Hiện tại, gia đình chị đã có được ngôi nhà mơ ước. “Giờ tôi chỉ cần lo cho sức khỏe anh Hải dần ổn định, hai vợ chồng vui vẻ bên con cháu mỗi ngày”.

Chị Thủy, chị Khư là hai trong rất nhiều “hậu phương” vững chắc của những người lính. Họ thấu hiểu, yêu thương và tôn trọng chồng mình, những người đã dành cả tuổi trẻ và sức khỏe cho quê hương đất nước. Biết rằng, cuộc sống của những gia đình thương bệnh binh, gia đình chính sách còn nhiều gian nan, vất vả song với đôi bàn tay tần tảo, tấm lòng yêu thương của người phụ nữ, những nỗi đau của người lính đã được xoa dịu đi rất nhiều. Các chị, các mẹ mãi là tấm gương sáng về phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.

Bài và ảnh: V.A



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]