(vhds.baothanhhoa.vn) - Khu dân cư nơi tôi ở có cụ bà hơn 80 tuổi sống một mình. Cụ thường đi quanh khu dân cư nhặt thùng các tông, vỏ lon bia các nhà bỏ đi. Điều mà nhiều người thắc mắc là cụ nhặt về nhưng không bán. Hỏi mới biết những phế liệu đó cụ để dành cho chị đi gom đồng nát. Cụ nói rằng, mình có tiền trợ cấp người già của Nhà nước, con cháu thi thoảng về thăm biếu chút quà. Còn chị gom đồng nát có ngày chỉ thu nhập vài ba chục nghìn đồng, nên giúp được gì bằng khả năng của mình thì cụ sẵn sàng. Từ đó người trong khu dân cư không còn tò mò về việc làm của cụ nữa.

Chỉ cần trong tâm luôn có người nghèo?

Khu dân cư nơi tôi ở có cụ bà hơn 80 tuổi sống một mình. Cụ thường đi quanh khu dân cư nhặt thùng các tông, vỏ lon bia các nhà bỏ đi. Điều mà nhiều người thắc mắc là cụ nhặt về nhưng không bán. Hỏi mới biết những phế liệu đó cụ để dành cho chị đi gom đồng nát. Cụ nói rằng, mình có tiền trợ cấp người già của Nhà nước, con cháu thi thoảng về thăm biếu chút quà. Còn chị gom đồng nát có ngày chỉ thu nhập vài ba chục nghìn đồng, nên giúp được gì bằng khả năng của mình thì cụ sẵn sàng. Từ đó người trong khu dân cư không còn tò mò về việc làm của cụ nữa.

Chỉ cần trong tâm luôn có người nghèo?

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Có lần tôi hỏi cụ làm như thế xuất phát từ điều gì? Cụ kể ngày còn trẻ cụ cũng cơ cực lắm, chồng mất sớm, mình cụ nuôi đàn con nhỏ dại, được người làng giúp đỡ bữa cháo, bữa rau nên cụ mới qua được. Không có việc tương ái của người làng thì có lẽ cụ và các con của cụ đã không tồn tại được đến bây giờ. Nay cụ thấy nhiều người còn nghèo hơn cụ. Chị gom đồng nát đạp xe từ nhà lên thành phố hơn 20 km, không ăn sáng, đói nằm vật ra vệ đường trước nhà cụ là một trong số đó. Những hoàn cảnh như thế giúp được gì cho họ thì nên giúp. Cụ cho biết, đừng nghĩ rằng những thứ mà mình giúp họ chả đáng là bao mà bỏ qua. Hôm nay ta giúp cái nhỏ, nhưng nhiều ngày giúp cái nhỏ sẽ thành cái lớn.

Từ câu chuyện của cụ, tôi chợt nghĩ đến các phong trào vận động mang tính xã hội rộng lớn hiện nay, trong đó có phong trào ủng hộ vì người nghèo. Đó là một phong trào rất nhân văn nhằm huy động nguồn lực vật chất hướng vào cộng đồng người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Hưởng ứng phong trào này cần ở chúng ta sự tự nguyện, với suy nghĩ thật đơn giản, chứ không cần phải là những điều quá to tát. Sự giúp đỡ có thể là một ngày lương đối với cán bộ, công chức, viên chức hay chỉ vài chục nghìn đồng, thậm chí chỉ vài nghìn đồng hoặc bằng những hiện vật nào đó có thể đối với công nhân, những người dân bình thường. Cũng có thể chuyển quần áo cũ, đồ vật mà chúng ta không dùng đến nữa cho các điểm tiếp nhận để chuyển đến tay người nghèo. Đừng cho rằng hỗ trợ, ủng hộ phải là điều gì đó to tát, giá trị lớn, chờ đến lúc có điều kiện, lúc trở nên giàu có mới nghĩ đến. Trong cuộc sống còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, do tai nạn thương tích… Một hành động nhỏ của cá nhân, nhưng góp lại đã có thể giúp họ vượt qua hoàn cảnh để vươn lên, thậm chí là cứu sống một mạng người.

Cho đi là nhận về, triết lý cuộc sống ấy chúng ta đều hiểu, vậy nên để nhận về những yêu thương, thì trước tiên mỗi người hãy mở lòng mình để san sẻ, cho đi những gì có thể. Những việc làm như thế có thể thực hiện bất cứ lúc nào, chứ không nhất thiết phải chờ đến khi được vận động. Trong lòng mỗi người luôn có người nghèo, tự khắc ta sẽ biết ta nên làm gì.

Hạnh Nhiên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]