(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15-6-2016 của Chính phủ về “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”, công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động vùng đồng bào DTTS trong tỉnh được quan tâm, qua đó giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế và đời sống cho đồng bào DTTS.

Chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số: Hướng đi đúng

Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15-6-2016 của Chính phủ về “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”, công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động vùng đồng bào DTTS trong tỉnh được quan tâm, qua đó giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế và đời sống cho đồng bào DTTS.

Chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số: Hướng đi đúng

Lớp may công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa.

Anh Hà Văn Dậu, dân tộc Thái ở xã Thành Sơn (Bá Thước), cho biết: “Năm 2018, tôi đăng ký học lớp kỹ thuật chế biến món ăn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện liên kết với Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch Thanh Hóa tổ chức. Sau khi tốt nghiệp, tôi xin vào làm việc tại một công ty du lịch ở gần nhà vừa có thu nhập ổn định trên 7 triệu đồng/tháng, vừa có điều kiện chăm lo cho gia đình”.

Còn chị Bùi Thị Liên ở xã Quang Trung (Ngọc Lặc), sau khi tốt nghiệp lớp may công nghiệp ở Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa, được Nhà máy May Vietpan Pacific Thanh Hóa tuyển dụng vào làm việc. Hiện chị là một trong những lao động có tay nghề vững, với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Anh Dậu, chị Liên là hai trong hàng chục nghìn lao động là người DTTS ở khu vực miền núi được đào tạo chương trình giáo dục nghề nghiệp. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở khu vực miền núi đã tuyển sinh và đào tạo được 12.194 lao động (trong đó trình độ trung cấp là 4.123 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 8.071 người), chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất. Ngoài ra, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.502 lao động nông thôn là người DTTS. Các ngành nghề đào tạo tương đối đa dạng, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động, trong đó chủ yếu là nhóm nghề: điện, cơ khí, chăn nuôi, thú y, trồng trọt và các nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát...). Lao động khu vực miền núi ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nghề nghiệp nói chung còn được hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù, như: hỗ trợ học bổng, các khoản kinh phí mua đồ dùng cá nhân, hỗ trợ đi lại đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đối với lao động nông thôn, trong đó ưu tiên người DTTS, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Bên cạnh công tác đào tạo nghề, Sở Lao động - Thương binh và xã hội còn tổ chức các lớp đào tạo về ngoại ngữ, trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên DTTS, phục vụ công tác xuất khẩu lao động. Trung bình mỗi năm, tỉnh đã tổ chức các lớp học ngoại ngữ và trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ xuất khẩu lao động cho hơn 2.500 lao động là người DTTS đi làm việc ở các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả rập xê út... Các chính sách đào tạo nghề đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế và đời sống cho đồng bào DTTS. Qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi năm 2021 xuống còn 3,82% (theo chuẩn nghèo cũ). Cùng với việc hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi sinh kế, những năm qua tỉnh ta còn quan tâm bố trí nguồn kinh phí để đầu tư các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp ở các huyện miền núi.

Chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số: Hướng đi đúng

Nhiều Hội viên Phụ nữ ở xã Thành Thọ (Thạch Thành) có thu nhập cao từ nghề mây tre đan xuất khẩu.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS, trong thời gian tới các cấp, các ngành trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ và các tầng lớp Nhân dân về vai trò của công tác đào tạo nghề đối với lao động vùng đồng bào DTTS; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở, vật chất và nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, trong đó cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề; đồng thời đổi mới chương trình giáo án phù hợp, dễ hiểu, dễ làm cho học viên. Nghề đào tạo phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng quy mô đào tạo gắn với đầu tư cho các trường nghề dân tộc nội trú; đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động...

Bài và ảnh: Khắc Công


Bài và ảnh: Khắc Công

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]