(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ lâu, khu vực Ngã ba Bia (TP Thanh Hóa) trở thành nơi tập trung lao động tự do đến từ nhiều địa phương. Họ có thể bán sức làm bất cứ công việc gì liên quan đến tay chân vào mọi thời điểm trong ngày chỉ cần khách hàng có nhu cầu. Công việc vất vả, đồng tiền công ít ỏi, nhưng nhiều lao động đang xem “chợ người” là cứu cánh nuôi sống gia đình, trả nợ, xa hơn là giúp con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chuyện ở “chợ người”

Từ lâu, khu vực Ngã ba Bia (TP Thanh Hóa) trở thành nơi tập trung lao động tự do đến từ nhiều địa phương. Họ có thể bán sức làm bất cứ công việc gì liên quan đến tay chân vào mọi thời điểm trong ngày chỉ cần khách hàng có nhu cầu. Công việc vất vả, đồng tiền công ít ỏi, nhưng nhiều lao động đang xem “chợ người” là cứu cánh nuôi sống gia đình, trả nợ, xa hơn là giúp con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chuyện ở “chợ người”

Nga ba Bia được xem là “chợ lao động” của thành phố khi tập trung nhiều lao động tự do đứng đợi việc mỗi ngày

Đụng đâu làm đó

Gần 6h sáng, ông Bùi Sỹ Hùng cắn vội miếng bánh mì rồi phóng xe từ thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) lên thành phố làm việc. Trời đầu đông se lạnh, những người lao động đã có mặt ở đây từ lúc nào chờ việc. Họ đứng, ngồi vạ vật quanh quất nơi vỉa hè, ghế đá, khoảng đất trống, gốc cây… bên cạnh là dụng cụ cuốc xẻng, thúng mủng... có những chiếc xe máy được chằng buộc sẵn sàng dụng cụ.

Một người đàn ông tà tà xe máy tiến lại gần, cả nhóm ùa đến. Người đàn ông đang xây nhà nên cần người vận chuyển nguyên, vật liệu, dọn dẹp… Cuộc ngã giá ầm ĩ bắt đầu. Chỉ vài phút, đã có vài người đàn ông lắc đầu bỏ về chỗ ngồi, miệng làu bàu: “Trả thế thì về nhà nằm ngủ cho sướng”. Tuy vậy, vẫn có một vài người cố nán lại kì kèo thêm trước khi tất tả lấy xe đi theo người đàn ông lạ mặt.

Nhìn thì lộn xộn có vẻ như sự cạnh tranh rất quyết liệt nhưng không phải thế. Những lao động này từ nông thôn ra và họ là anh em họ hàng, làng xóm láng giềng với nhau cả.

“Thợ đông, việc ít nên nếu có việc thì cứ phải san sẻ cho nhau. Mình có miếng cơm thì anh em cũng phải có tí cháo”, ông Hùng nói.

Hỏi ông Hùng về số lượng người thường đứng đợi việc ở khu vực này là bao nhiêu? Ông nhẩm tính một lúc rồi nói: “Bình thường lúc nào cũng có vài chục người. Hôm đông thì gấp đôi, gấp ba, còn hôm vắng cũng có mươi người".

Đầu tiên, chợ lao động chỉ hình thành và đông đúc lúc nông nhàn “tháng 3 ngày 8”, sau nhiều người đến với chợ lao động như đi làm một nghề chuyên nghiệp, họ bám vỉa hè, bám chợ quanh năm suốt tháng. Mùa vụ cày cấy, họ chỉ về nhà vài buổi là lại tất bật lên thành phố tìm việc ngay. Từ cuối năm ngoái đến giờ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người lao động ở các tỉnh thất nghiệp về quê không có việc làm cũng ra đây kiếm việc, vì vậy mà chợ lao động này ngày một đông thêm.

Bán hiện tại, mua tương lai

Chuyện ở “chợ người”

Ông Hùng và các đồng nghiệp nhận làm bất cứ việc gì miễn là kiếm được tiền và không vi phạm pháp luật, đạo đức.

Trưa, tôi mời ông Hùng và anh Bùi Ánh Tám, đồng nghiệp của ông Hùng đi ăn ở một quán cơm bình dân ngay gần chợ. Lúc này, tôi mới có dịp nhìn kĩ người đàn ông đối diện. Gần 50 tuổi nhưng công việc nặng nhọc, trông ông già so với tuổi.

Nhìn người đàn ông xấp xỉ tuổi bố mình, phủi lớp bụi trắng xóa lẫn trong tóc vì vác hàng chục bao xi măng trước khi ngồi xuống bàn ăn cơm, cảm giác chạnh lòng khó tả.

Bên mâm cơm, chuyện đời cứ chảy tràn. 26 năm trong nghề, không có việc gì là ông chưa đụng tay vào, từ bốc vác, phá dỡ nhà, cắt cỏ, tỉa cây đến dọn dẹp nhà cửa hay xe ôm… ông đều làm, miễn là không phạm pháp… Hai bàn tay ông chi chít những vết chai sần - “chứng tích” của hàng chục năm lăn lộn với sóng gió cuộc đời.

Ông Hùng khoe với tôi một vài vết sẹo và bảo đó là tai nạn nghề nghiệp. Lần đó ông cùng nhóm thợ được một chủ thầu thuê đến phá dỡ ngôi nhà 2 tầng. Ngoài việc được lo tiền ăn, chủ thầu còn trả cho mỗi người 500 ngàn đồng/ngày. Thấy hợp lý, cả nhóm lên đường. Trong quá trình leo lên giàn giáo phá dỡ công trình, ông Hùng không may ngã từ trên cao xuống, vỡ xương ống chân. Chi phí phẫu thuật, đóng đinh hết gần 30 triệu đồng, nhưng chủ thầu chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng. Bác sĩ hẹn sau 6 tháng sẽ mổ tháo đinh, nhưng gần 2 năm trôi qua, ông không có tiền, đinh vẫn còn nguyên vị trí cũ.

“Mọi giao dịch đều thực hiện bằng miệng nên không thể bắt đền người thuê. Nếu họ thương tình thì hỗ trợ, không thì mình phải chịu. Tôi may mắn, chứ nhiều người còn phải bán cả gia tài để chữa trị”, ông Hùng cám cảnh nói.

Ngoài tai nạn khi lao động, ông Hùng còn không ít lần xui xẻo gặp phải những “khách hàng” cục cằn, ưa bạo lực. Họ coi người lao động tại “chợ người” như một món hàng, chỉ cần không vừa ý, họ sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.

Ông bảo: “Chúng tôi dù không được học hành đầy đủ, hoàn cảnh lại khó khăn nhưng đều ăn nói, cư xử đứng đắn, đàng hoàng. Nhưng làm cái nghề này như làm dâu trăm họ sẽ có lúc này, lúc kia. Là lao động tự do nên đành phải tự bảo vệ nhau thôi, chứ từ trước đến nay làm gì có ai quan tâm đến sự an nguy của chúng tôi?”.

Nghe chúng tôi tâm sự, anh Tám lúc này mới lên tiếng: “Thời điểm này trước kia chúng tôi làm không hết việc, nhưng năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên thất thường lắm”.

Anh Tám mới hơn 30 tuổi nhưng đã có thâm niên 4 năm hoạt động ở “chợ người”. Tuổi trẻ bồng bột, anh dính vào lô đề, cờ bạc rồi mang một khoản nợ lớn. Không tài sản, không nghề nghiệp, anh đành theo lên “chợ người” tìm việc với hy vọng sẽ sớm có tiền trả nợ.

“Ngày đầu mới ra đây làm tôi cũng ngại lắm, mình còn trẻ mà đã phải ra đây đứng với các chú, các bác. Nhưng đói thì đầu gối phải bò”, anh Tám trầm ngâm.

Bữa cơm đang ăn dở thì điện thoại của ông Hùng đổ chuông. Ông nghe xong, quay sang anhTám, hồ hởi nói: “Chiều nay ấm rồi, đi đào hố trồng cây cho một khách quen ở khu Phú Sơn. Họ cần 2 người. Ăn nhanh còn đến, kẻo chủ nhà chờ lâu không thấy, lại gọi người khác mất”.

Tôi trở về cơ quan gõ lại câu chuyện mình vừa thấy và nghe được. Hình ảnh những lao động vạ vật trên yên xe, ghế đá, gốc cây làm tôi trăn trở. Dù công việc khó nhọc, mệt mỏi, nhưng đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với những lao động tự do, bởi phía sau họ là cả một gia đình cần chăm lo. Tôi thầm mong, ông Hùng giữ được sức khỏe để kiếm tiền dựng vợ cho cậu con trai cả, lo công việc cho cậu con trai thứ hai. Tôi cũng cầu mong cho anh Ánh đoạn tuyệt hoàn toàn với những thói hư, tật xấu, chăm chỉ làm việc, sớm trả được nợ để vợ con và gia đình có cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]