(vhds.baothanhhoa.vn) - Gặp cựu chiến binh Vũ Ngọc Thành (SN 1953, thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) khi ông đang chuẩn bị hành lý vào thăm chiến trường xưa nhân dịp 27-7. Ông nói: “Nhớ đồng đội, đồng chí, cứ vài năm, tôi lại vào thắp nén hương cho anh em một lần...”

Cựu chiến binh về chiến trường xưa, thăm mộ chính mình

Gặp cựu chiến binh Vũ Ngọc Thành (SN 1953, thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) khi ông đang chuẩn bị hành lý vào thăm chiến trường xưa nhân dịp 27-7. Ông nói: “Nhớ đồng đội, đồng chí, cứ vài năm, tôi lại vào thắp nén hương cho anh em một lần...”

Cựu chiến binh về chiến trường xưa, thăm mộ chính mình

Cựu chiến binh Vũ Ngọc Thành bên bức ảnh kỷ niệm lần vào thăm mộ đồng đội.

Hồi ức thời chiến…

Hành lý trong chuyến trở lại chiến trường xưa lần nào cũng vậy, chỉ là vài bộ quần áo quân nhân, một ít kỷ vật và mấy bó hương chuẩn bị sẵn để thắp hương cho đồng đội. Bao năm qua, ông Thành vẫn xem mình là người may mắn khi được trở về quê hương, được sống bên cạnh gia đình, người thân; trong khi đồng đội ngã xuống, đã hóa thành bất tử, hiến máu xương của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nhớ về tuổi 18, dù không thuộc thành phần nhập ngũ vì gia cảnh neo đơn, nhưng với ý chí tuổi trẻ, ông Thành vẫn viết đơn tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu.

Ngày 14-9-1971, ông Thành được điều động vào Trung đội 2, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Nhiệm vụ chính của đơn vị là vận chuyển đạn dược, gạo và lương thực tiếp tế cho các tiểu đoàn đánh ở một số cao điểm. Trung đội của ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách, được tuyên dương trong toàn đơn vị.

Cựu chiến binh về chiến trường xưa, thăm mộ chính mình

Những trang nhật ký về thời chiến được ông Thành lưu giữ.

Đêm 9-4-1972, Trung đội của ông gồm 20 chiến sỹ, do Trung đội trưởng Mai Quốc Ca chỉ huy, nhận lệnh vận chuyển 1 tạ TNT (bộc phá) vào để phá cầu Thạch Hãn, ngăn chặn đường đi của địch từ thị xã Quảng Trị lên căn cứ Ái Tử.

Đến 4 giờ sáng 10-4-1972, Trung đội chỉ còn cách cầu Thạch Hãn khoảng 50m thì bất ngờ bị địch phát hiện. Quân địch điên cuồng nổ súng, Trung đội của ông Thành anh dũng đánh trả, nhiều chiến sỹ đã hy sinh.

“Trưa hôm ấy, 19 đồng đội của tôi đã hy sinh, địch không cho chôn mà bắt đem phơi trên miệng hố bom. Nhưng vì quần chúng Nhân dân đấu tranh, gây sức ép, 19 chiến sỹ được chôn tập thể trong 2 hố bom”, người cựu chiến binh hồi ức lại một mảng ký ức đau thương.

Riêng ông Thành, sau khi bị trúng đạn pháo vào hông trái, ông bị địch phát hiện và bắt giữ, đưa ra trại giam Phú Quốc. Đến năm 1973, ông được trả tự do, đó là thời điểm sau khi Hiệp định Pari được ký kết.

Thăm phần mộ của chính mình

Ngày ông Thành trở về quê hương, ai cũng bất ngờ vì tưởng rằng ông đã hy sinh bởi gia đình đã nhận được giấy báo tử. “Hôm ấy mẹ tôi đang nhổ lạc ngoài đồng, nghe tin con về, bà chạy về ôm lấy tôi mà khóc”, ông Thành kể lại.

Khoảng tháng 6-1996, ông có dịp trở lại chiến trường Quảng Trị trong chuyến đi tìm phần mộ của một đồng đội cùng quê. Vào đến nghĩa trang Ái Tử, ông không khỏi bất ngờ trước phần mộ liệt sỹ mang tên mình, cạnh đó là ngôi mộ của những người đồng đội đã ngã xuống năm xưa.

Bên tấm bia đề chung là “Mộ liệt sỹ Trung đội Mai Quốc Ca”, ông Thành đã không cầm được nước mắt. Được biết, trải qua nhiều cuộc giám định ADN, năm 2014, đã có 16/19 đồng chí, đồng đội của ông xác định được danh tính, gắn tên, bổ sung thêm thông tin trên bia mộ.

Cựu chiến binh về chiến trường xưa, thăm mộ chính mình

Cựu chiến binh Vũ Ngọc Thành hạnh phúc bên vợ.

Ngồi kế bên, bà Trịnh Thị Huệ, vợ cựu chiến binh Vũ Ngọc Thành cũng không cầm được nước mắt khi nghe chồng kể lại những năm tháng vào sinh ra tử cùng đồng đội. Bà Huệ cho biết: “Năm 1996, là lần đầu tiên ông ấy vào lại chiến trường xưa. Khi về, ông ấy nói đã được nhìn thấy mộ của các đồng đội, và mộ của ông ấy là phần mộ thứ 2”.

Giờ đây, khi trở về với cuộc sống đời thường, ngoài là tấm gương cho con cháu, ông Thành còn tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương nơi sinh sống. Ông tham gia Ban liên lạc Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Vĩnh Lộc với vai trò là chủ tịch. Trung đội của ông, Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 1973. Để tưởng nhớ chiến công của Trung đội, Nhà nước đã xây dựng đài tưởng niệm với tấm bia khắc hình 20 quả tim màu đỏ, như một biểu tượng bất diệt của tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ.

Đó là niềm tự hào, cũng là động lực lớn lao để người cựu chiến binh Vũ Ngọc Thành tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]