(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi”. Để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với người dân, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng cao... thì dấu ấn của người làm văn hóa cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Dấu ấn cán bộ văn hóa cơ sở ở miền núi: Những tuyên truyền viên “rạc chân” vào bản

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi”. Để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với người dân, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng cao... thì dấu ấn của người làm văn hóa cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Dấu ấn cán bộ văn hóa cơ sở ở miền núi: Những tuyên truyền viên “rạc chân” vào bảnAnh Ngân Văn Tiến, công chức văn hóa - xã hội xã Thanh Phong (Như Xuân) treo áp phích tuyên truyền công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Anh Ngân Văn Tiến (dân tộc Thái đen) đã gắn bó với công tác văn hóa cơ sở ở xã vùng cao Thanh Phong (Như Xuân) suốt 21 năm. Cách trung tâm huyện 28km, Thanh Phong là xã đặc biệt khó khăn, với hơn 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Lúc chúng tôi đến, anh đang treo nốt tấm áp phích tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 ở khu vực cách ly của xã. Anh chia sẻ: “Ngoài làm hành chính, giấy tờ, văn bản hướng dẫn về văn hóa, giáo dục, y tế; tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin, tuyên truyền; xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; tôi còn tham gia ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển sản xuất, thậm chí là tiêm phòng gia súc, gia cầm; kiêm nhiệm trưởng đài truyền thanh xã...”. Nghe xong, tôi tự hỏi làm thế nào anh có thể phân bổ thời gian của mình cho số lượng lớn những công việc có tên và không tên trong vai trò của một công chức văn hóa - xã hội như vậy.

Chỉ riêng việc kiêm nhiệm làm Trưởng đài Truyền thanh (không có phụ cấp) cũng đã tốn của anh Tiến không ít thời gian. Theo đó, vào mỗi buổi chiều, sau khi mọi người rời công sở, anh ở lại, tập hợp những văn bản, giấy tờ cần thông báo đến người dân vào chương trình truyền thanh sáng hôm sau. Chỉ với chiếc điện thoại, anh tự đọc và thu. Loanh quanh công việc cũng 7, 8 giờ tối mới được về nhà. Chưa kể những ngày đột xuất như mưa bão, việc “trực chiến” xuyên đêm ở đài truyền thanh cũng không phải chuyện hiếm. Và buổi sáng hôm sau, anh Tiến cũng sẽ là người đến công sở xã sớm nhất trong vai trò của một trưởng đài. Khi chương trình truyền thanh kết thúc, cũng vừa vặn chuẩn bị vào giờ làm hành chính. Bởi thế, người ta cứ thấy anh tất tưởi, vội vàng. Ngay đến thời gian dành cho gia đình nhiều lúc cũng không thể chủ động.

Thanh Phong có 6 thôn, bản, trong đó Tân Hùng và Chạng Vung là 2 thôn cách trung tâm xã hơn 4km, đường đất đi lại còn nhiều khó khăn. Công việc của một công chức văn hóa - xã hội cũng yêu cầu anh Tiến phải thường xuyên xuống thôn, với chiếc loa tuyên truyền lưu động, để những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước các cấp đến được với người dân. “Dù phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, song người dân hầu hết đều biết tiếng phổ thông (tiếng Kinh) nên mình có thể trò chuyện trực tiếp. Thời gian này, ngoài việc tuyên truyền để Nhân dân nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, anh còn vận động người dân chung sức xây dựng NTM, rồi vấn đề vệ sinh môi trường, nơi ở, thay đổi tập tục, thói quen sinh sống... tất cả đều phải kiên trì và bền bỉ. Thực sự vui vì Chạng Vung là thôn điểm được xã chọn để xây dựng NTM, đến bây giờ đã cơ bản hoàn thành được các tiêu chí”- anh Tiến cho biết thêm.

Năm 2018, chị Lê Thị Thương (quê huyện Triệu Sơn) đã trúng tuyển vị trí công chức văn hóa - xã hội xã Tam Chung (Mường Lát). Dù sinh ra ở huyện trung du, song khi chính thức lên Mường Lát nhận công tác, chị Thương vẫn không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp. Chị nhớ lại: “Những đèo núi trập trùng, đường đi ngoằn ngoèo, địa hình dốc khúc khiến mình thực sự “say”. Thậm chí tôi tự hỏi, liệu mình có đủ sức mà trụ lại. Thế mà cũng đã 3 năm gắn bó với nơi này”.

Xã Tam Chung cách trung tâm huyện khoảng 2km với 8 bản. Nhưng bản xa trung tâm xã lên tới 20km- bản Ón, đường đi lại vô cùng khó khăn, lái xe máy nếu không chắc tay cũng khó có thể đến bản. Còn chuyện xắn quần, đi bộ vào bản vốn dĩ là chuyện thường xuyên.

Cũng như nhiều công chức văn hóa - xã hội, công việc thường ngày của chị Thương là tham mưu cho lãnh đạo địa phương triển khai các công tác về văn hóa, y tế, giáo dục theo quy định; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân... Chị Thương chia sẻ: “Làm cán bộ văn hóa cơ sở thì không thể không nắm vững địa bàn. Vì không phải người địa phương nên mất một thời gian tôi mới làm quen hết. Việc đi bản là nhiệm vụ thường xuyên. Xã Tam Chung mới chỉ có 1 bản có hệ thống loa truyền thanh, các bản còn lại đều thiếu thốn. Bởi vậy, việc tuyên truyền lưu động ở đây là vô cùng cần thiết. Vào những dịp cao điểm, xã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tuyên truyền lưu động đến người dân. Trên xe máy đã được gắn loa, bộ đội và cán bộ xã cùng nhau “hành quân” qua những bản làng, không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong thông tin đến được với người dân bản”.

Cùng với đó, việc thường xuyên tiếp xúc, xuống bản không chỉ tạo sự gần gũi với người dân mà còn thuận lợi cho công tác tuyên truyền. Bởi không phải bất cứ nội dung nào cũng có thể phát trên loa, phải có sự gần gũi, tâm tình trò chuyện thì dân mới tin, mới quý và cảm nhận được tầm quan trọng trong những vấn đề mà mình thông tin. Chia sẻ về những khó khăn của một công chức văn hóa - xã hội vùng cao, chị Thương tâm sự: “Địa bàn xa, đi lại khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, vì thế với mỗi nội dung phải tuyên truyền nhiều lần, nhiều đợt. Như ở bản Ón, mỗi lần xuống bản tôi phải xác định phải đi từ sáng sớm và trở về nhà vào tối muộn. Chưa kể, người dân bản Ón (115 hộ), chủ yếu là đồng bào Mông, hơn 50% dân số chưa biết tiếng phổ thông. Vì thế, việc trao đổi nội dung (văn bản, giấy tờ...) phải thông qua trưởng bản... Nhưng bù lại, mỗi lần xuống bản, được người dân quý và tin yêu, những vất vả, mệt mỏi cũng không còn quan trọng”.

Anh Lê Văn Thắng (người dân tộc Mường) sau 14 năm làm công tác văn hóa ở quê nhà xã Tân Phúc (Lang Chánh) mới đây đã chuyển công tác lên xã vùng cao biên giới Yên Khương, cách hơn 30km. Ở nơi công tác mới, từ xã xuống bản xa nhất (Sắng, Hằng) là 12km và chỉ đi bộ chừng 1km là sang đến nước bạn Lào. Cũng như nhiều công chức văn hóa - xã hội vùng cao, anh kiêm nhiệm đủ thứ công việc công. Anh chia sẻ: “Yên Khương là xã vùng cao biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân biết chữ ở đây lại khá cao và hầu như 100% đều biết tiếng phổ thông. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền”...

Đi bản, bám bản... đó không phải là câu chuyện của riêng anh Tiến, anh Thắng, chị Thương. Hàng trăm công chức văn hóa - xã hội đang công tác ở 11 huyện miền núi phía Tây xứ Thanh vẫn đang ngày đêm miệt mài cống hiến. Họ là những người góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]