(vhds.baothanhhoa.vn) - “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, câu nói của người xưa luôn nhắc nhở con cháu về một tập tục đẹp dịp Tết cổ truyền, với nhiều ước mong, hy vọng về năm mới tốt đẹp, bình an

Đầu năm mua muối…

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, câu nói của người xưa luôn nhắc nhở con cháu về một tập tục đẹp dịp Tết cổ truyền, với nhiều ước mong, hy vọng về năm mới tốt đẹp, bình an

Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, xúc động chào xuân mới Quý Mão 2023 cùng bài hát chúc mừng năm mới được cất lên cùng tiếng pháo hoa rộn vang nơi Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa). Hòa cùng dòng người trên đường phố, lòng an nhiên, tôi trở về ngôi nhà nhỏ bé, ấm áp thân thương, thắp nén hương thơm lên bàn thờ gia tiên cầu chúc cho mọi thành viên trong gia đình bước sang năm mới đều khỏe mạnh, bình an. Trong màn đêm, tiếng chiếc xe máy và tiếng người đàn ông vang lên “Ai muối đi, ai muối nào…” càng trở nên ấm áp, ý nghĩa trong ngày đầu năm mới.

Đầu năm mua muối…

Ảnh minh họa

Tôi mở cửa, đợi người bán muối cho một bác ở cuối phố xong rồi mới cất lời gọi mua. Người đàn ông đỗ chiếc xe trước cửa nhà, chẳng quen biết nhưng lời đầu tiên người bán và người mua đều vui vẻ dành lời chúc mừng năm mới. Anh trạc 40 tuổi, chiếc xe máy đã cũ, phía trước và sau chiếc xe đều chở muối. Anh cẩn thận lấy túi muối trong bì gửi đến tôi. Người bán không ra giá và người mua cũng không hỏi giá.

Mua muối đã thành thông lệ, vì vậy tiếng rao muối là âm thanh mà gia đình tôi mong ngóng vào mỗi dịp đầu năm. Hồi mới về làm dâu, mẹ chồng tôi sau khi mua muối đã giải thích với tôi rằng, mua muối đầu năm là mong muốn cầu bình an, may mắn đến cho gia đình. Từ hồi mẹ ốm, vào dịp đầu năm mới, tôi thay mẹ duy trì thói quen mua muối để cầu mong những điều tốt lành.

Theo quan niệm của các cụ từ xa xưa thì muối bán trong ngày đầu năm mới là “muối lộc”, bởi để làm ra những hát muối là sự nhọc nhằn, vất vả của những diêm dân, chắt lọc tinh túy của biển cả, đổ mồ hôi trên cánh đồng mới cho ra những hạt muối trắng tinh khiết. Muối là thứ mặn, xua đuổi tà ma, loại bỏ những uế tạp. Và trong đời sống hàng ngày, muối còn có vị trí quan trọng, chỉ đứng sau gạo. Vị mặn của muối là thứ không thể thiếu trong bữa ăn, giúp thức ăn tròn vị hơn và giúp bảo quản lâu bền các loại thực phẩm. Muối còn được ví như sự đậm đà thắm thiết của tình cảm, sự gắn bó thủy chung của các mối quan hệ, sự hòa thuận trong gia đình, dòng họ. Bởi vậy, muối là đại diện cho những gì tốt đẹp, thiết yếu mà con người hằng mong muốn trong cuộc sống, mang lại may mắn, bài trừ rủi ro và những thứ xấu xa, thắt chặt tình cảm giữa vợ chồng, gia đình, anh em. Đây là điều ai nấy đều cầu ước vào dịp đầu xuân năm mới, do đó đầu năm mua muối là vì thế.

Muối không chỉ được rao bán trên phố, các ngõ nhỏ đến các gia đình mà ở tại các đền, chùa vào dịp đầu năm, muối cũng được người dân bỏ vào những chiếc túi nhỏ màu đỏ, màu xanh kèm theo bật lửa hoặc bao diêm rồi bán cho khách đến vãn cảnh, thắp hương. “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, câu nói của người xưa luôn nhắc nhở con cháu về một tập tục đẹp trong văn hóa đón Tết cổ truyền, với nhiều ước mong, hi vọng về năm mới tốt đẹp, bình an. Đó là cách nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn thêm đẹp trong mỗi con người, luôn nhớ về cội nguồn, truyền thống dân tộc.

Nếu muối được mua dịp đầu năm thì vôi được người dân quan niệm mua vào những ngày cuối năm để quét lại nhà, tường, cổng để nhà cửa sạch sẽ, sáng sủa đón năm mới, với hy vọng tránh được những điều không may. Đồng thời, câu ca còn có ý nghĩa là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.

…Sau khoảnh khắc đêm giao thừa, cầm túi muối trên tay, tôi cẩn thận lấy một nắm muối rải trước cửa nhà với mong muốn cả nhà năm mới khỏe mạnh, bình yên. Tiếng người đàn ông rao muối xa dần nơi cuối phố.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]