(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định việc xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), trong nhiều năm, thông qua các chương trình, dự án, nhiều huyện miền núi trong tỉnh đã, đang tích cực nỗ lực tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống đường giao thông, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi, tạo “đòn bẩy” giảm nghèo nhanh, bền vững.

Đầu tư hạ tầng giao thông góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xác định việc xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), trong nhiều năm, thông qua các chương trình, dự án, nhiều huyện miền núi trong tỉnh đã, đang tích cực nỗ lực tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống đường giao thông, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi, tạo “đòn bẩy” giảm nghèo nhanh, bền vững.

Đầu tư hạ tầng giao thông góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu sốTuyến Quốc lộ 15 có tổng chiều dài hơn 53km, chạy qua các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa thuộc Tiểu dự án 3 nâng cấp đoạn Km53+00 – Km109+00 (đoạn qua tỉnh Thanh Hóa) đang dần hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH các huyện miền núi phía Tây của tỉnh.

Những ngày này, trên tuyến Quốc lộ 15 đoạn qua địa phận các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, các nhà thầu đang dồn tổng lực để hoàn thiện các đoạn, tuyến nối sang tỉnh Hòa Bình. Tuyến đường có chiều dài hơn 53km (Km53 – Km109) chạy qua các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa thuộc Tiểu dự án 3 nâng cấp đoạn Km53+00 - Km109+00 (qua tỉnh Thanh Hóa). Theo đánh giá của các chuyên gia, sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ tạo tiền đề quan trọng mở rộng thông thương, thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Những năm qua, từ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện Quan Hóa đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Trong đó, nhiều công trình phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, như: đường giao thông bản Khương đi bản Bất, xã Nam Động; khắc phục tuyến đường từ bản Chiềng đi bản Suối Tôn, xã Phú Sơn; sửa chữa đường từ Quốc lộ 15 vào xã Phú Thanh; duy tu đường bản Páng đi bản En, xã Phú Thanh…

Anh Phạm Bá Liều, Trưởng bản Chiềng, xã Trung Sơn (huyện Quan Hóa) chia sẻ: Bản hiện có 123 hộ/547 khẩu, với 70% là dân tộc Thái, còn lại là Mường, Kinh, chủ yếu làm nông, lâm nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Sau trận lũ lịch sử năm 2018, bản Chiềng được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại khu tái định cư mới, đến nay hệ thống điện, trường, trạm được đầu tư xây mới, cùng với đó là hệ thống đường giao thông bê tông kiên cố đi đến từng hộ gia đình. Có đường mới, người dân giao thương, buôn bán hàng hóa dễ dàng hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Phạm Bá Tuế, cho biết: Trong những năm qua, địa phương đã huy động tốt các nguồn lực từ chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách, dự án khác để đầu tư hạ tầng giao thông. Nhờ vậy, hoạt động giao thương hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy KT-XH của địa phương.

Quang Chiểu là xã biên giới của huyện Mường Lát, có 24km đường biên giới giáp nước bạn Lào, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Kinh... cùng nhau sinh sống. Do xuất phát điểm thấp về kinh tế, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Những năm qua, thông qua việc triển khai chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sức dân cùng tham gia xây dựng, giám sát việc thi công đường làng, thôn, bản đến nay hệ thống giao thông liên bản, liên xã tại Quang Chiểu được đầu tư đồng bộ. Không những vậy, nhiều tuyến đường còn góp phần kết nối vùng miền, tạo sự thông suốt để địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế.

Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho biết: “Nhờ chú trọng đầu tư phát triển giao thông, đời sống người dân đã khởi sắc. Toàn xã có 13 thôn, bản, cơ bản hệ thống đường giao thông liên bản được cứng hóa đến tận các hộ gia đình (bản Sáng, bản Pọng, bản Bàn, bản Pùng, bản Qua). Một số tuyến đường liên xã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nổi bật là tuyến đường từ bản Pùng (xã Quang Chiểu) đi bản Pù Quăn (xã Pù Nhi) có tổng chiều dài 6km từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo giúp người dân các xã giao thương, đi lại buôn bán dễ dàng hơn. Sản phẩm nông – lâm nghiệp làm ra được thương lái đưa ô tô lên tận nơi thu mua, nhờ vậy kinh tế ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm đáng kể”.

Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca, cho biết: “Mường Lát là huyện vùng cao biên giới khó khăn nhất của tỉnh. Địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, trơn trượt, vào mùa mưa bão, nhiều tuyến đường trên địa bàn bị hư hại nặng nề, giao thông chia cắt. Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự đồng lòng, vững tin của Nhân dân, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, mở rộng liên kết các vùng miền, góp phần hướng đến giảm nghèo nhanh, bền vững. Từ đó, bộ mặt giao thông nông thôn trong huyện thời gian qua không ngừng được cải thiện, đời sống vật chất của người dân nâng lên đáng kể. Thời gian tới, trong quy hoạch huyện đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ngoài việc hoàn thiện hạ tầng y tế, văn hóa, thể thao, phát triển công nghiệp, Mường Lát sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn, chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh từng bước mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ hiện có. Đồng thời, quy hoạch mới các tuyến đường liên xã, đảm bảo thuận lợi kết nối các xã trong huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách các thôn, bản trong huyện".

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]