(vhds.baothanhhoa.vn) - Với người Mông, thói quen di cư đã ăn sâu vào máu thịt, tưởng chừng chẳng thể thay đổi được, ấy vậy mà mưa dầm thấm sâu, từ vai trò của 43 người có uy tín mà đồng bào dân tộc Mông ở Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát đã đổi thay từ nhận thức đến hành động.

Diện mạo mới trên những bản người Mông: Điểm tựa của bản

Với người Mông, thói quen di cư đã ăn sâu vào máu thịt, tưởng chừng chẳng thể thay đổi được, ấy vậy mà mưa dầm thấm sâu, từ vai trò của 43 người có uy tín mà đồng bào dân tộc Mông ở Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát đã đổi thay từ nhận thức đến hành động.

Diện mạo mới trên những bản người Mông: Điểm tựa của bảnÔng Lâu Gia Pó, người có uy tín ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi (bên phải) và Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi Phạm Văn Sơn.

Đường lên Cổng Trời ngoằn ngoèo như sợi chỉ mỏng manh vắt ngang những triền núi, những người Mông đeo gùi men theo triền núi kiếm sống nay chỗ này mai chỗ khác. Câu chuyện cũ đó ai cũng nhớ. Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đồng bào Mông cũng đang cố gắng để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xã Pù Nhi (Mường Lát) có 6 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào Mông, Dao chiếm đa số. Ông Lâu Gia Pó (sinh năm 1958, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi), sinh ra lớn lên ở bản Pù Toong, từ ngày công tác đến khi nghỉ hưu (1983 - 2018) và kể cả hiện nay, ông chỉ có một mong muốn là làm thế nào để đổi thay bản làng mình.

Người Mông nói chung và ở Pù Nhi nói riêng, trước đây chẳng mấy nhà cho con gái đi học. Hai cô con gái của ông là những đứa con gái đầu tiên của bản được đến trường. Vì thế, năm 2001 - 2002, hai cô trở thành những nữ giáo viên đầu tiên ở Pù Nhi. Từ thực tế đó, người dân mới hiểu rằng gái hay trai cũng cần phải biết chữ. Ông Pó, cho biết thêm: "Những năm 1997 - 1998, lác đác vài nhà cho con gái đi học, đến nay phụ nữ Mông tuổi từ 30 trở xuống đều biết chữ. Nhiều phụ nữ là những giáo viên mầm non, cán bộ y tế, cán bộ văn phòng huyện Mường Lát. So với mặt bằng chung của toàn tỉnh thì đồng bào Mông ở Pù Nhi còn thua kém nhiều mặt, nhưng ngay cả chúng tôi cũng không nghĩ có sự tiến bộ vượt bậc như ngày hôm nay”.

Ông Pó còn là người đầu tiên dám thay đổi những tập tục và nếp nghĩ của người Mông ở Pù Nhi. Nếu như trước đây, đám cưới của người Mông được tổ chức từ tối đến sáng, người đến dự ăn uống say lia chia. Lần lượt câu chuyện đón dâu, đón rể, đón khách, bàn giao con dâu, đầu tư hỗ trợ, động viên đi làm ăn phát đạt, mỗi người phải uống vài chục chén là ít. Đám cưới con gái ông năm 2001, ngoài vài thủ tục mang tính chất báo cáo tổ tiên, ông chỉ tổ chức 25 mâm và mời tập trung. Từ đó, người dân thấy ít tốn kém tiền của, sức khỏe và thời gian nên đã làm theo.

Đặc biệt nhắc đến ông Lâu Gia Pó không ai có thể quên được câu chuyện đưa người chết vào quan tài. Trước đây ở Pù Toong, người có nhiều anh em, nhiều con trai, người càng có uy tín thì khi chết càng phải tổ chức đám ma thật to. Có đám phải mổ đến 4-5 con trâu, con bò nhưng người chết thì vẫn chưa được bỏ trong quan tài mà chỉ để vào cáng treo giữa nhà. Đặc biệt, người mất vào ngày chẵn thì phải lựa chọn chôn ngày lẻ, 3-4 ngày ăn uống chờ đến ngày đẹp nên rất mất vệ sinh. Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” theo Quyết định số 2181/QĐ-UBND ngày 25-6-2013 của UBND tỉnh đã giúp ông có thêm cơ hội để vận động, tuyên truyền bà con thay đổi tập tục tang ma. Năm 2014, với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi, ông quyết tâm thực hiện đề án này, bắt đầu từ đám ma người chú ruột là Lâu Văn Chơ. Nhưng vừa đưa ông chú vào quan tài thì ông Pó phải đi mổ ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vì có tiền sử bệnh suy tim. Sau đó nhiều người nói, ông Pó thay đổi luật tục thì sẽ bị ma bắt đi thôi. Từ năm 2014 đến nay, bệnh của ông ổn định. “Đến nay, 100% người mất đã được đưa vào quan tài. Duy chỉ còn chuyện mổ trâu, bò thì vẫn chưa thay đổi nhiều. Đồng bào Mông quan niệm: Bố mẹ cả đời nuôi mình, việc nên làm là lo con trâu, con bò để tiếp khách. Trước đây 1 cặp con trai con dâu thì phải mổ riêng 1 con trâu. Giờ mỗi đám ma chỉ còn mổ nhiều nhất 2 con trâu", ông Pó cho biết.

Sự thay đổi tích cực của đồng bào Mông ở Pù Nhi nói riêng và Mường Lát nói chung có phần đóng góp không nhỏ của ông Lâu Gia Pó. Ông chia sẻ: “Khi chưa có Đề án 2181, việc tuyên truyền tới bà con rất khó khăn. Còn hiện nay, nếu không cho họ bỏ người chết vào quan tài cũng không được nữa. Nhìn thấy những điều tốt đẹp, bà con dần sẽ hiểu và làm theo”.

Ông Lâu Gia Pó còn tuyên truyền, vận động bà con phá bỏ cây thuốc phiện, chuyển sang cây ăn quả. Bản Pù Toong giờ hộ nào cũng có hoa quả đủ phục vụ gia đình, nhiều nhà còn mang đi bán thu về mỗi vụ vài chục triệu đồng. Cùng với sự quyết tâm thay đổi cuộc sống của đồng bào, vai trò của những người có uy tín như ông Lâu Gia Pó mà Pù Toong đã làm nên kỳ tích khi trở thành bản đồng bào Mông đầu tiên trong tỉnh được công nhận bản nông thôn mới.

Nằm cách trung tâm xã Sơn Thủy (Quan Sơn) 15km, bản Mùa Xuân gần như biệt lập với thế giới bên ngoài vì đường rừng dốc, hiểm trở, đi lại khó khăn. Bản hiện có 114 hộ với 545 nhân khẩu; 100% là hộ nghèo. Cái nghèo quẩn quanh đu bám hết đời này sang đời khác, người dân chẳng có nguồn thu nào ngoài nương rẫy. Ông Sung Văn Cấu (sinh năm 1969), người có uy tín của bản, hiện là Trưởng ban công tác mặt trận kiêm Công an viên bản Mùa Xuân. Từ năm 1997 đến nay, ông luôn tích cực vận động, tuyên truyền để bà con thay đổi nhận thức, từ tìm việc làm đến kế hoạch hóa gia đình, chăn nuôi trồng trọt... Ông chia sẻ: “Thời gian đầu quá khó khăn, vì khi ấy tôi còn trẻ, nói các cụ không nghe, cầm tay chỉ việc họ cũng không làm”. Chỉ cách đây vài năm, khi vận động bà con chuyển dần sang làm lúa 2 vụ, từ họp bản, tổ dòng họ... không ai đồng tình. Hơn một năm sau, đến cuối 2017 đầu 2018, cùng với Nghị quyết của Đảng ủy xã về hỗ trợ giống, phân bón, bà con mới làm. Đến nay dù năng suất vẫn còn hạn chế vì bà con chưa làm đúng kỹ thuật, nhưng ít nhất tránh việc phát nương làm rẫy, các gia đình dần tạm đủ lúa gạo để ăn.

Diện mạo mới trên những bản người Mông: Điểm tựa của bảnÔng Sung Văn Cấu (ngoài cùng bên trái) giới thiệu về mô hình trồng cây mà người dân bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy đang làm.

Theo ông Cấu, bà con chỉ nghe theo khi thấy mình làm trước và đạt kết quả tốt. Vì thế, có thời điểm ông nuôi tới 15 con trâu, bò, một đàn lợn. Đến nay, trong nhà ông chỉ còn nuôi có 8 con bò, vì ông còn phải làm ruộng nương. Khi được hỏi: Có khi nào ông thấy nản vì công việc vác tù và hàng tổng của mình không? Rất thật lòng, ông nói: “Có chứ, vì bà con mình trình độ nhận thức hạn chế. Nhưng rồi đêm đến, đặt lưng xuống giường là tôi nghĩ, nếu ai cũng nản thì ai sẽ làm việc Đảng, Nhà nước giao cho. Bà con no 3 tháng, đói 9 tháng, nếu không thay đổi thì còn đói nghèo mãi”.

Là người trực tiếp quản lý và bảo vệ 5km đường biên, ông thường xuyên tuyên truyền tới bà con đề phòng các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Ông Cấu trải lòng: “Cái khó bó cái khôn, bà con mình tin người lắm. Tôi và dân bản chỉ ước mong sao con đường từ trung tâm xã lên bản được thông suốt, có điện lưới để người dân đi lại, giao thông buôn bán thuận lợi, học sinh thích đi học hơn”.

Hành trình để những bản người Mông phát triển hơn còn dài và khó khăn như chính con đường chúng tôi đang đi. Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016 - 2020” đã kết thúc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Đảng, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ và những người có uy tín ở các bản Mông trong toàn tỉnh là những cây cổ thụ, là điểm tựa để đồng bào Mông học tập và làm theo.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]