(vhds.baothanhhoa.vn) - Bên những cánh rừng ngút ngàn là những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt; hệ thống đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, nhà ở được xây dựng khang trang... là điểm nhấn tô điểm thêm cho diện mạo các bản của người Mông ở miền Tây xứ Thanh.

Diện mạo mới trên những bản người Mông: Bản Mông khoác “áo mới”

Bên những cánh rừng ngút ngàn là những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt; hệ thống đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, nhà ở được xây dựng khang trang... là điểm nhấn tô điểm thêm cho diện mạo các bản của người Mông ở miền Tây xứ Thanh.

Diện mạo mới trên những bản người Mông: Bản Mông khoác “áo mới”Chị Hơ Thị Dua, bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) chăm sóc rừng vầu của gia đình.

Những ngày đầu tháng 8, trời nóng hầm hập, bỏng rát, chúng tôi ngược ngàn trở lại bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn), địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào Mông. Bản có 65 hộ, với 297 nhân khẩu. Trước đây, Ché Lầu đói nghèo, không đường, không điện và trẻ em không được đến trường. Những năm gần đây, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của bà con, đời sống đã nhiều đổi thay tích cực. Trên khắp các sườn đồi, thung lũng đã được trải một màu xanh mướt mát của những cây vầu, cây luồng, cây ăn quả, ruộng lúa nước. Những ngôi nhà của người dân được xây dựng kiên cố, điểm trường mầm non, tiểu học, nhà văn hóa bản được xây dựng khang trang, tạo nên một khung cảnh no ấm, yên vui.

Ông Thao Văn Sếnh, ở bản Ché Lầu năm nay 80 tuổi, cho biết: “Trước kia, người Mông chỉ lên núi làm nương rẫy, cuộc sống rất khổ cực, năm nào bà con trong bản cũng thiếu cái ăn tới vài tháng. Được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, cuộc sống của bà con đã khác trước nhiều lắm, ruộng đã cấy được 2 vụ lúa, nhà nào cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, không còn lo đói, lo khổ nữa. Trẻ con được học cái chữ, được học tiếng phổ thông, không còn phải vất vả theo bố, mẹ lên nương, lên rẫy. Hiện nay 100% các cháu trong bản được đến trường học tập”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lữ Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, cho biết: Được Đảng, Nhà nước quan tâm, kết cấu hạ tầng của bản được xây dựng khang trang; bà con trong bản được hỗ trợ cây, con giống, vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn. Bên cạnh đó, xã Na Mèo phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Vận động con em trong độ tuổi lao động đi làm tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh. Qua đó, thu nhập của người dân dần được cải thiện, nâng cao.

Chia tay với Ché Lầu, chúng tôi vượt qua quãng đường hơn 200km đến với bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát). Bên ấm trà nóng, ông Chá Văn Dia, Bí thư, Trưởng bản Pù Toong, chia sẻ: Bản Pù Toong có 74 hộ, 324 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông. Trước đây đời sống của Nhân dân rất khó khăn, đường giao thông chủ yếu là đường đất, nắng bụi, mưa lầy. Người dân chưa chú trọng tới sự học của con em mình, nên một bộ phận trẻ em trong bản không được đến trường. Đến nay, sự thay đổi lớn nhất của Pù Toong đó là nhận thức của người dân được nâng lên, không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế thoát khỏi đói nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Nhờ đó mà diện mạo của bản đã khởi sắc và đổi thay.

Minh chứng cho lời nói của mình, ông Chá Văn Dia dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Chá Thị Chứ, một trong những hộ của bản nhờ phát triển chăn nuôi lợn thịt, lợn sinh sản và kết hợp nuôi gà, vịt đã có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Chị Chứ cho biết: “Được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát, cán bộ xã Pù Nhi hướng dẫn cách thức chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, mô hình chăn nuôi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình tôi cải thiện đời sống và có tích lũy tài chính để sau này cho con cái học hành”.

Sự thay đổi trong nhận thức của đồng bào dân tộc Mông ở Pù Toong được thể hiện rõ nét trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Bà con sẵn sàng hiến đất, di dời, chỉnh trang nhà ở, đóng góp tiền bạc, công sức, vật liệu xây để cùng nhau làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công sức của Nhân dân trong bản, tháng 11-2020, Pù Toong được công nhận là bản nông thôn mới, là bản người Mông đầu tiên trong tỉnh đạt danh hiệu này. Phát huy những kết quả đạt được, đồng bào Mông ở Pù Toong đang nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế. Hiện có 26 hộ dân trong bản đã quy hoạch được 10ha đất vườn rừng để trồng cây đào lai, cây mít Thái và bước đầu đạt những kết quả rất đáng ghi nhận. Vì vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của bản Pù Toong đạt 36 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,05%.

Không chỉ riêng Ché Lầu, Pù Toong, nhiều bản người Mông đã và đang khoác lên mình “chiếc áo” mới, với những ngôi nhà khang trang, kết cấu hạ tầng kiên cố. Có các chính sách hỗ trợ, bà con đã có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương vươn lên thoát nghèo. Nhiều bản đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào canh tác, thâm canh tăng vụ, hướng đến sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao...

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, hiện dân tộc Mông ở Thanh Hóa có 3.579 hộ, với 18.918 nhân khẩu sinh sống ở 43 bản của 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn và Quan Hóa. Giai đoạn 2016 - 2020, cùng với nguồn vốn thực hiện Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát”, Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn” và các chương trình mục tiêu quốc gia khác, đã xây dựng 42 công trình giao thông, thủy lợi, điện năng, nước sạch, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; hỗ trợ 8 mô hình phát triển sản xuất... với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng ở 3 huyện có đồng bào Mông sinh sống. Kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Mông phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa, giải trí, học tập, sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ, đầu tư được triển khai sâu rộng đến các bản được người dân đồng tình ủng hộ, làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của Nhân dân.

Ông Cầm Bá Tường, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, tích cực tuyên truyền nhằm thực sự thay đổi nhận thức của bà con. Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đồng bào Mông, nhân rộng các mô hình, những tấm gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con, thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc Mông với các vùng có điều kiện kinh tế, văn hóa phát triển.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]