(vhds.baothanhhoa.vn) - Với phương châm “Kính chúa, yêu nước”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, thời gian qua, đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, tích cực thi đua lao động sản xuất, sống tốt đời, đẹp đạo. Qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.

Đồng bào công giáo xây dựng nông thôn mới: Phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa

Với phương châm “Kính chúa, yêu nước”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, thời gian qua, đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, tích cực thi đua lao động sản xuất, sống tốt đời, đẹp đạo. Qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.

Đồng bào công giáo xây dựng nông thôn mới: Phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóaNhờ việc ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp, trang trại dưa lưới của hộ gia đình giáo dân Vũ Văn Bảo, xã Nga Liên (Nga Sơn) luôn đạt năng suất cao.

Từ phát triển kinh tế

Nga Sơn là huyện có đông đồng bào công giáo nhất trong tỉnh, với trên 27.000 giáo dân, sinh hoạt trong 10 xứ đạo, 62 họ giáo, 10 nhà thờ xứ, 9 nhà thờ họ sống xen cư ở 12 xã. Trong đó, giáo dân sống chủ yếu ở các xã: Nga Liên, Nga Điền, Nga Thái, Nga Phú.

93,7% dân số xã Nga Liên là đồng bào công giáo. Dù đã về đích NTM năm 2017, nhưng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, cùng với Nga Điền, Nga Phú, Nga Thái, xã Nga Liên đang phấn đấu về đích NTM nâng cao vào năm 2022. Từ năm 2019, được hỗ trợ của Nhà nước, nhiều gia đình ở Nga Liên đã áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; trang trại chăn nuôi gà, bò, cá; làm dịch vụ vận tải, vật liệu xây dựng, mộc, cơ khí..., mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 0,68%. Tiêu biểu như ông Vũ Văn Bảo (thôn 5) - người uy tín trong cộng đồng giáo dân với sản xuất mô hình rau sạch trong nhà màng, nhà lưới. Diện tích trên 14.000m2, ông trồng đa dạng các loại rau phục vụ một số nhà hàng trong huyện, tạo việc làm cho hơn 10 lao động là người công giáo, trong đó có 2 người mồ côi, không nơi nương tựa.

Theo chia sẻ của ông Tống Thanh Minh, Bí thư Đảng ủy xã Nga Liên: Người dân nơi đây rất linh hoạt, nhạy bén trong phát triển kinh tế, lại thêm đức tính cần cù nên mỗi gia đình ít nhất có từ 2 nghề trở lên. Năm 2021 là năm có nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhất là với các ngành dịch vụ thương mại, tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của xã vẫn đạt trên 51 triệu đồng.

Về xã Quảng Trường (Quảng Xương), đến thôn Đồng Tâm - thôn duy nhất có đồng bào công giáo của xã, với 880/1.900. Dẫn chúng tôi thăm mô hình của giáo dân Trần Văn Thịnh ở xóm 2, ông Nguyễn Ngọc Cường, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Ở đây, bà con giáo dân hầu hết đều ý thức tốt việc phát triển kinh tế, làm giàu cho chính mình và cho cộng đồng”.

Từ năm 2003, giáo dân Trần Văn Thịnh bắt tay nhận thầu 4ha đất, lúc ấy là khu đồng cỏ. Những ngày đầu tìm cách làm giàu, gia đình ông đầu tư nuôi lợn hướng nạc và xây dựng mô hình cá lúa kết hợp, nhưng chi phí đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế không cao, nên năm 2012 chuyển sang nuôi bò sinh sản, kết hợp đào ao thả cá và trồng cỏ. Đầu năm 2019, được chính quyền địa phương động viên, khuyến khích, ông Thịnh quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản đạt tiêu chuẩn, với diện tích 340m2, quy mô nuôi 30 con bò. Đến nay tổng diện tích trang trại bò của gia đình ông lên tới hơn 8.000m2, cho thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm. “18 năm làm kinh tế, thấu hiểu sự khó nhọc trong công việc, nhưng tôi thấy vui. Sống trong cộng đồng thì chúng tôi cố gắng thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, cố gắng phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương”, ông Thịnh cho biết.

Ngoài ông Trần Văn Thịnh, ở Đồng Tâm còn có nhiều giáo dân đã làm giàu ngay trên quê hương mình, như hộ ông Vũ Ngọc Hoạt (trang trại lợn kết hợp nuôi cá), Vũ Ngọc Thưởng (trang trại bò), Phạm Văn Tưởng (gia trại chăn nuôi thỏ)... Họ là những nhân tố quan trọng, góp phần đưa Đồng Tâm trở thành thôn NTM kiểu mẫu.

Đến xây dựng đời sống văn hóa

Song song với phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa là một nội dung quan trọng được các xứ đạo, họ đạo hướng tới; chính quyền ở các thôn, xã quan tâm. Những năm gần đây, bà con giáo dân tích cực xây dựng gia đình thuận hòa, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao.

Từ năm 2013, huyện Nga Sơn đã triển khai mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình hạnh phúc”. Để mô hình có hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng công an đã phân công cán bộ bám địa bàn, chủ động gặp gỡ, trao đổi với các chức sắc, chức việc; vận động từng hộ giáo dân ký cam kết thực hiện 8 nội dung đảm bảo an ninh trật tự gắn với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, xây dựng khu dân cư, xã an toàn về an ninh trật tự không có tệ nạn xã hội”.

Giáo xứ Kiến An nằm ở xã Tượng Sơn (Nông Cống), trong đó họ đạo Kén (thôn Kén) có hơn 700 nhân khẩu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào giáo dân ở đây luôn tích cực đóng góp xây dựng nhà thờ, xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong 2 năm 2020 - 2021, người dân thôn Kén tập trung cho việc xây dựng nhà thờ với diện tích gần 1.000m2 phục vụ hoạt động tôn giáo và cũng là địa điểm cần thiết có thể sơ tán nếu xảy ra ngập lụt.

Chúng tôi về đúng thời điểm hầu hết các tuyến đường ở thôn Đồng Tâm, xã Quảng Trường đang được người dân trang trí cho mùa Noel. Nếu không có dịch COVID-19 thì mùa Noel này sẽ vui nhất vì đường đẹp, điện sáng, nước sạch, tường được quét vôi ve. Để hoàn thành các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu năm 2021, thôn Đồng Tâm xác định tiêu chí số 4 về nhà ở và khuôn viên nông hộ sẽ là khó khăn. Vì vậy, chi bộ thôn, ban công tác mặt trận thôn mà nòng cốt là chi hội phụ nữ đã hướng dẫn vận động các hộ gia đình, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, khoa học các đồ đạc trong nhà, các công trình phụ trợ thuận tiện cho sinh hoạt, hợp vệ sinh, đảm bảo mỹ quan... Đặc biệt, thực hiện mô hình "nhà sạch, vườn đẹp” các gia đình đều trồng hàng rào cây xanh hoặc tường rào kết hợp trồng cây xanh, cây hoa. Chính sự đồng lòng ấy mà sau gần 1 năm triển khai thực hiện xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, thôn Đồng Tâm đã phát huy đoàn kết lương - giáo, huy động nguồn lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Có thể khẳng định, từ sự đồng thuận, đóng góp tích cực của giáo dân ở các xứ đạo, họ đạo, nhiều địa phương có đông đồng bào công giáo trong tỉnh đã đạt chuẩn xã, thôn NTM; thậm chí đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, góp phần xây dựng Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp.

Thanh Hóa hiện có trên 147.000 giáo dân đang sinh sống tại 450 xã, phường, thị trấn. Những năm qua, bà con giáo dân trong tỉnh luôn nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa; tự nguyện đóng góp hơn 200 tỷ đồng, nhiều ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần quan trọng tạo nên thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]