(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2007, Trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm thuộc khoa Hỗ trợ sinh sản (HTSS) của Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa được thành lập. Từ đó đến nay, khoa đã ghi nhiều dấu ấn trong điều trị vô sinh hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Đồng lòng vượt khó

Năm 2007, Trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm thuộc khoa Hỗ trợ sinh sản (HTSS) của Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa được thành lập. Từ đó đến nay, khoa đã ghi nhiều dấu ấn trong điều trị vô sinh hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Đồng lòng vượt khóBác sĩ thực hiện kỹ thuật để tạo phôi (ảnh bệnh viện cung cấp).

Từ những bệnh nhân nặng

Trải qua hơn 15 năm áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, cho tới nay, tại khoa HTSS đã có gần 2.000 em bé ra đời từ kỹ thuật này và nhiều ca mang thai khác đang chờ ngày sinh.

Trưởng khoa HTSS là bác sĩ Cao Thị Dung, người đã điều trị vô sinh hiếm muộn cho nhiều cặp vợ chồng, cho biết: Tỷ lệ thành công bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm còn tùy theo lứa tuổi, dưới 35 tuổi thì tỷ lệ thành công khoảng 60 - 70%. Trên 40 tuổi, tỷ lệ thành công thấp hơn. Nguyên nhân không thành công hoặc do người vợ tuổi cao, có bệnh lí di truyền hoặc có bất thường về niêm mạc tử cung, dự trữ buồng trứng giảm... Bác sĩ Dung cho hay: “Nhiều bệnh nhân không chỉ khó về kinh tế mà tình trạng hiếm muộn lại nặng, có bệnh nhân hiếm muộn kéo dài 18 - 20 năm. Bên cạnh đó cũng có một số bệnh nhân cao tuổi vẫn rất tha thiết muốn có con và chúng tôi cũng phải nỗ lực để đồng hành cùng họ”.

Lần giở lại những thành công trong điều trị vô sinh hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đối với những trường hợp cao tuổi, dường như đối với các bác sĩ tại khoa HTSS vẫn còn nguyên cảm xúc. Ngay như trường hợp của chị Lê Thị Vinh ở TP Thanh Hóa (nhân vật đã được nói đến trong bài 1 - PV) cũng là một trường hợp điển hình. Ngoài ra còn có 2 cặp vợ chồng hiếm muộn, sinh con ở độ tuổi ngoài 60. Đây cũng là những bệnh nhân có nhiều kỷ niệm nhất với khoa, đặc biệt đối với bác sĩ Cao Thị Dung.

Với 2 cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi, họ đều có những lý do riêng của gia đình nên đối diện với áp lực phải sinh con sau thời gian dài đi khám và chữa trị ở nhiều nơi. Do tuổi cao nên 2 người vợ tử cung đã teo nhỏ, buồng trứng và nội mạc tử cung đã ngưng phát triển... Bác sĩ Dung kể lại: “Sau khi nghe những lời chia sẻ tâm sự và những thỉnh cầu từ phía gia đình, tôi đã thăm khám cụ thể và trao đổi rất kỹ lưỡng về những khó khăn, tỷ lệ thành công và những chi phí cần thiết nhưng gia đình vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng và chấp nhận tất cả các rủi ro nên chúng tôi tiến hành lập kế hoạch và triển khai thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo phác đồ xin noãn”.

Ngay từ đầu đã xác định rõ những khó khăn nhưng bất ngờ, điều kỳ diệu đã xảy ra. Đối với cặp vợ chồng thứ nhất, ở ngày chọc hút noãn sau khi đã dùng thuốc kích trứng, phải tiến hành mổ để sinh thiết tinh hoàn (TESE) và nuôi dưỡng tinh trùng trưởng thành trước khi đưa vào noãn để thực hiện quá trình thụ tinh. Sau 4 tháng thực hiện, sản phụ đã có thai ngay ở chu kỳ chuyển phôi đầu tiên và sinh bé bằng phương pháp mổ lấy thai ngày 3-4-2021. Thời điểm đó, sản phụ 61 tuổi.

Đối với cặp thứ 2, cũng thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nhưng sau khi tạo phôi, phải điều trị để tử cung tăng kích thước và nội mạc tử cung phát triển trở lại đến khi đủ điều kiện để chuyển phôi vào buồng tử cung, phải mất 10 tháng và cũng có thai ở ngay chu kỳ chuyển phôi đầu tiên. Ngày 28-8-2022, sản phụ đã sinh bé bằng phương pháp mổ lấy thai, khi ấy sản phụ 63 tuổi. (Hiện tại là sản phụ sinh con cao tuổi nhất ở Việt Nam bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm). “Chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi sự phát triển, sinh hoạt của các bé, vẫn đạt yêu cầu cả về thể chất và tinh thần", bác sĩ Dung cho biết.

Khó khăn hôm qua, thành quả hôm nay

Khoa HTSS - Bệnh viện Phụ sản cũng là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên của Việt Nam làm chủ được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và ngày càng phát triển. Khoa luôn đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật mới, tương đương với các bệnh viện lớn trong nước. Tỷ lệ có thai từ các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ngày càng được nâng cao từ 33% năm 2014 và năm 2022 là 65% (tương đương với tỷ lệ của các bệnh viện Trung ương và các thành phố lớn).

Đồng lòng vượt khóBác sĩ tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn.

Khi nói về thành quả của ngày hôm nay, BSCK II Mai Quang Trung vẫn chưa quên khó khăn của ngày đầu mới triển khai phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Khó khăn vì khi đó, thụ tinh trong ống nghiệm là một lĩnh vực rất mới tại Việt Nam. Lĩnh vực khó, đòi hỏi phải có sự khéo léo trong việc thực hiện thao tác trên trứng, tinh trùng và phôi. Điều kiện của LAB là phải rất nghiêm ngặt, thường phải đạt chuẩn quốc tế như: ISO 17025:2017 hoặc RTAC... thì việc thực hiện mới thành công và ổn định được.

Cũng theo bác sĩ Trung, giai đoạn quan trọng nhất của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm là nuôi cấy phôi trong tủ cấy đến giai đoạn chuyển được vào buồng tử cung. Bác sĩ nhớ lại: “Thời điểm đó, tức những năm 2007, sợ nhất là mất điện, tủ cấy ngừng hoạt động và nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi do khi ấy chưa có bộ tự động chuyển nguồn điện sang máy phát điện, thêm vào đó là toàn bộ hệ thống thụ tinh trong ống nghiệm chưa biết có hoạt động trơn chu không. Vì vậy, mỗi khi có thực hiện kỹ thuật chúng tôi đều phải thay nhau trực 24/24h trong phòng LAB để theo dõi mọi diễn biến và khắc phục nhanh nhất có thể. Có những đợt thường xuyên thực hiện nên tôi phải ở lại trong LAB 1, 2 tuần liên tục”.

Sau gần 20 năm thành lập, những câu chuyện đẹp đã được viết lên ở khoa HTSS - Bệnh viện Phụ sản. Đó là sự đồng lòng vượt khó, vượt khổ, nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên. Là niềm tin của những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn để chạm đến giấc mơ hạnh phúc: được làm cha, làm mẹ.

Bài và ảnh: Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]