(vhds.baothanhhoa.vn) - 75 doanh nghiệp giải thể, 846 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 là số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư. Con số này tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (44 doanh nghiệp giải thể và 567 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn). Điều đó cho thấy những khó khăn chồng chất khó khăn khi dịch COVID-19 tái bùng phát.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưu sinh trong mùa dịch : Từ những con số

75 doanh nghiệp giải thể, 846 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 là số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư. Con số này tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (44 doanh nghiệp giải thể và 567 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn). Điều đó cho thấy những khó khăn chồng chất khó khăn khi dịch COVID-19 tái bùng phát.

Mưu sinh trong mùa dịch : Từ những con số

Nhiều lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) giải quyết chính sách BHTN.

Nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thanh Hóa hiện có 132 dự án FDI đang hoạt động, trong đó có 35 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực giày da và may mặc, giải quyết việc làm thường xuyên cho 153.242 lao động. Nhìn lại hành trình từ khi bùng phát dịch COVID-19, có thời điểm các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh dự kiến cắt giảm khoảng 50.000 - 60.000 lao động. Tuy nhiên, với sự cố gắng vận hành và đấu mối các đơn hàng mà lượng lao động đã không bị cắt giảm theo kế hoạch. Song, thực tế là đơn hàng giảm, cộng thêm khan hiếm nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đã không thể không cho công nhân nghỉ việc.

Đối với nhóm lao động phổ thông thì có vẻ ảm đạm hơn, nhất là lao động thời vụ. TP Sầm Sơn là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Thông thường, vào mùa cao điểm - du lịch hè, hầu hết các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, đơn vị lữ hành có nhu cầu tuyển dụng từ 15.000 - 20.000 lao động. Nhưng từ năm 2020 đến đầu năm 2021, lực lượng lao động ở đây chỉ duy trì ở khoảng 10-15%.

Đánh giá về phân tầng lao động, ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Hiện nay, biến động mất việc làm ở nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật không nhiều, vì họ thuộc bộ khung ổn định tại các công ty. Trong khi đó nhóm lao động phổ thông từ 35 tuổi trở lên bị tổn thương nhất. Theo khảo sát, đối tượng này có nhiều năm kinh nghiệm, được hưởng chính sách tiền lương cao, trong khi đó sức khỏe bắt đầu vào giai đoạn suy giảm, độ nhanh nhạy không còn, nhất là lao động nữ. Vì thế các công ty thường đưa nhóm lao động này ra khỏi kế hoạch để giảm thiểu mức lương. Khi có nhu cầu họ có thể tìm kiếm lao động trẻ hơn, hoặc nếu sử dụng lại thì chỉ trả mức lương ban đầu.

Do dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã phải thanh lọc để tồn tại, khiến số người thất nghiệp ngày càng tăng cao. Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh, thành có số lượng người thất nghiệp lớn nhất trong cả nước sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Trung tâm Dịch vụ việc làm là đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định của pháp luật. Thời gian gần đây, có những ngày trung tâm này hướng dẫn làm thủ tục tư vấn, giải quyết chính sách BHTN cho từ 1.200 - 1.500 người. Riêng năm 2020, đơn vị này đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 33.000 người. 6 tháng đầu năm 2021, số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 10.787 người (giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2020); số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 9.622 người (giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020).

Mưu sinh trong mùa dịch : Từ những con số

Người lao động làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Đáng buồn nhất là số lượng người thanh toán bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng nhiều. Tính trong 6 tháng đầu năm 2021, có 14.531 người thanh toán BHXH một lần, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tháng 6-2021, có 2.451 người (bằng 89% so với tháng 5-2021). Nguyên nhân chính của tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bắt đầu từ năm 2020, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, số người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc tăng. Do đó, đến năm 2021 là thời điểm đủ 12 tháng nghỉ việc để thanh toán BHXH một lần. Đối tượng chính là những người trẻ, còn khả năng lao động, khi nhận khoản tiền BHXH một lần họ thấy được cái lợi trước mắt là giải quyết được một nhu cầu nào đó trong cuộc sống thường ngày. Thực tế là năm 2020, BHXH tỉnh Thanh Hóa phát triển mới được 29.406 người tham gia BHXH thì lại giải quyết cho 23.091 người hưởng BHXH một lần. Trong đó có những người dù đóng bảo hiểm nhiều năm nhưng vì lý do kinh tế đã phải xin rút một lần. Như trường hợp anh Lê Quyết Thắng (sinh năm 1968) cư trú tại xã Xuân Thịnh (Triệu Sơn), là lao động phổ thông của Công ty TNHH Xuyên Bình đã đóng BHXH được 19 năm 7 tháng, rút sổ BHXH một lần với mức hưởng là 112.392.819 đồng; anh Vũ Hoàng Minh (sinh năm 1975) hiện đang sống ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), là thợ điện bậc 5/7 của Chi nhánh Sông Đà 908, Công ty Cổ phần Sông Đà 9, đã đóng BHXH 18 năm 7 tháng, mức hưởng một lần là 148.295.655 đồng; chị Nguyễn Thị Ngoan (sinh năm 1980), công nhân vận hành máy nghiền bột giấy của Công ty Cổ phần Giấy Lam Sơn, hiện sống tại xã Vạn Hòa (Nông Cống), đã đóng BHXH được 18 năm 5 tháng, hưởng BHXH một lần với mức 67.840.723 đồng.

Dịch COVID-19 là cuộc thử thách nặng nề với cả người lao động và doanh nghiệp. Song trong cuộc thử thách ấy hoàn toàn không chỉ có những tổn thương, mất mát mà còn có những cơ hội tiếp thêm niềm tin cho người lao động. Theo công bố của Cục Thống kê Thanh Hóa, từ đầu năm đến ngày 22-6-2021, tỉnh đã thu hút được 49 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 13.105 tỷ đồng và 42,7 triệu USD; điều chỉnh vốn đầu tư 3 dự án tăng 9,7 triệu USD; phê duyệt 8 chương trình, dự án, với tổng số vốn 1,25 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới là 1.232, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 15.894 tỷ đồng (tăng 17% về vốn điều lệ đăng ký). Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 590 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (tăng 21,6 % so với cùng kỳ năm trước); tạo việc làm mới cho 27.500 lao động, tăng 62,5% so với cùng kỳ. Các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất công nghiệp, ngành thương mại và dịch vụ... đều có tăng trưởng dương. Một ví dụ cụ thể, trong khi rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dừng hợp đồng với người lao động thì Công ty Sunrise Sport (đứng chân tại xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa) bằng chính sách tiền lương, chế độ và đặc biệt là việc duy trì các đơn hàng nên dù có dịch COVID-19 nhưng họ không để bất kỳ một lao động nào nghỉ việc, thậm chí còn có nhu cầu tuyển dụng thêm. Một số doanh nghiệp vẫn phải tìm kiếm công nhân để vận hành hết công suất nhà máy như: NY Hoa Việt (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc); S&H Vina (xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành); IVORY Việt Nam ở Triệu Sơn và Hậu Lộc...

Để thích ứng với đại dịch COVID-19, mỗi doanh nghiệp phải tự tìm ra giải pháp và hướng đi, nhằm duy trì hoạt động sản xuất, đồng thời không quên đào tạo đội ngũ lao động để đáp ứng tốt việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi do dịch. Rõ ràng, ở thời điểm này, con đường mưu sinh của người lao động sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ít nhất, với những tín hiệu sáng, hy vọng họ sẽ bình tâm, kiên nhẫn và học hỏi để chờ đợi những cơ hội mới.

Bài và ảnh: Huyền Chi


Bài và ảnh: Huyền Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]