(vhds.baothanhhoa.vn) - Với trên 150 làng nghề, nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp đã góp phần không nhỏ vào việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân Thanh Hóa, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thiếu lao động có trình độ tay nghề cao là câu chuyện đang diễn ra ở nhiều nghề, làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động thủ công: Chuyện không dễ

Với trên 150 làng nghề, nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp đã góp phần không nhỏ vào việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân Thanh Hóa, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thiếu lao động có trình độ tay nghề cao là câu chuyện đang diễn ra ở nhiều nghề, làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động thủ công: Chuyện không dễSản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn đòi hỏi ở người lao động sự khéo léo, tỉ mỉ.

Thiếu lao động thủ công tay nghề cao

Sau 30 năm nỗ lực khôi phục, đến nay nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm ươm tơ ở làng nghề truyền thống Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa) đã cơ bản được khôi phục, mở rộng với đầu ra ổn định. Thay vì làm trọn các công đoạn như trước, giờ đây các gia đình làm nghề chủ yếu duy trì mô hình trồng dâu - nuôi tằm lấy kén bán.

Ông Hoàng Viết Đức, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thanh Đức (thị trấn Thiệu Hóa) chuyên thu mua kén của người dân về ươm tơ bán đi các tỉnh, cho biết: Mỗi tháng công ty sơ chế khoảng 6 tấn kén thô. Cứ 7kg kén cho 1kg tơ. Tuy nhiên, nếu so với chất lượng tơ của nhiều địa phương trong cả nước như Lâm Đồng, Nam Định… thì chất lượng tơ của làng nghề truyền thống Hồng Đô chưa cao. Điều đó dẫn đến giá thấp. Một phần do việc chăm sóc, nuôi tằm lấy kén của người dân không đúng yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến chất lượng kén không đảm bảo để ươm tơ lạnh, thay vào đó vẫn phải duy trì việc ươm tơ nóng. Giá bán thấp ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân làm nghề. Cụ thể, giá kén ở Hồng Đô hiện tại khoảng 90 nghìn đồng/kg (kén ở Lâm Đồng là 130 nghìn đồng/kg); giá tơ ươm nóng khoảng 500 nghìn đồng/kg (tơ ươm lạnh là 700 nghìn đồng/kg). “Xuất phát từ thói quen dễ dãi, xuề xòa của người dân, dù công ty đã nhiều lần trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm để cho chất lượng kén đảm bảo, song thay đổi thói quen thực sự là điều không dễ”, ông Đức chia sẻ.

Với khát vọng tạo ra những sản phẩm túi xách thủ công tinh tế, nguyên liệu từ tự nhiên đến với người tiêu dùng trên thế giới, anh Trần Doãn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ may Đức Hùng ở xã Nga Trường (Nga Sơn) vẫn đang từng bước chinh phục mục tiêu trên con đường khởi nghiệp của mình. Cùng với việc liên tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ thì một trong những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt là ít lao động lành nghề. Anh Trần Doãn Hùng, cho biết: “Thương hiệu túi xách Comay craft được làm thủ công 100%, hướng đến phân khúc khách hàng trung và cao cấp, nên sản phẩm cần được chăm chút kỹ lưỡng, tinh tế… Song thực tế, để tìm được nguồn lao động đáp ứng các tiêu chí sản phẩm là điều không dễ, dù doanh nghiệp đã đầu tư dạy nghề bài bản, hướng dẫn cầm tay chỉ việc và ngày công trả cho người lao động cao gấp đôi so với mặt bằng chung”.

Là một trong những người có công lớn trong việc đưa những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của vùng cói huyện Nga Sơn vươn ra thế giới, bà Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, thị trấn Nga Sơn đã dành trọn cuộc đời mình với cây cói và nghề truyền thống. Sau nhiều năm nỗ lực miệt mài, đến nay doanh nghiệp Việt Trang đã khẳng được vị thế của mình, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị hàng xuất khẩu đã đạt gần 25 tỷ đồng.

Được biết, những năm 90 trở về trước, sản phẩm của Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang chủ yếu là chiếu cói, tiêu thụ ở thị trường Liên Xô cùng các nước Đông Âu. Tuy nhiên, biến động chính trị của thế giới cùng sự thay đổi thói quen tiêu dùng đã khiến doanh nghiệp buộc phải thay đổi. Với sự năng động, nhạy bén, đến nay chiếu cói (thảm cói) chỉ chiếm 10% giá trị, còn lại 90% sản phẩm của Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang là hàng thủ công mỹ nghệ gia dụng (giỏ xách, thảm ngồi…) với đa dạng mẫu mã, phù hợp yêu cầu, thị hiếu người tiêu dùng ở các nước châu Âu.

Song, cũng theo chia sẻ của bà Trần Thị Việt: “Đối với hàng thủ công mỹ nghệ, việc thường xuyên phải thay đổi mẫu mã, phù hợp với công năng sử dụng, thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng là điều cần thiết. Với doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như Việt Trang, có những đơn hàng mẫu mã mới cần đến hàng trăm lao động trong thời gian ngắn, việc tìm kiếm được nguồn lao động có tay nghề cao, đáp ứng được yêu cầu là điều không dễ. Người lao động dù rất chăm chỉ nhưng lại “ngại” thay đổi, ngại làm các sản phẩm đòi hỏi tính thẩm mỹ cao. Dù được cầm tay chỉ việc nhưng không phải ai cũng chịu khó và kiên trì với nghề”.

Dạy nghề gắn với thực tế

Ngày 27-11- 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956), với mục tiêu trang bị kiến thức khoa học, kỹ năng cho người lao động ở khu vực nông thôn, tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, hướng đến ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế. Tại Thanh Hóa, có 58 nghề thuộc danh mục nghề đào tạo được UBND tỉnh phê duyệt (30 nghề nông nghiệp; 28 nghề phi nông nghiệp). Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: “Tùy theo từng ngành, nghề mà Đề án 1956 quy định những mức hỗ trợ khác nhau. Trong đó, các nghề thủ công như mây tre đan, cói, dệt thổ cẩm, mỹ nghệ sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, hoặc đào tạo nghề dưới 3 tháng. Tổng kết sau 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được của đề án, vẫn còn tình trạng một số đơn vị thực hiện còn hình thức, thiếu khả thi, chưa phù hợp với nguyện vọng của người lao động, chưa gắn với tình hình thực tế của địa phương”.

Là một trong những người được các địa phương mời đứng lớp dạy nghề cho người lao động được hưởng chính sách của Đề án 1956, bà Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của chính sách nhà nước. “Tuy nhiên, việc đào tạo, dạy nghề cần phải đúng và trúng. Có tình trạng địa phương làm theo kiểu hình thức. Nhiều người được hưởng chính sách (hộ nghèo, dân tộc thiểu số…) đi học nghề chỉ vì tiền hỗ trợ, không thực sự mong muốn “nắm nghề”. Vì vậy, tỷ lệ người lao động sau khi học nghề làm việc theo nghề chưa cao, gây lãng phí ngân sách nhà nước”.

Nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động thủ công: Chuyện không dễDo chất lượng kén không đảm bảo nên ở làng nghề Hồng Đô (Thiệu Hóa) vẫn phải duy trì việc ươm tơ nóng.

Để không rơi vào bị động cũng như đảm bảo tiến độ sản xuất theo đơn hàng của đối tác, Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang đã luôn chủ động dạy nghề cho người lao động. Bà Trần Thị Việt cho biết thêm: “Công ty có đội ngũ “giáo viên” là người lao động có tay nghề cao với khả năng truyền đạt, dạy nghề. Mỗi khi có đơn hàng mẫu mã mới, họ trực tiếp đến các địa phương có người lao động làm sản phẩm cho công ty (Nga Sơn, Hậu Lộc, Triệu Sơn,Thọ Xuân…) trực tiếp hướng dẫn, dạy nghề cho bà con. Thời gian đầu, toàn bộ chi phí dạy mẫu (nguyên liệu, sản phẩm hư hỏng) được công ty đầu tư. Khi sản phẩm đạt chất lượng sẽ được thu mua”.

Thực tế, ở nhiều địa phương, nghề tiểu thủ công nghiệp (đan lát, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt thổ cẩm…) vẫn được xem là nghề phụ, phù hợp với phần đa đối tượng là chị em phụ nữ lúc nông nhàn, không khắt khe về thời gian. Nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động được xem là một trong những giải pháp để nghề thủ công truyền thống phát triển bền vững, doanh nghiệp, chủ cơ sở có lao động tay nghề “tinh”, còn người lao động cũng có thu nhập chính từ nghề phụ.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]