(vhds.baothanhhoa.vn) - Với cách trang trí mang đậm phong cách thời “ông bà”, nhiều quán cà phê trên địa bàn TP Thanh Hóa đang hút khách "hoài cổ”, thích lạ lẫm. Phong cách độc, lạ này còn như một nét chấm phá, gợi lại truyền thống trong bức tranh thành phố sôi động, hiện đại.

Nét xưa giữa lòng thành phố

Với cách trang trí mang đậm phong cách thời “ông bà”, nhiều quán cà phê trên địa bàn TP Thanh Hóa đang hút khách "hoài cổ”, thích lạ lẫm. Phong cách độc, lạ này còn như một nét chấm phá, gợi lại truyền thống trong bức tranh thành phố sôi động, hiện đại.

Nét xưa giữa lòng thành phố

Chiếc xe đạp Favorit của anh Lê Ngọc Tùng (ảnh trên). Một góc của cà phê Mậu Dịch tái hiện thời bao cấp (ảnh giữa). Anh Đỗ Kiên Cường luôn trân trọng những kỷ vật của thời “ông bà” (ảnh dưới).

Nằm ngay trên con phố Lê Hoàn nhộn nhịp bậc nhất TP Thanh Hóa, quán cà phê Vợt có tông màu trầm, nhã nhặn kèm theo chút cũ kỹ, khiến nhiều người qua đường phải nhìn và thoáng nhớ về thời đã qua. Chủ quán, anh Lê Ngọc Tùng chia sẻ: “Ai trong chúng ta cũng đều có những ký ức rất đẹp về tuổi thơ. Thời gian trôi nhanh, chúng ta đã sống, bắt kịp nhịp sống hiện đại, hối hả. Nhưng đâu đó trong tâm trí của mỗi người đều hơn một lần mong ước có thể trở về quá khứ, quay lại tuổi thơ để được sống chậm lại những giây phút hồn nhiên xưa cũ. Với suy nghĩ đó, tôi đã lên ý tưởng mở một quán cà phê vừa là giải trí vừa là nơi dừng chân nhớ lại những ngày xưa”. Để hiểu sâu sắc cuộc sống thời “ông bà”, anh Tùng đã tự mày mò, nghiên cứu kiến thức qua sách vở, báo chí, trên mạng internet. Không những thế, anh còn dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe cụ ông, cụ bà kể chuyện ngày xưa. Anh nói: “Những câu chuyện của ông bà mang đến cho tôi sự sống động, chân thực nhất về thời trước".

Có vốn kiến thức nhất định, anh Tùng bắt tay vào khâu quan trọng nhất là sưu tầm hiện vật. Giờ đây, ở quán cà phê Vợt, mỗi một vật dụng, hiện vật bày trí đều đi cùng một câu chuyện về sưu tầm rất thú vị, xen lẫn cảm xúc. Chỉ tay vào chiếc xe đạp Favorit, anh Tùng hài hước: “Theo đuổi chiếc xe này không khác gì theo đuổi người yêu. Đến khi mang xe về, tôi còn chưa dám tin là mình đã mua được, một niềm vui sướng không thể tả nổi”. Anh kể, sau một lần vô tình nhìn thấy chiếc xe này, anh đã dò hỏi không biết bao nhiêu người, lê la không biết bao nhiêu quán xá. Khi biết rõ gia đình sở hữu chiếc xe, anh thường xuyên đến trò chuyện, bầu bạn với gia chủ và thuyết phục bán xe. Chiếc xe ấy cách đây vài chục năm là niềm mơ ước của rất nhiều gia đình khá giả. “Vào những năm 60 của thế kỷ trước, chiếc xe đạp Favorit có giá từ 1.000-2.000 đồng. Mua được chiếc xe này là niềm tự hào của nhiều gia đình, là gia tài lớn và được nâng như nâng trứng. Ngày nay những chiếc xe Favorit còn nguyên bản, có thể sử dụng còn lại rất ít, được dân sưu tầm mua bán với giá lên đến hàng trăm triệu đồng”, anh Tùng khẳng định.

Tuy quán nhỏ, nhưng anh Tùng vẫn dành riêng một góc trưng bày những bài báo, tranh cổ động ngày xưa. Khung tranh anh tự làm bằng khung cửa chớp. Đây cũng là góc để khách hàng chụp những bức ảnh lưu niệm, mang màu sắc hoài cổ.

Còn với quán cà phê Mậu Dịch (số 54, Hàn Thuyên, TP Thanh Hóa), từ tên gọi cho đến phong cách đều toát lên phong cách của thời bao cấp. Ngay khi bước chân vào quán, khách hàng sẽ cảm nhận được thiết kế điển hình thời kỳ bao cấp, với những vật dụng, cách bày trí, ve tường, menu của quán... Bác Nguyễn Hùng Tô, 75 tuổi, là khách hàng quen của quán, tâm sự: “Tôi thường đến quán thưởng thức cà phê và nhớ lại một thời đã qua. Như chiếc quạt con cóc ở đây là hàng hiếm, thời trước được phân phối về các cơ quan để nhân viên bốc thăm, ai may mắn mới có được. Hay chiếc bàn là Liên Xô, máy ảnh... thì chỉ những gia đình khá giả hoặc có người đi học ở Liên Xô mới có. Gia đình nào có bộ ấm chén hoa hồng uống nước thì sang lắm. Rồi chiếc biển “ưu tiên cho người có thẻ thương binh” thể hiện sự ưu ái dành cho các thương binh không phải xếp hàng chờ đợi mua lương thực, thực phẩm. Tôi đến đây, ngoài thưởng thức đồ uống, còn như được sống lại với những kỷ niệm ngày tháng cơ hàn”.

Ở quán Mậu Dịch có một góc riêng mà theo chủ quán Đỗ Kiên Cường là nơi tuyệt vời nhất. Đó là chiếc tủ kính đã mờ trưng bày những kỷ vật tinh thần “huyền thoại” của một thời không thể nào quên. Đó là những quyển sổ mua lương thực, những bức thư tình từ những năm 60, giấy chứng nhận quyền sở hữu xe đạp, giấy chứng nhận sử dụng máy thu thanh... Nhìn những quyển sổ này khách hàng phần nào hiểu được cuộc sống thời tem phiếu. Thời đó, những tem, phiếu này là những tờ giấy có “quyền lực” nhất, bởi nó là quy định bắt buộc để được cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống, nếu chẳng may bị mất thì coi như cả tháng đó phải ăn dè hà tiện, thế nên mới có câu “mặt ngệt như mất sổ gạo”. Những tem phiếu này mất không được cấp lại và có tiền cũng không mua được.

Những hiện vật ấy được chủ quán Mậu Dịch bố trí bên cạnh những bàn ghế với kiểu dáng ngày xưa. Màu tường cũng được anh Cường quét ve với tông màu trầm là chủ đạo.

Anh Cường cho biết, sự độc đáo, thú vị của quán đã thu hút nhiều cựu chiến binh từ nhiều nơi đến chiêm ngưỡng, ôn lại kỷ niệm. Rất nhiều đôi bạn trẻ cũng đã đến đây chụp ảnh cưới,...

Ở TP Thanh Hóa có đến hàng trăm quán cà phê, với nhiều cá tính, phong cách khác nhau, như: sân vườn, công nghiệp, thư viện, hiện đại, tối giản... Nhưng phong cách hoài cổ đang chiếm ưu thế và “ăn” khách trong số này. Và nhiều khách hàng đến quán cà phê không chỉ vì để thưởng thức đồ uống mà muốn “ẩn” vào một không gian bình dị, ấm áp của người xưa. Không gian quán giúp khách hàng thư giãn, được sống chậm lại giữa những xô bồ, hối hả giữa phố phường hiện đại.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]