(vhds.baothanhhoa.vn) - Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn đang diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đời sống người dân... Ngăn chặn tình trạng này là điều không hề dễ dàng và cần sự phối hợp từ nhiều phía.

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong mùa dịch COVID-19

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn đang diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đời sống người dân... Ngăn chặn tình trạng này là điều không hề dễ dàng và cần sự phối hợp từ nhiều phía.

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong mùa dịch COVID-19Gần 500kg bánh kẹo và đồ ăn nhanh của hộ kinh doanh bà N.T.L đã hết hạn sử dụng được Đội QLTT số 1, Cục QLTT Thanh Hóa phát hiện, thu hồi, tiêu hủy.

Thời gian qua, công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm SHTT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng giả, hàng nhái thương hiệu vẫn trà trộn vào thị trường, khiến người tiêu dùng (NTD) rất khó phân biệt. Bởi, các loại hàng này được làm giả, nhái rất tinh vi.

“Mục sở thị” tại một số cơ sở kinh doanh quần áo trên địa bàn TP Thanh Hóa, không khó để tìm thấy những sản phẩm mang thương hiệu từ cao cấp đến bình dân nhưng có giá rẻ hơn các sản phẩm cùng loại do Việt Nam sản xuất. Đến cơ sở kinh doanh quần áo trên địa bàn phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), cầm một chiếc áo khoác thể thao nhãn hiệu Adidas trên tay, tôi được nhân viên bán hàng cho biết: Đây là hàng “super fake” (giống hàng thật đến 99%), giá chỉ 600.000 đồng/chiếc - rẻ gần một nửa so với giá áo thật trên thị trường… Ở đây phần lớn là hàng đặt ở các xưởng sản xuất bên Trung Quốc làm nhái. Chỉ cần khách đưa mẫu ưa thích là cửa hàng có thể đặt làm giống hệt, từ chất liệu đến kiểu dáng.

Để từng bước ngăn chặn hàng giả, hàng nhái giả mạo nhãn hiệu, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thanh Hóa đã triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người sản xuất, kinh doanh và NTD về hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổ chức gian hàng mini trưng bày hàng thật - hàng giả tại các điểm có đông dân cư, khu vực chợ trên địa bàn toàn tỉnh của cán bộ QLTT (vào thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19) giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết hàng thật, hàng giả.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng luôn được Cục QLTT coi trọng. Thông qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong năm 2020, lực lượng QLTT Thanh Hóa đã phát hiện, xử lý 3.087 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT..., phạt vi phạm hành chính số tiền trên 10 tỷ đồng. 10 tháng của năm 2021 xử lý 1.697 vụ, phạt vi phạm hành chính số tiền gần 5 tỷ đồng, giảm 904 vụ, giảm 1,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Đáng nói số vụ vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và quyền SHTT có chiều hướng gia tăng. Điển hình cho những vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng và SHTT phải kể đến vụ Công ty TNHH MOTOR LIFE, địa chỉ: Lô A3 KCN Tây Bắc Ga, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) có dấu hiệu sản xuất hàng giả nhưng gắn mác “Made in USA” hoặc “Xuất xứ: Mỹ”, gồm các sản phẩm phụ gia chăm sóc ô tô, xe máy, dung dịch làm sạch hệ thống xăng, dung dịch súc rửa động cơ, dung dịch xử lý chống ma sát bảo vệ động cơ, keo vá lốp. Công ty này đã bị Đội QLTT số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa và Phòng PC03 - Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện, bắt quả tang vào ngày 6-7-2021 khi đang tổ chức sản xuất các mặt hàng trên. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty không xuất trình được các giấy tờ, hóa đơn chứng từ có liên quan đến hoạt động sản xuất và nguyên vật liệu phục vụ quá trình sản xuất. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ hơn 25.000 sản phẩm hàng hóa các loại và toàn bộ nguyên vật liệu, công cụ, phương tiện, máy móc để xác minh làm rõ tình tiết. Do vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã chuyển cơ quan công an điều tra theo quy định của pháp luật.

Hay như vụ vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm vừa được Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa và Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Thanh Hóa phát hiện vào ngày 17-9-2021. Người vi phạm là bà N.T.L, số 02, ngõ Phùng, phố Trần Xuân Soạn, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) kinh doanh hàng hóa, thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của bà L. có gần 500kg bánh kẹo và thức ăn nhanh đã hết hạn sử dụng. Toàn bộ số hàng này, bà L. biết đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn bán cho NTD. Hành vi của bà L. không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân mà còn vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa, thực phẩm trên.

Đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại trong mùa dịch COVID-19 tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần ổn định thị trường. Song, dự báo từ nay đến cuối năm 2021, nhất là vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại nhằm thu lợi bất chính sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành của người kinh doanh, NTD lực lượng QLTT tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, quản lý địa bàn, đối tượng, nắm bắt thông tin về phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm... Tin rằng, với sự quyết tâm và các giải pháp đồng bộ, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi NTD.

Bài và ảnh: Long Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]