(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghề sửa chân vịt tàu cá hay còn gọi là nghề ép chóng, sửa chóng, đập tai chân vịt… đã không còn xa lạ với người dân làm nghề đánh bắt. Tuy không có nhiều “đất diễn” như thợ sửa máy, nhưng với tầm quan trọng của chân vịt với các con tàu, thợ sửa chân vịt vẫn sống khỏe.

Người đàn ông hiếm hoi còn giữ nghề sửa chân vịt ở làng biển Hậu Lộc

Nghề sửa chân vịt tàu cá hay còn gọi là nghề ép chóng, sửa chóng, đập tai chân vịt… đã không còn xa lạ với người dân làm nghề đánh bắt. Tuy không có nhiều “đất diễn” như thợ sửa máy, nhưng với tầm quan trọng của chân vịt với các con tàu, thợ sửa chân vịt vẫn sống khỏe.

Người đàn ông hiếm hoi còn giữ nghề sửa chân vịt ở làng biển Hậu Lộc

Ông Ngô Ngọc Quý là thợ sửa chân vịt hiếm hoi còn giữ nghề ở làng hiển Hậu Lộc.

Nắng sớm vừa chạm trên ngọn dương xanh cũng là lúc tiếng kéo lê sền sệt, tiếng búa gõ vào chân vịt vang lên chói tai ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.

Ở làng biển này, không ngư dân nào không biết đến ông Ngô Ngọc Qúy với ngón nghề độc đáo: chỉnh lái chân vịt những con tàu - từ chuyên môn còn gọi là a - líc, đọc trại từ helice - tức cánh quạt. Ông có lẽ là người duy nhất còn làm thủ công nghề này ở 6 xã miền biển huyện Hậu Lộc.

Căn nhà nhỏ nằm ngay góc chợ cóc ngổn ngang chân vịt tàu thuyền. Ông Quý cùng con trai đang chỉnh sửa chiếc chân vịt nặng gần 1 tạ. 69 tuổi nhưng trông ông vẫn còn rất khỏe, chỉ có đôi tai thì không còn nhanh nhạy.

Gồng đôi tay chắc nịch, ông xoay chiếc chân vịt đường kính hơn 1m của một tàu cá vỏ gỗ đều từng vòng một và chăm chú quan sát. Đặt chiếc chân vịt dưới nền gạch, ông dùng một thước đo, một sợi dây ni lông mảnh để đo kích cỡ các cánh quạt, xác định, đánh dấu vị trí những chỗ bị vênh… Sau đó, ông dùng cùm có 2 đầu búa thủy lực kẹp và tiếp tục dùng búa gõ nhẹ để uốn nén các cánh quạt, rồi dùng cây giũa mài nhẵn các phần lồi lõm chưa ưng ý. Chiếc chân vịt nặng gần 1 tạ xoay tròn trên nền gạch gọn gàng dưới đôi tay của ông đến khi dừng hẳn.

Người đàn ông hiếm hoi còn giữ nghề sửa chân vịt ở làng biển Hậu Lộc

Chân vịt cong, vênh sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ và hao dầu.

Ngừng tay búa, ông nói: “Nhìn thấy đơn giản, cứ hai tay cầm hai búa gõ gõ vậy đấy, chứ tay ngang mà cầm vào gõ là cánh quạt này vứt ngay, xem như tiền triệu của chủ tàu phải bán đồng nát".

Theo ông, cái chính là người thợ phải dùng mắt ngắm để xác định tai chân vịt nào cong, tai nào bị lệch tâm… rồi lấy điểm chuẩn và nhịp nhàng gõ búa tại các vị trí đã đánh dấu để trả mọi thứ trở lại vị trí tối ưu.

Lại tùy theo máy của con tàu, vòng quay của chân vịt mà đập cho tai mỏng, dày, dẹp, tròn, thon… Cũng có khi cùng một máy, cùng công suất, cùng kích cỡ nhưng tàu cũ - mới khác nhau thì chân vịt cũng dày, mỏng, to, vuông, dẹp khác nhau… chứ không phải muốn gõ thế nào là gõ.

Người đàn ông hiếm hoi còn giữ nghề sửa chân vịt ở làng biển Hậu Lộc

Sau khi xác định được vị trí hư hỏng của chân vịt, ông dùng búa gõ để đưa tất cả vào đúng vị trí vốn có của nó.

Theo ông, tàu cá trong quá trình hoạt động trên biển có lúc va vào đá ngầm, mắc cạn khiến chân vịt bị hư hỏng, vì vậy cần phải sửa chữa lại để đảm bảo tàu chạy êm, lợi dầu. Bởi, chân vịt bị vênh thì tàu chạy chậm, rung lắc, hao dầu.

Người đàn ông hiếm hoi còn giữ nghề sửa chân vịt ở làng biển Hậu Lộc

Tùy theo máy của con tàu, vòng quay của chân vịt mà đập cho tai mỏng, dày, dẹp, tròn, thon…

Cách đây hơn 40, trước khi trở thành thợ sửa chân vịt, ông Quý đã là một thợ máy ngày ngày cặm cụi với dầu nhớt, ốc vít. Thời đó, nghề biển ở Ngư Lộc vẫn còn đơn sơ với tàu gỗ, máy nhỏ công suất vài chục CV (mã lực). Những người thợ sửa chữa tàu, thuyền như ông có thể kiêm từ A-Z: sửa máy, chân vịt, vào xảm…

Thời gian trôi qua nghề biển phát triển theo hướng công nghệ hóa, hiện đại hóa, lớp người làm nghề “đa di năng” như ông vơi dần theo từng năm. Lớp trẻ học nghề cũng chỉ muốn tập trung vào một lĩnh vực để nhanh ra nghề, đa phần họ chọn sửa máy vì đây là lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển. Có lẽ vì thế mà đến thời điểm hiện tại, ông Quý trở thành “hiếm” ở làng biển này khi vẫn duy trì nghề sửa chóng.

Người đàn ông hiếm hoi còn giữ nghề sửa chân vịt ở làng biển Hậu Lộc

Cũng có khi cùng một máy, cùng công suất, cùng kích cỡ nhưng tàu cũ - mới khác nhau thì chân vịt cũng dày, mỏng, to, vuông, dẹp khác nhau… chứ không phải muốn gõ thế nào là gõ

Sở hữu ngón nghề “độc”, ông có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó mà ông lo được cho gia đình, các con mỗi người một cơ ngơi.

“Tùy theo kích cỡ chân vịt mà tôi tính tiền công, có khi 200 - 300 nghìn đồng, với tai lớn thì tiền triệu cho mỗi lần sửa. Mọi người cứ thường đùa, gõ có mấy gõ mà lấy tiền triệu, tôi cũng chỉ biết cười trừ. Gõ một gõ mà tiết kiệm được mấy trăm lít dầu, đáng đồng tiền mà”, ông chia sẻ.

Ông khẳng định sẽ gắn bó với nghề cho đến khi không thể làm được nữa mới thôi. Đây không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì trách nhiệm với quê hương. Bởi ông biết, nếu ông dừng lại sẽ không còn ai chăm sóc những chiếc chân vịt, người dân sẽ phải vất vả chở chân vịt đi nơi khác sửa chữa.

Ông cũng mong muốn cậu con trai út sẽ kế nghiệp ông duy trì và phát triển cái quán nhỏ nơi góc chợ này.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]