(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày trước khi con tôm, con cá còn nhiều, người dân vạn chài còn tha thiết bám sông, bám nước. Giờ sông đục, nước cạn, cá tôm khan hiếm, đa phần họ phải xoay xở đủ nghề mới đủ miếng ăn. Những con thuyền không còn là phương tiện kiếm sống mà chỉ còn là nơi trú ngụ, vì vậy, điều cần nhất với người dân vạn chài lúc này, chính là có “tấc đất cắm dùi” để “an cư, lạc nghiệp”, con cái được đến trường học hành.

Người dân xóm chài Thành Công và giấc mơ an cư

Ngày trước khi con tôm, con cá còn nhiều, người dân vạn chài còn tha thiết bám sông, bám nước. Giờ sông đục, nước cạn, cá tôm khan hiếm, đa phần họ phải xoay xở đủ nghề mới đủ miếng ăn. Những con thuyền không còn là phương tiện kiếm sống mà chỉ còn là nơi trú ngụ, vì vậy, điều cần nhất với người dân vạn chài lúc này, chính là có “tấc đất cắm dùi” để “an cư, lạc nghiệp”, con cái được đến trường học hành.

Người dân xóm chài Thành Công và giấc mơ an cưNgười dân xóm chài Thành Công vui mừng vì sắp được nhà nước hỗ trợ lên bờ sinh sống.

Tôi háo hức với hành trang trở lại xóm chài Thành Công sau khi tỉnh Thanh Hóa thực hiện chủ trương quyết tâm đưa các hộ đồng bào sinh sống trên sông lên cạn, ổn định cuộc sống trong giai đoạn 2022 - 2023. Một thông tin không thể vui hơn với bà con vạn chài và cả với cá nhân tôi, khi nhớ về từng mảnh đời đã gặp nổi trôi trên con thuyền cũ kỹ qua những khúc sông dập dềnh sóng nước.

Đẩy vội chiếc xe máy vào một lùm cây bên bờ sông nhà Lê (đoạn qua cầu Sâng, TP Thanh Hóa) tôi vẫy tay gọi anh Hồng, anh Tuyết... khi xóm chài Thành Công vừa thức giấc. Người lớn ngó nhìn, lũ trẻ thì nhao nhao chú Tuyết, chú Hồng ơi, có người gọi! Anh Thủy, cán bộ Mặt trận Tổ quốc phường Đông Thọ đi cùng vỗ vai tôi tếu: “Chú đến xóm chài này, khéo họ còn quen mặt hơn cả tôi ấy nhỉ!”.

Khúc sông nhà Lê trên dưới 20 nóc thuyền thường trực dập dềnh, giằng níu nương tựa vào nhau. Dưới những con thuyền cũ kỹ, lũ trẻ nháo nhác thức dậy, nô nhau từ bao giờ; các chị, các mẹ tất bật với những thau chậu giặt giũ; một vài thanh niên tụ lại chuyện trò... tất cả thu lại như một bức tranh xám bạc, nghèo nàn.

Vẫn như thường lệ, anh Hồng với dáng người nhỏ thó, ngó đầu qua liếp cửa mạn thuyền rồi nhanh như một con sóc, dùng hai tay chống xuống mép thuyền, dồn sức bật đưa đôi chân tật nguyền chuyển sang con xuồng nhỏ một cách thuần thục, rồi khua mái chèo vào bờ đón chúng tôi.

Trên con thuyền nhỏ, đồ đạc, quần áo, xoong nồi bầy la liệt... Anh Hồng vơ vội mấy bộ quần áo, để gọn mấy cái nồi vào một góc, nhường chỗ cho chiếc chiếu cũ trải ra, phân trần: “Cán bộ với anh thông cảm, nhà đông con, hễ dọn gọn gàng, lũ trẻ lại bầy ra”. Cũng chẳng trách được lũ trẻ xóm chài, không gian, sân chơi với các con ngày hè, chỉ là những khoang thuyền chưa đầy 10m2. Chơi chán trò này, nhà này, thì chúng neo qua nhà khác đùa nghịch. Chúng tự chơi với nhau như một nhiệm vụ không được phiền hà, níu chân bố mẹ. Không như đám trẻ phố thị có điều kiện, ngày hè được đi công viên, đi học bơi, học múa...

Nhìn lũ trẻ, nét mặt anh Hồng tỏ sự kỳ vọng, nhưng cũng hiển hiện rõ nỗi lo âu. Chẳng biết đời anh là đời thứ bao nhiêu làm dân vạn chài, chỉ biết từ đời nội, đời bố đã gắn với nghề sông nước như một định mệnh. Nhưng anh tin nếu lên cạn, cuộc sống sẽ ổn định, con cái được đến trường đều đặn hơn. Đời chúng nó rồi sẽ khá hơn đời ông, cha nó.

Anh Hồng buông ánh mắt nặng trĩu nhìn vào khúc sông đục mà thở dài: “Sông đục cạn, cá tôm chẳng còn là bao. Mấy chục con thuyền neo đậu ở đây gần như cố định để ở. Đa phần người dân lao động đều lên bờ làm thuê, làm mướn. Người thì phụ hồ, người xe ôm, bốc vác; cánh phụ nữ thì đẩy xe bán mớ rau, rổ hoa quả, hoặc đi làm thuê cho các nhà hàng, quán ăn... Nghề sông nước một thời giờ đã là quá vãng”.

Với anh Hồng, kiếm tìm một công việc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đôi chân bị tật bẩm sinh không thể lao động nặng. May sao có người chỉ mách, anh kết duyên với nghề bán hàng rong. Rong ruổi trên chiếc xe 3 bánh, mỗi ngày anh cũng phụ vợ được trên dưới 100 nghìn đồng. Anh nói: “Bán thì ít, khách họ thương, họ cho thì nhiều”. Mấy hôm nay trời nắng gắt, sức lực của anh sa sút thấy rõ. Đôi tay vì cố sức lăn xe mà phồng, rộp tứa máu. Vợ anh nói ở nhà nhưng anh nhất quyết đòi đi, cốt có đồng ra, đồng vào cho con cái ăn học.

Tôi nhớ, cái lần đầu về làng chài này, xóm khi đó đông đúc lắm, có cả gần trăm nóc thuyền. Cuộc sống nghèo khó trăm bề, nhưng xóm chài vẫn không ngừng tăng hộ, thêm thuyền. Trái ngang bởi, dù gia đình không còn cái gì để ăn... họ vẫn đẻ. Đẻ càng đông con, gia đình càng hạnh phúc, đó là quan niệm của người dân vạn chài.

Người dân xóm chài Thành Công và giấc mơ an cưXóm chài Thành Công.

Như gia đình anh Nguyễn Văn Tuyết (sinh năm 1978), có thuyền neo đậu ngay bên thuyền nhà anh Hồng, đã thấm cái cảnh “con đàn cháu đống”, và cái nghèo cứ mãi đeo bám. Hai vợ chồng đã có 5 mặt con, hai đứa con đầu cũng đã lập gia đình. Hai vợ chồng với 3 đứa nhỏ còn lại bám víu vào nhau trên chiếc thuyền cũ kỹ, lòng thuyền chẳng đủ xoay ngang, xoay dọc cho ngon giấc mỗi đêm của 5 người.

Anh Tuyết buông tiếng thở dài: “Khó khăn thì có thể chịu được, chúng tôi sợ nhất là bão lũ. Đa phần các tàu thuyền đều đã cũ kỹ, xuống cấp. Nếu gặp bão lớn, nguy cơ toàn bộ tài sản, thuyền bè có thể mất trắng bất cứ lúc nào”.

Với lại, như anh nói, thì dù nước sông ô nhiễm, nhưng bà con vẫn phải dùng để tắm rửa. Nước để ăn uống thì các hộ phải mua. Để có ánh sáng cho con cái học hành đêm khuya thì phải đấu mắc nhờ điện của các hộ trên cạn, hàng tháng đều phải trả với mức giá cao.

Để duy trì cuộc sống, đa số các hộ đã kiếm tìm việc làm trên cạn. Vì vậy mà nguyện vọng của anh Tuyết, anh Hồng cũng như các hộ dân khác ở làng chài Thành Công là được lên cạn tái định cư. Có nhà cửa kiên cố sẽ an cư, lạc nghiệp.

Chẳng đâu xa, 36 hộ dân được tái định cư lên cạn tại phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) những năm trước, giờ đã có công ăn việc làm ổn định. Nhiều nhà còn được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng mua được cả xe vận tải, taxi chạy dịch vụ... cho nguồn thu nhập đáng kể. Con cái họ cũng được đi học đều đặn, gần như không còn trường hợp bỏ học dở chừng. Hay như 66 hộ dân làng chài Thủy Long, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) sau khi lên cạn tái định cư, cuộc sống đã đi vào ổn định, con cái được học hành, đi xuất khẩu lao động, làm công nhân tại các công ty, nhà máy...

Chia tay bà con xóm chài Thành Công, sự kỳ vọng, niềm vui mừng toát lên qua từng ánh mắt, nụ cười sau khi được cán bộ mặt trận truyền đạt lại quan điểm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Trong giai đoạn 2022 - 2023, các cấp, ngành, địa phương sẽ nỗ lực bố trí đất tái định cư cho bà con sinh sống trên sông lên cạn ổn định cuộc sống.

“Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 10-10-2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV về đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, các cấp ủy chính quyền đã quan tâm cấp đất, hỗ trợ xây dựng 812 nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông... Khảo sát cho thấy, hiện nay còn 324 hộ cần được hỗ trợ về đất ở và kinh phí xây dựng nhà cửa, ở TP Thanh Hóa và 6 huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]