(vhds.baothanhhoa.vn) - “Mỗi ngày đều phải chạy đua với thời gian để cứu chữa bệnh nhân nặng, là một áp lực mà không phải ai cũng có thể đảm nhiệm được”, điều dưỡng Phạm Thị Ngọc Linh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã chia sẻ những trải nghiệm không bao giờ quên của tháng năm tuổi trẻ khi trực tiếp tham gia và tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Người trẻ và những câu chuyện đẹp: Sẵn sàng lao vào tâm dịch

“Mỗi ngày đều phải chạy đua với thời gian để cứu chữa bệnh nhân nặng, là một áp lực mà không phải ai cũng có thể đảm nhiệm được”, điều dưỡng Phạm Thị Ngọc Linh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã chia sẻ những trải nghiệm không bao giờ quên của tháng năm tuổi trẻ khi trực tiếp tham gia và tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Người trẻ và những câu chuyện đẹp: Sẵn sàng lao vào tâm dịchĐiều dưỡng viên Lương Thị Hoài Thanh (mặc áo dài trắng) trong buổi lễ kết nạp Đảng trực tuyến tại TP Hồ Chí Minh.

Tin liên quan:

Khi nghe tin Sở Y tế cử đoàn y bác sĩ vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch, không nghĩ ngợi nhiều Ngọc Linh viết đơn tự nguyện tham gia ngay đợt đầu tiên, bởi “mình đang còn trẻ và mình muốn cống hiến”. Tháng 7-2021, vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh giữa lúc căng thẳng, khốc liệt nhất nhưng cô gái trẻ Phạm Thị Ngọc Linh không những làm tốt vai trò điều dưỡng của mình mà ngược lại còn truyền nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần vượt khó, động viên người bệnh chiến thắng bệnh tật trở về với cuộc sống bình thường.

Làm việc tại Bệnh viện COVID-19 quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), thời gian đầu do thiếu nhân lực, mỗi ca làm việc của Linh và đồng nghiệp thường kéo dài 12 tiếng trở lên. Những khó khăn, cực nhọc khi là lực lượng tuyến đầu trong tâm dịch khó có thể diễn tả bằng lời, nhưng Linh vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc bởi “mình đang còn sức khỏe để chăm cho bệnh nhân”. Suy nghĩ tích cực như vậy nên dù làm việc trong môi trường áp lực, cơ thể nhỏ bé phải gánh chịu sức nặng, nóng, bí bách của bộ đồ bảo hộ và khuôn mặt bị che lấp bởi khẩu trang, kính chắn giọt bắn, nhưng tiếng cười của Linh vẫn luôn vang lên trong những cuộc trò chuyện, động viên người bệnh. Thời kỳ đó bệnh nhân mắc bệnh bị cách ly hoàn toàn, chỉ tiếp xúc với nhân viên y tế. Thấu hiểu cảm giác xa vắng, cô quạnh ấy, Linh và đồng nghiệp xem bệnh nhân như người nhà, không chỉ là chăm sóc, mà còn có cả sự tận tình và yêu thương. Linh kể lại: “Tôi còn nhớ bệnh nhân tên Nam, 70 tuổi, chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng nặng, phải thở máy, nằm viện quá lâu cơ thể lở loét nặng, người gầy yếu. Nhìn thấy tình trạng của ông, những y bác sĩ như chúng tôi thực sự không cầm được nước mắt. Không ai bảo ai cứ 2 giờ đồng hồ là chúng tôi đến hỗ trợ ông vệ sinh, lật trở người, nạp dinh dưỡng. Như một phép màu, ông từ từ hồi phục. Ngày ra viện ông cầm tay từng nhân viên và nói lời cám ơn: Hôm nay là sinh nhật 1 tuổi của tôi, cám ơn các y bác sĩ đã cho tôi cuộc đời thứ 2”.

Ở tuyến đầu trong tâm dịch, có những lúc Linh buồn và cảm thấy bất lực, chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân có cơ hội chị và đồng nghiệp cố gắng dồn tâm dồn sức, suy nghĩ tìm tòi phác đồ cứu chữa cho bệnh nhân. Những lúc như vậy, sự động viên từ gia đình, bạn bè và từ chính người bệnh đã giúp Linh lấy lại tinh thần, vững bước tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh.

Cùng chung nhiệt huyết và bầu máu nóng, điều dưỡng Lương Thị Hoài Thanh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã có mặt trên chuyến xe đầu tiên (ngày 13-7-2021) đưa y bác sĩ của tỉnh Thanh Hóa vào Nam hỗ trợ chống dịch. Với Thanh, 2 tháng tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh là quãng thời gian giá trị và nhiều trải nghiệm nhất trong sự nghiệp, mà đến bây giờ nhìn lại chị nhận ra rằng, đó chính là tinh thần tuổi trẻ và trách nhiệm đối với đồng loại và cộng đồng.

Xung phong lên tuyến đầu, chị Thanh phải tạm gác lại trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Chị tâm sự: “Nghề là nghiệp, hơn thế nữa rất nhiều y bác sĩ tuổi cao, sắp về hưu vẫn đang đứng ở tuyến đầu, mình còn trẻ nếu không xung kích lúc này thì đợi lúc nào nữa”. Chính vì thế nên dù phải làm việc 12h liên tục không nghỉ, phải nhịn ăn, nhịn uống trong môi trường làm việc nguy cơ cao nhiễm COVID-19, cơ thể rã rời vì áp lực công việc cùng nỗi nhớ gia đình da diết, nhưng chị vẫn làm trụ vững, miệt mài với công việc. Chị và đồng nghiệp luôn ưu tiên và hy sinh cho bệnh nhân. “Có thời điểm hơn nửa số nhân viên nhà bếp nhiễm bệnh nên không đủ đáp ứng nhu cầu ăn uống cho người bệnh. Lúc đó mình và đồng nghiệp đã tiết kiệm những suất ăn tại khách sạn, kêu gọi từ thiện, cố gắng bằng mọi cách cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh”. Vì vậy nhiều hôm bữa trưa của chị Thanh lúc 15h chiều, còn bữa tối là 23h đêm.

Người trẻ và những câu chuyện đẹp: Sẵn sàng lao vào tâm dịchPhạm Thị Ngọc Linh (giữa, hàng đầu) cùng đồng nghiệp xếp hình ngôi sao hy vọng.

Một điều đáng quý ở người trẻ là càng trong khó khăn thì tinh thần cộng đồng, vì mọi người càng thể hiện rõ. “Làm việc với cường độ cao nhưng rất ít y bác sĩ xin nghỉ. Bởi nếu nghỉ thì đồng nghiệp của mình lại phải gánh thay, nên dù có mệt đến đâu thì mọi người vẫn cố gắng làm tốt phần việc của mình, vì mọi người”, chị Thanh chia sẻ. Tôi hỏi: Những lúc quá mệt thì chị phải làm thế nào?, chị nói: “Mệt quá thì tìm chỗ nào trống ngồi nghỉ một chút. Chỉ một chút thôi vì bệnh nhân đang đợi mình. Hơn nữa chúng tôi làm việc trong đó không có khái niệm về thời gian, một khi vào ca là bị cuốn luôn, không để ý đến những thứ khác. Đến khi thấy đoàn y bác sĩ khác vào thay mới biết mình hết ca”.

Dấu ấn cống hiến của Phạm Thị Ngọc Linh và Lương Thị Hoài Thanh trở nên đẹp hơn khi cả hai “chiến sĩ” được làm lễ kết nạp Đảng tại “chiến trường” TP Hồ Chí Minh. Vinh dự, tự hào và xúc động là cảm xúc của cả hai khi kể lại giây phút thiêng liêng đọc lời thề dưới lá cờ Đảng. Đứng vào hàng ngũ của Đảng, cả hai tự hứa sẽ tiếp tục xung kích trên mặt trận phòng chống dịch, xứng đáng với niềm tin mà mọi người gửi trao.

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, câu nói thể hiện đúng tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Những người trẻ tuổi xứ Thanh đã và đang là lực lượng xung kích đi đầu trong mọi lĩnh vực và có mặt tại mọi điểm nóng của xã hội.

Tại lễ tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Những câu chuyện đầy cảm xúc, những tấm gương người tốt, việc tốt nở rộ từ trong muôn vàn gian khó của công cuộc phòng, chống dịch bệnh đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, quý trọng. Đó thực sự là những bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về tình cảm, trách nhiệm, về sứ mệnh đối với đồng chí, đồng bào, truyền niềm tin để vượt qua nghịch cảnh, truyền năng lượng để vượt qua khó khăn, bồi đắp và làm cao dày thêm truyền thống tốt đẹp của đất và người Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]