(vhds.baothanhhoa.vn) - TP Thanh Hóa hiện còn 53 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đã hết thời hạn hợp đồng nhưng không chịu về nước. Vì vậy, cùng với Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa đang bị tạm dừng tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Nhiều lao động hết thời hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không chịu về nước

TP Thanh Hóa hiện còn 53 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đã hết thời hạn hợp đồng nhưng không chịu về nước. Vì vậy, cùng với Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa đang bị tạm dừng tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Nhiều lao động hết thời hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không chịu về nước

Ngôi nhà có chi phí xây dựng gần 2 tỷ đồng của gia đình chị Lê Thị Hiền, phố Phượng Đình 1, từ nguồn tiền chồng đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.

Hết hợp đồng vẫn không chịu hồi hương

Trong ngôi nhà cấp 4 tường bị rạn nứt nhiều chỗ do được xây dựng từ năm 1985, ông Dương Văn Mậu (bố của Dương Văn Châu, phố 7, phường Thiệu Khánh - lao động quá thời hạn hợp đồng tại Hàn Quốc vẫn chưa về nước) trần tình: “Mang tiếng có con đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc quá thời hạn nhưng ngôi nhà cấp 4 này đáng lý ra phải được xây mới lâu rồi. 10 năm đi Hàn Quốc, Châu có về một lần. Từ ngày nó sang đó đi làm đến nay, được bao nhiêu tiền, tôi không biết. Nhưng tôi tin chắc không ăn thua vì nếu có nhiều tiền, vợ nó không phải bươn chải thức khuya dậy sớm buôn bán quần áo ở Khu công nghiệp Hoàng Long. Ông bà tôi phải lo đưa đón 2 đứa cháu đi học rồi cơm nước”.

Ông Mậu cho rằng, lý do con ông chưa về là muốn ở lại để kiếm thêm chút tiền về xây lại ngôi nhà. Bên cạnh đó, cũng có thể Châu ngại rằng sau khi về nước, tìm kiếm việc làm phù hợp sẽ rất khó. Ông Mậu bộc bạch: “Gia đình cũng đã gọi điện động viên cho cháu về nước nhưng cháu nói, đang dịch dã, đi lại khó khăn, tốn kém nên xin phép bố mẹ ở thêm một thời gian nữa. Con đã nói vậy, gia đình tôi cũng đành chấp nhận chứ biết làm sao”.

Anh Nguyễn Huy Hùng, sinh năm 1968, phố Nghĩa Sơn 1, phường Tào Xuyên, dù quá thời hạn hợp đồng nhưng vẫn chưa về nước với lý do ở lại một thời gian để kiếm thêm ít vốn. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hương giãi bày: “Thu nhập của chồng tôi hiện tại được 30 - 40 triệu đồng/tháng. Tuy có thấp hơn so với trước đây do anh đã có tuổi, nhất là phải làm việc ngoài trời khi nhiệt độ xuống dưới âm độ C. Chồng tôi có nói, tháng 8 tới đây, anh sẽ về nước”.

Không chỉ 2 trường hợp nêu trên mà hiện trên địa bàn tỉnh có đến hàng trăm lao động hết thời hạn hợp đồng vẫn chưa chịu về nước. Việc lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc khi hết thời hạn hợp đồng không chỉ làm mất đi hình ảnh đẹp về lao động Việt Nam trong mắt bạn mà những lao động này còn ảnh hưởng đến nguyện vọng được đi làm việc tại Hàn Quốc của những lao động khác.

Giải pháp nào khi lao động không chịu hồi hương

Ông Hoàng Đình Khoa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và xã hội TP Thanh Hóa, cho biết: Để giải quyết tình trạng lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp, thời gian qua các cấp chính quyền thành phố đã vào cuộc tích cực. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh, qua họp thôn, khu phố, các tổ chức đoàn thể còn đến vận động những gia đình có con em đang lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Bằng cách làm này, thành phố đã giảm số lao động quá hạn ở Hàn Quốc từ 66 người xuống còn 53 người. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình kêu gọi con em về nước đúng hạn. Tuy nhiên, qua thực tế tuyên truyền, vận động đa số người dân vẫn chưa tự giác kêu gọi, vận động con em về nước, như trường hợp của chị Lê Thị Hiền có chồng là Nguyễn Đức Long, phố Phượng Đình 1, phường Tào Xuyên. Theo chị Hiền, chồng chị đi đến nay đã 10 năm. Chị ở nhà nuôi 3 đứa con tuy có vất vả nhưng với số tiền chồng gửi về ngoài xây ngôi nhà trong khuôn viên rộng 200m2, trị giá gần 2 tỷ đồng chị còn mua được 5 lô đất, trị giá hơn chục tỷ đồng nhưng vẫn muốn anh ở lại kiếm thêm chút vốn.

Nhiều lao động hết thời hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không chịu về nước

Chị Nguyễn Thị Hương, phố Nghĩa Sơn 1, phường Tào Xuyên trong tâm trạng mong ngóng chồng trở về nước.

Bên cạnh đó, do đã quen với môi trường sống, làm việc và thu nhập cao bên Hàn Quốc, nên nếu về nước, nhiều lao động lo ngại khó tìm kiếm việc, thu nhập không cao nên chấp nhận là lao động cư trú bất hợp pháp. Vì vậy, để giải quyết cơ bản tình trạng lao động hết thời hạn hợp đồng mà không chịu về nước đúng hạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần đề xuất Chính phủ Hàn Quốc chỉ đạo doanh nghiệp Hàn Quốc không tiếp nhận lao động bất hợp pháp, lao động hết hạn hợp đồng làm việc. Đồng thời, lực lượng chức năng Hàn Quốc phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện, trục xuất lao động cư trú bất hợp pháp. Bên cạnh đó, tìm kiếm, mở rộng các thị trường có thu nhập cao và tích cực đẩy mạnh giáo dục pháp luật để người lao động chấp hành nghiêm túc luật pháp nước sở tại. Chỉ có những giải pháp này mới hy vọng tình trạng lao động bỏ trốn hay cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc được cải thiện.

Bài và ảnh: Minh Lý


Bài và ảnh: Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]