(vhds.baothanhhoa.vn) - Tuổi trẻ chiến đấu vì Tổ quốc, đến nay dù tóc đã nhuốm màu thời gian, nhưng những cựu chiến binh may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, vẫn luôn đau đáu nỗi lòng tìm kiếm, quy tập những ngôi mộ của đồng đội về với người thân. Suốt nhiều năm qua, họ không quản khó khăn, vất vả, vượt suối, băng đèo, đạp rừng... để thực hiện công việc thiêng liêng nhưng cũng nặng nghĩa tình, đó là đưa được đồng đội trở về, góp một phần giúp các thân nhân, gia đình liệt sĩ xoa dịu vết thương chiến tranh.

Những người thầm lặng đi tìm mộ liệt sĩ

Tuổi trẻ chiến đấu vì Tổ quốc, đến nay dù tóc đã nhuốm màu thời gian, nhưng những cựu chiến binh may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, vẫn luôn đau đáu nỗi lòng tìm kiếm, quy tập những ngôi mộ của đồng đội về với người thân. Suốt nhiều năm qua, họ không quản khó khăn, vất vả, vượt suối, băng đèo, đạp rừng... để thực hiện công việc thiêng liêng nhưng cũng nặng nghĩa tình, đó là đưa được đồng đội trở về, góp một phần giúp các thân nhân, gia đình liệt sĩ xoa dịu vết thương chiến tranh.

Những người thầm lặng đi tìm mộ liệt sĩThiếu tá Trần Văn Hóa sử dụng máy vi tính để phục vụ công việc kết nối, tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Giữ trọn lời hứa với đồng đội

Những ngày tháng khói lửa, đạn bom khốc liệt đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, vẫn là sự day dứt với những người còn sống trở về. Đó là lý do mà Thiếu tá Trần Văn Hóa, thương binh 61%, xã Định Tường, nay là thị trấn Yên Định (Yên Định) dành vài chục năm nay để đi tìm đồng đội.

“Trước tôi đóng quân ở Đại đội 4 đặc công, Trung đoàn 101, Quân khu 9, nay là Lữ đoàn 101, Hải quân Nhân dân Việt Nam, ở huyện Cam Ranh (Khánh Hòa). Trong nhiều trận chiến, trái tim tôi ứa máu chứng kiến sự hy sinh của các đồng đội. Giống như sự linh thiêng nào đó, trước đây khi tôi chưa thực hiện được ý nguyện của mình trong việc đưa đồng đội đã hy sinh trong chiến trường trở về quê hương, nhiều đêm đang ngủ tôi lại giật mình nghe thấy tiếng gọi: Anh ơi vào đón em về với. Đó là điều tôi luôn trăn trở, day dứt, tự hứa sẽ quyết tâm phải thu xếp để tìm lại những nơi đồng đội đã hy sinh, tìm cách đưa họ về”, ông Hóa chia sẻ.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Hóa nghẹn ngào, nói: “Trong chiến tranh, tất cả đồng đội của tôi đều hứa với nhau rằng ai còn sống đến ngày hòa bình thì phải đưa đồng đội về với người thân cho dù chỉ là một mẩu xương, một nắm đất... Lời hứa đó luôn thôi thúc tôi trong hành trình đi tìm đồng đội. Dù khi công tác hay khi đã nghỉ hưu, tôi đều đau đáu với công việc thiêng liêng này”.

Cứ như vậy, trong nhiều năm qua, bên cạnh việc hướng dẫn gia đình của liệt sĩ tìm mộ qua điện thoại, không quản gian nan, vất vả, ông Hóa bỏ tiền túi để có những chuyến đi cùng với các cơ quan, ban, ngành và thân nhân liệt sĩ vào chiến trường xưa để đi tìm mộ đồng đội. Chuyến đi về chiến trường xưa tại tỉnh Kiên Giang và An Giang từ năm 2010 - 2013 là những chuyến đi để lại cho ông nhiều cảm xúc. Bao nhiêu kỷ niệm về thời gian chiến đấu cùng các đồng chí, đồng đội của mình cứ như thước phim quay chậm. Và ông cũng nhớ rất rõ những địa điểm nơi các đồng đội của mình đã hy sinh và được chôn cất...

Ông Hóa cho biết, sau chiến tranh, địa hình, tên xóm, tên làng đã đổi thay đi nhiều. Việc tìm kiếm mộ liệt sĩ ngày càng vất vả, khó khăn hơn do vị trí chôn cất có sự thay đổi; có trường hợp mộ liệt sĩ được chôn ở trên đất thổ cư của người dân. Để được người dân tin bản thân đi làm công việc nghĩa tình, ông đã đến thuyết phục bằng sự chân thành. Đồng thời cũng kể với họ về quá trình chiến đấu và những trăn trở khi những đồng đội của mình chưa được trở về với người thân. Niềm vui được nhân lên nhiều lần khi trong chuyến đi này, ông đã tìm được 16 mộ liệt sĩ đều là đồng đội của mình. Ông Hóa cẩn thận liên hệ với thân nhân gia đình liệt sĩ và có những trường hợp ông còn trực tiếp đưa đồng đội của mình về với quê hương ở các tỉnh, thành trong cả nước.

“Sau những chuyến đi mặc dù còn nhiều khó khăn ấy, nhưng đọng lại trong tôi là niềm vui đón đồng đội trở về nằm trong lòng đất mẹ. Tôi không bao giờ quên được cảm xúc khi nhìn thấy những giọt nước mắt mừng vui khôn tả của những người vợ, người mẹ ngày đêm trông ngóng chồng, con. Đưa đồng đội trở về với người thân, cảm giác xúc động, nhẹ lòng hơn nhiều, tôi đang cố gắng thực hiện trọn vẹn lời hứa với đồng đội của mình”, ông Hóa chia sẻ.

Ngày nào còn sống, ngày đó tôi còn đi tìm đồng đội...

Tôi gặp Thượng tá Phạm Quang Thư, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa vào trung tuần tháng 7 sau khi ông vừa có chuyến trở về chiến trường xưa để đi tìm đồng đội đã hy sinh tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Không kể nhiều về những khó khăn, vất vả trong quá trình tìm kiếm, ông Thư thông tin vui cho chúng tôi trong chuyến đi này ông cùng đồng đội đã tìm thêm được 8 mộ liệt sĩ.

Ông Thư tâm sự: Những năm tháng chiến đấu sinh tử ở chiến trường miền Nam và Campuchia, tôi đã tự tay mình đào xuống lòng đất để chôn cất biết bao cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. Từ trận đầu tiên ở Làng Vây- Khe Sanh, Quảng Trị (Mậu Thân 1968) đến mùa mưa 1968 ở Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc rồi chiến đấu ở căn cứ Lộc Ninh, Bà Chiêm, đường Lệ Xuân; lộ 26 Tây Ninh; đường 13 Chơn Thành, Hớn Quản, tỉnh Bình Long (năm 1969). Từ năm 1970 về vùng đất Bảy Núi tỉnh An Giang, những rừng đước, rừng tràm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nơi đó biết bao bạn bè, đồng đội đã ngã xuống. Mùa nước nổi, chỉ gói hài cốt liệt sĩ treo ở cây tràm, đến mùa khô, nước rút mới có đất để chôn cất liệt sĩ. Năm 1970 - 1971, sang đất bạn Campuchia, những trận đánh ở trên đất bạn đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải nằm lại trên mảnh đất chùa Tháp...

Lòng ông Thư lúc nào cũng trĩu nặng khi nghĩ về các đồng đội đã hy sinh nằm lạnh lẽo giữa chiến trường năm xưa. Như một định mệnh, năm 1985 ông Phạm Quang Thư được Quân khu 4 điều động từ Phó ban Cán bộ Sư đoàn 442 về công tác tại Ban Chính sách Tỉnh đội Thanh Hóa. Ông được bổ nhiệm làm đội phó kiêm Bí thư chi bộ Đội quy tập mộ liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào). Trong hai năm 1986 - 1987, ông cùng Đội quy tập đã hành quân đến 213 bản thuộc 6 huyện của tỉnh Hủa Phăn, toàn đội đã tìm kiếm quy tập 552 hài cốt liệt sĩ và quân tình nguyện Việt Nam. Năm 1998, đội quy tập mộ liệt sĩ được tái lập, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ban chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, ông cùng Đội quy tập trở lại tỉnh Hủa Phăn để tìm kiếm, cất bốc được 254 mộ liệt sĩ...

Lật giở những trang dòng chữ trong cuốn sổ “Những năm tháng không thể nào quên”, ông Phạm Quang Thư tâm sự: “Đây là những thông tin về quê quán, đơn vị công tác, ngày tháng năm sinh của các đồng chí, đồng đội đã hy sinh được tôi ghi chép và giữ gìn cẩn thận. Đây sẽ là hành trang theo tôi trong suốt những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội và cũng là địa chỉ để thông tin đến với thân nhân liệt sĩ...”.

Đến bây giờ, Thượng tá Phạm Quang Thư không thể nhớ mình đã đi qua bao chặng đường vất vả, nhưng mỗi lần giúp đỡ, hỗ trợ đưa được một hài cốt liệt sĩ về quê là thêm một lần ông Thư cảm thấy nhẹ lòng. “Hơn ai hết, những cựu chiến binh như chúng tôi nhận thấy phải có trách nhiệm đi tìm đồng đội. Ngày nào còn sống, ngày đó tôi còn đi tìm đồng đội...”, ông Thư cho biết.

Tâm sự của ông Thư cũng là nỗi niềm của biết bao nhiêu người hàng ngày vẫn tâm huyết, miệt mài với công việc thầm lặng đi tìm mộ liệt sĩ...

Bài và ảnh: Thu Thủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]