(vhds.baothanhhoa.vn) - Với tiềm năng đất đồi rừng rất lớn, nhiều nông dân năng động ở huyện Như Thanh đã biến vườn nhà thành các mô hình vườn hộ điển hình, cho lợi nhuận từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Những vườn hộ điển hình trên vùng đồi Như Thanh

Với tiềm năng đất đồi rừng rất lớn, nhiều nông dân năng động ở huyện Như Thanh đã biến vườn nhà thành các mô hình vườn hộ điển hình, cho lợi nhuận từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Những vườn hộ điển hình trên vùng đồi Như ThanhVườn hộ chuyên trồng đào cổ thụ và đào thế của ông Trần Văn Vũ, xã Xuân Du được nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Trên phía triền đồi cuối thôn Ao Mè thuộc xã miền núi Yên Lạc, một khu sản xuất tiền tỷ của chủ vườn Lê Thị Oanh đã nhiều năm phủ màu xanh của sự trù phú. 1.500 cây nhãn siêu ngọt chín sớm đã bén rễ năm thứ 4 trên vùng đồi thoai thoải lượn sóng. Đây là cây trồng du nhập, được chủ vườn mua giống và hợp tác canh tác - tiêu thụ với một doanh nghiệp ở tỉnh Hưng Yên. Do là nhãn ghép mắt nên vườn cây cho thu hoạch quả ngay từ năm canh tác thứ 2.

Điều đáng nói là 1,8 ha cây ăn quả mới này được canh tác và chăm sóc theo hướng công nghệ cao, có hệ thống tưới nhỏ giọt và bơm cao áp đẩy nước lên tận triền đồi. Đây chính là bước đột phá trong tư duy sản xuất của nữ chủ vườn. Theo bà Oanh, cũng như bao gia đình có diện tích vườn đồi ở địa phương, trước kia trên đất khô cằn không có nước tưới nên chỉ trồng cây keo giá trị thấp. Trước năm 2020, ngoài keo, gia đình bà trồng thêm được một ít mía và dứa phía diện tích thấp. Quanh nhà, có thêm những vạt dong riềng và các cây ăn quả kiểu vườn tạp để tự cấp tự túc. Tuy nhiên, không chủ động được nguồn nước nên năng suất các loại cây thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

“Hơn 2 ha đất đồi cứ sản xuất kiểu truyền thống thì quanh năm lam lũ cũng chỉ đủ ăn. Gia đình tôi quyết nghĩ hướng phải đột phá làm giàu nên tìm hiểu nhiều thông tin trên mạng, qua ti vi, rồi đi tham quan mô hình cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc. Biết cây nhãn siêu ngọt, chín sớm đang được ưa chuộng trên thị trường, thu hoạch không trùng với những vùng trồng đại trà nên tôi lưu tâm và tìm hiểu. Do chưa từng canh tác loại cây này nên tôi ký hợp đồng với công ty cung ứng giống để họ cử người vào tận nơi hỗ trợ kỹ thuật, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, canh tác theo hướng hữu cơ và an toàn thực phẩm. Toàn bộ nhãn thu hoạch cũng được phía công ty thu mua để tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc”, bà Oanh chia sẻ.

Ngoài diện tích trồng cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gia đình kết hợp nuôi lợn mán, gà đồi dưới những gốc cây ăn quả lâu năm. Những diện tích còn lại được trồng dược liệu như sâm cau, hoài sơn, dổi lấy hạt... Các ao phía cuối chân đồi vừa có vai trò dự trữ nguồn nước để bơm tưới cây trồng suốt bốn mùa, vừa cho gia chủ có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ bán cá. Theo hạch toán của bà Oanh, mỗi năm mô hình vườn đồi của gia đình có doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng, tạo được bước ngoặt mới trong thu nhập để vươn lên làm giàu.

Tại xã bán sơn địa Xuân Du, nghề trồng đào cảnh phát triển mạnh, trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở địa phương. Thấy được tiềm năng của cây đào, từ năm 2010, gia đình ông Trần Văn Vũ ở thôn 9 đã mạnh dạn chặt bỏ mít, ổi, chuối, bưởi... cải tạo vườn tạp để phát triển cây cảnh này. Những năm đầu, “lão nông” thu nhập gần trăm triệu đồng nhờ hơn 3.000 m2 canh tác đào phai. Tuy nhiên, khi nhà nhà trồng đào, thị trường dần bão hòa thì ông lại nghĩ đến chuyện đi trước một bước.

“Năm 2020, tôi quyết định bỏ trồng đào buông, đi học tập để canh tác đào thế, đào cổ thụ nhằm tăng lợi nhuận lên nhiều lần. Hằng năm sau mỗi vụ tết, tôi lại thu mua hàng trăm gốc đào cổ thụ từ tỉnh Sơn La và nhiều vùng núi Tây Bắc. Những cây đào cổ thụ khi được uốn tỉa, tạo tán có khi cho giá trị bằng hàng chục cây đào phai loại nhỏ”, ông Vũ tâm sự.

Những vườn hộ điển hình trên vùng đồi Như ThanhVườn đồi trồng nhãn siêu ngọt theo hướng liên kết của bà Lê Thị Oanh, xã Yên Lạc được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây.

Thăm vườn cây đang tỏa cành lá mơn mởn, chúng tôi ghi nhận hàng trăm gốc đào cổ thụ đường kính từ 20 - 40 cm với hệ thống cành được gia chủ tạo nhiều dáng lạ. Ông còn đào các mương song song dọc khu vườn để chủ động nguồn nước tưới quanh năm. Trên giữa các bờ mương là những luống đào được bón phân khoa học, luôn luôn ẩm ướt nhờ hệ thống máy bơm điện trong vườn. Nhờ chiếm lĩnh được kỹ thuật chăm sóc đào cổ thụ cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, gia đình ông Trần Văn Vũ có nguồn thu nhập liên tục tăng từ bán đào cảnh.

“Năm 2020 gia đình tôi thu nhập gần 500 triệu đồng từ vườn đào, năm 2021 tăng lên gần 700 triệu đồng và năm 2022 vừa qua tiền bán đào đã lên hơn 1 tỷ đồng, cho lợi nhuận hơn 500 triệu đồng”, ông Vũ cho biết.

Đây chỉ là hai trong hàng chục mô hình vườn hộ điển hình trên vùng đất bán sơn địa Như Thanh. Có thể kể đến khu vườn thanh long ruột đỏ và cây ăn quả kết hợp nuôi ong của ông Nguyễn Xuân Thạch ở xã Xuân Khang; mô hình vườn tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi của bà Lê Thị Hương ở xã Thanh Tân. Ở xã Yên Lạc, vườn đồi trồng nhãn liên kết của các nông dân Lê Ngọc Linh, Nguyễn Văn Trường, Lê Trọng Dung cũng trở thành mẫu hình trong phát triển vườn hộ của huyện.

Thông tin từ Hội Làm vườn và Trang trại huyện Như Thanh cho biết, toàn huyện có diện tích vườn đồi rất lớn với hơn 700 ha, trong đó khoảng 3.000 vườn đã được cải tạo. Qua Chương trình XDNTM, đã có hơn 350 vườn được đầu tư thành vườn hộ và vườn mẫu theo tiêu chí chung, có quy hoạch. Hiện có hàng trăm vườn được đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, mỗi vườn có thể cho doanh thu hàng trăm đến cả tỷ đồng mỗi năm. Nhiều vườn điển hình tập trung ở các xã: Cán Khê, Phú Nhuận, Hải Long, Yên Lạc, Xuân Du...

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]