(vhds.baothanhhoa.vn) - Vợ chồng anh Lương Văn Ke (SN 1972) và chị Lộc Thị Yến (SN 1974) bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát không giấu được niềm vui, sự hạnh phúc khi cầm trên tay quyết định về việc cho nhập quốc tịch và Giấy chứng nhận kết hôn. Ước nguyện bao năm của hai vợ chồng cuối cùng cũng đã thành hiện thực. Ít ai biết được rằng, đằng sau những nụ cười hạnh phúc hôm nay là cả một “hành trình” đằng đẵng…

Niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng Việt - Lào nơi biên viễn

Vợ chồng anh Lương Văn Ke (SN 1972) và chị Lộc Thị Yến (SN 1974) bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát không giấu được niềm vui, sự hạnh phúc khi cầm trên tay quyết định về việc cho nhập quốc tịch và Giấy chứng nhận kết hôn. Ước nguyện bao năm của hai vợ chồng cuối cùng cũng đã thành hiện thực. Ít ai biết được rằng, đằng sau những nụ cười hạnh phúc hôm nay là cả một “hành trình” đằng đẵng…

Niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng Việt - Lào nơi biên viễnVợ chồng Yến - Ke vui mừng khi cầm trên tay quyết định công nhận quốc tịch và đăng ký kết hôn.

Bản Sáng, xã vùng biên Quang Chiểu, huyện Mường Lát sương mù hãy còn ken quánh, nhìn không rõ mặt người. Những nếp nhà sàn nằm nhấp nhô như đang ngủ vùi trong sương núi, nhưng nhịp sống ngày mới của bà con dân bản thì đã bắt đầu. Lương Văn Ke với vóc người vạm vỡ như con trâu rừng đang mải miết bên chiếc máy xay xát mẻ cám cho lợn, gà. Bên khung cửi chị Lộc Thị Yến - vợ anh, đôi tay thoăn thoắt dệt chiếc khăn...

Trong căn nhà nhìn chưa rõ mặt người chị Yến bật thêm bóng điện. Ánh sáng giúp chúng tôi dễ bề quan sát căn nhà của hai vợ chồng hơn. So với 5 năm trước, lần đầu tôi gặp anh chị, đến nay căn nhà đã khang trang hơn, nhiều vật dụng, đồ đạc thiết yếu được sắm sửa. Chị Yến nhìn vào bức ảnh cưới của cô con gái mà khoe: “Các con của Yến, Ke đều đã lập gia đình rồi! Chúng đã sớm ổn định cuộc sống. Nhà giờ chỉ còn hai vợ chồng à!”. Nói rồi chị Yến nhìn xa xăm qua khung cửa. Trong khi anh Ke với cái giọng lơ lớ, tiếng Kinh vẫn chưa sõi kéo vợ về với thực tại: “Vợ chồng Ke làm được đăng ký kết hôn rồi, vui cái bụng lắm! Chỉ làm sau vợ chồng con gái một chút thôi!”, khiến cho ai cũng cười.

Câu chuyện thật mà như đùa nhưng lại là phổ biến đối với không ít cặp vợ chồng là người Việt - Lào sinh sống ở dải đất vùng biên Mường Lát. Nhớ lại lần đầu “bén duyên” nhau, Yến kể: “Người bên Ke (nước bạn Lào) sang ta chơi, họ cũng biết đi chọc sàn, “bắt vợ” như người Thái à! Chọc mấy lần thì ưng cái bụng, hẹn hò, xin phép bố mẹ về ở với nhau thôi!”.

Bấy giờ, khi Yến còn là “bông hoa rừng” đẹp nhất, nhì của bản Sáng, có nhiều chàng trai theo đuổi, nhiều gia đình muốn bắt Yến về làm vợ cho con, làm dâu trong nhà. Thế nhưng, Yến không ưng cái bụng trai bản nào! Cho tới khi gặp Ke. Ke vốn là một thanh niên bản Piềng Khạy, (cụm Cum Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào) vạm vỡ, có đủ sức vật cả một con lợn rừng, lại chịu thương chịu khó. Mặc dù đã lấy vợ và có với nhau 2 mặt con, thế nhưng hạnh phúc lại không được trọn đầy. Vợ Ke mất sớm vì bạo bệnh, Ke một mình gà trống nuôi con. Vượt qua những luật tục, hủ tục của lễ giáo bấy giờ, Yến chỉ ưng Ke.

Chung sống với nhau được thời gian bên nhà Ke (bản Piềng Khạy) có với nhau 2 mặt con, Yến mở lòng chuyển về bản Sáng (xã Quang Chiểu) để phụng dưỡng cha mẹ già. Ke đồng ý. Thế nhưng, nhiều năm qua, do vướng mắc về thủ tục, vợ chồng Yến - Ke cũng như nhiều cặp vợ chồng Việt - Lào khác ở dải đất vùng biên này dù ăn ở với nhau, có con cái, cuộc sống gia đình ổn định, hạnh phúc nhưng không thể làm đăng ký kết hôn do vướng mắc nhiều thủ tục. Việc không làm được đăng ký kết hôn đồng nghĩa họ không được công nhận là một gia đình về pháp lý.

Ke nhớ, có nhiều lần Yến buồn, ngồi cả tuần trong nhà chỉ nhìn xa xăm qua khung cửa mà khóc, thở dài. Ke hiểu cái bụng của Yến. Yến đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những dị nghị của bản làng, cố sống để đến với Ke - một người đã có vợ, con. Thế nhưng, chỉ vì Ke là người Lào chưa được nhập quốc tịch Việt mà muốn làm cái giấy khai sinh cho con mang họ bố cũng không được; vay vốn ngân hàng để mua con trâu con bò phát triển kinh tế cũng gặp khó…Yến buồn là phải.

Giờ Ke và Yến đều vui, hạnh phúc. Ngày 14-8-2019, Lương Văn Ke nhận được Quyết định số 1373/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam; đến ngày 9-9-2019 hai vợ chồng lên chính quyền UBND xã làm đăng ký kết hôn. Giờ đây cả hai vợ chồng đã chính thức được công nhận về mặt luật pháp.

Mặt trời lên cao, ánh nắng xua dần đi những mảng sương mù ảm đạm, ẩm ướt. Bản Sáng hiện rõ từng nếp nhà sàn. Những nếp nhà được treo cờ Tổ quốc (nhân ngày kỷ niệm Quốc khánh 2-9). Bản làng nhộn nhịp hơn. Nay có hội thao của xã, cánh trai làng nháo nhác gọi nhau tập luyện từ sớm. Ke cũng là tay công, tay đập bóng của bản. Ke nhấp nhổm, đôi lúc lại liếc nhìn qua những líp cửa. Yến thì tham gia đội văn nghệ, cây múa của bản, là thành viên đội múa xã…

Chia tay hai vợ chồng. Đằng sau, ngoảnh lại, Yến và Ke khoác vai nhau nhìn chúng tôi xa dần trong niềm hạnh phúc. Lòng tôi thì chộn rộn những vui mừng khó tả.

Anh Hà Văn Ho, cán bộ tư pháp xã Quang Chiểu cho rằng: Trên địa bàn xã nói riêng có hàng chục trường hợp người Việt - Lào lấy nhau sinh sống ổn định, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn trong việc làm đăng ký kết hôn do có yếu tố nước ngoài. Việc công nhận quốc tịch, giúp cho nhiều gia đình chính thức làm được đăng ký kết hôn. Đây được xem là nỗ lực với tinh thần nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó, góp phần tăng cường, nâng cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Nhân dân hai nước Việt - Lào.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]